Nếu chúng ta chấp nhận rằng xã hội này sẽ chỉ còn toàn những người đứng trên bờ vì phân vân, vì chọn sống cho mình, chẳng phải sẽ càng ngày càng thiếu đi những người anh hùng giữa đời thực, những con người sẵn sàng chấp nhận nguy hiểm của bản thân hay vượt qua giới hạn bản thân vì mấy chữ: Thấy chết là cứu!

Ngày còn đi học cấp 2, trong lớp tôi có một đứa tên là Nam. Nó là một thằng nhóc sôi nổi, lúc nào cũng xông xáo nhất lớp và coi chuyện tất cả mọi người là chuyện của mình.

Giả dụ như khi một thằng trong lớp bị đứa dân "anh chị" lớp khác cốc đầu lấy xe đạp đi chơi vài vòng, Nam sẽ là thằng lao ra gây lộn với đám "anh chị" đấy để lấy xe về cho bạn.

Nó thậm chí còn đánh nhau bêu cả đầu với đứa lớp trên vì trêu con nhỏ cùng bàn của nó phát khóc. Nếu chẳng may đứa nào bị treo dép lên cây, Nam sẽ là thằng trèo cây để gỡ xuống.

Sau mỗi chiến công, Nam thường bị "trọng thương" với đủ vết tím trên người.

Nó hơi gầy và chỉ biết vài món võ, nhưng lậm nặng mấy phim kiếm hiệp nên luôn nghĩ mình cần phải hành hiệp trượng nghĩa. Một thằng nhóc vô tư, hào hiệp và lúc nào cũng lăn xả vào tất cả những vụ rắc rối.

Nhớ đến Nam khi ngồi viết bài này, tự dưng tôi nghĩ, chúng ta càng ngày càng thiếu đi những thằng Nam như thế trong cuộc sống hiện đại.

Khi những hình ảnh về người thanh niên chết đuối ở Đà Nẵng tràn lan trên mạng, đã có hàng trăm nghìn những lượt comment, đặt câu hỏi về sự thờ ơ của những người đứng xung quanh.

Chẳng ai trong chúng ta ở đó để hiểu rõ câu chuyện, nhưng chẳng có ai dám đập bàn mà quả quyết rằng, nếu tôi ở đó, mọi chuyện sẽ khác.

Phần đông comment tìm cách lý giải cho sự thờ ơ đó, người đổ cho nỗi sợ một thanh niên bị nghi ngáo đá, người cho rằng đám đông nhao nhao cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì, có người lại phân tích hẳn một bài dài về lý do tại sao không nên cứu người đang chết đuối - ngay cả khi bạn có biết bơi.

Thanh niên chết đuối ở Đà Nẵng và câu chuyện về lòng tốt đang ở đâu? - 0

Nam thanh niên chìm dần xuống nước nhưng không được ai cứu giúp - (Ảnh cắt từ clip).

Mọi phân tích đều nghe hợp lý, bởi rõ ràng là chẳng ai nỡ dửng dưng mà chứng kiến một thanh niên đang dần chìm ngỉm trước mặt mình.

Cũng chẳng có ai dại mà không biết bơi lại sồn sồn lao xuống cứu người chết đuối.

Có lẽ những người xung quanh không cố ý, thậm chí họ cũng chẳng nghĩ rằng mình sẽ trở thành chủ đề bàn tán, lên án của một bộ phận đông cư dân mạng.

Họ chỉ đang làm cái mà họ cho rằng đúng nhất - một cách vô thức: Không chắc mình sẽ cứu được thì tốt nhất nên đứng yên.

Tất nhiên là số đông không sai, suy nghĩ cho chính mình cũng không sai.

Chúng ta ai cũng có quyền được mưu cầu sự an toàn và lựa chọn mà không bị phán xét. Chẳng ai sai.

Còn chàng trai thì đã chết đuối sau vài chục phút quẫy đạp dưới nước.

Cái chết của chàng thanh niên giữa hàng chục người đứng nhìn anh đang chìm dần xuống khiến tôi tự hỏi: Có phải rằng chúng ta đã nuôi dưỡng quá lâu sự rụt rè, an phận, để chúng bào mòn đi trong ta hình ảnh những kẻ xông xáo, những kẻ ngây thơ tin vào một sự hào hiệp mang màu sắc hiệp sĩ trẻ con?

Chúng ta thường xuyên nói về lòng tốt, về sự nhân ái giữa con người với con người, ngưỡng mộ những hình ảnh đẹp về loài người cưu mang lẫn nhau giữa ranh giới ngặt nghèo của cuộc sống.

Thế nhưng ta lại luôn tìm kiếm những lý do để trì hoãn lòng tốt của chính mình.

Chúng ta cảm thấy… yên tâm khi luôn có những người khác đảm nhiệm vai trò người tốt, để ta có thể đơn giản là một người bình thường sống giữa xã hội .

Bị chê là nhát cũng được, hẹp hòi cũng chẳng sao, hay người ta có đang hiểm nghèo đến đâu cũng không phải chuyện của mình. 

Thanh niên chết đuối ở Đà Nẵng và câu chuyện về lòng tốt đang ở đâu? - 1

Nhưng thật ra, nó không phải việc bạn bất chấp tất cả và lao xuống nước để cứu người thanh niên kia, mà là chuyện chúng ta đã dần mất đi trong mình sự nhiệt thành cần có của một người tốt, cũng mất dần đi lòng dũng cảm mà ta đã từng nuôi dưỡng qua những tháng ngày còn ngây thơ.

Chúng ta hoài nghi với việc tốt và bớt dại khờ để so sánh, đong đếm những khả năng sẽ diễn ra, đặt lên bàn cân giữa lợi và hại.

Sự khôn khéo và thói quen tính toán mỗi khi ta định giúp một ai đó sẽ ăn mòn đi lòng tốt trong mỗi cá nhân, hợp lý hoá sự thờ ơ và lãnh đạm.

Sẽ rất khó để đổ tội cho bất cứ ai vì họ đã có những suy nghĩ hoài nghi và lựa chọn sự an toàn để sống.

Lòng dũng cảm giữa thời hiện đại là một khái niệm mộng mơ và sự hào hiệp giữa người với người chỉ còn tồn tại trong phim chưởng.

Không ai đáng bị lên án vì đã chọn đứng lại, cũng không ai đáng bị chỉ trích vì đã đặt sự an toàn của bản thân mình lên hàng đầu.

Nỗi sợ hãi của con người là rất bản năng và chúng ta không thể bắt người khác phải có được sự dũng cảm mà chưa chắc chúng ta đã có.

Nhưng việc chúng ta thừa nhận sự thờ ơ tồn tại như một điều hiển nhiên sẽ đồng nghĩa với việc chúng ta chấp nhận rằng lòng tốt đã trở thành một khái niệm thừa thãi trong xã hội hiện đại, cũng tương tự như sự vô tư, lòng dũng cảm và tình người chân thành.

Quay lại với câu chuyện người thanh niên Đà Nẵng chết đuối, tôi nghĩ chúng ta vẫn không đủ quyền để phán xét bất cứ ai đứng trên bờ nhìn xuống ngày hôm đấy.

Chỉ là, nếu chúng ta cứ tiếp tục thoả hiệp với sự thiếu vắng lòng tốt và sự dũng cảm trong đời sống thường ngày, có lẽ, cuộc đời sẽ càng ít đi những kỳ tích, những con người phi thường.

Và nếu chúng ta chấp nhận rằng xã hội này sẽ chỉ còn toàn những người đứng trên bờ vì phân vân, vì chọn sống cho mình, chẳng phải sẽ càng ngày càng thiếu đi những người anh hùng giữa đời thực, những con người sẵn sàng chấp nhận nguy hiểm của bản thân hay vượt qua giới hạn bản thân vì mấy chữ tưởng chừng ai cũng sẽ dạy con mình: Thấy chết là cứu!

 

Theo Trí thức trẻ




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC