Thói quen xấu thường là thói quen cũ nhưng không còn phù hợp với thời đại mới hay nó là thói quen mới phát sinh, có hại cho ta và xã hội nhiều hơn có lợi.

Theo tôi, con người trong một xã hội có nhiều hay ít thói xấu thường do ảnh hưởng bởi những yếu tố chủ yếu sau:

1. Chương trình giáo dục học đường.
2. Giáo dục gia đình.
3. Ý thức của mỗi con người.
4. Nhiệm vụ của xã hội.

Chương trình giáo dục quốc gia: trường cấp một nên tập trung đào tạo nhân cách và cách xử thế cho học sinh. Thầy cô nên thường xuyên trao đổi với học sinh một vài mẫu chuyện thời sự hay đề tài về đời sống phù hợp với độ tuổi để tập dần cho các em có những suy nghĩ, nhận định bén nhạy về thực tế của cuộc sống ngoài xã hội, tôi nghĩ vậy. Nên gần gũi với mọi học sinh để rèn luyện, uốn nén tác phong, đạo đức cho các em. Tạo môi trường thân thiện để các em cảm thấy thoả mái mạnh dạn phát biểu suy nghĩ và cảm nhận của mình. Tạo cho các em có cơ hội làm việc/bàn luận chung nhưng sẵn sàng can thiệp để hướng dẫn các em những nguyên tắc hành xử với người khác khi có xung đột xảy ra hay can thiệp để tránh xảy ra xung đột.

Tôi cho rằng những điều vừa nêu là quan trọng hàng đầu trong việc đào tạo thế hệ mới. Việc này các nước phát triển đã áp dụng từ lâu. Ngoài ra, nếu làm được thì sẽ càng hợp với khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” hơn. Nếu cần hãy gia hạn đào tạo giáo viên/sư.

Trong gia đình: cha mẹ không chỉ bỏ nhiều thì giờ và tâm huyết cho con cái mà còn phải khuyến khích sự thể hiện nếp sống văn minh, không chỉ với cha me và anh em trong gia đình mà phải là với với tất cả mọi người ở nơi cộng cộng: già hay trẻ, quen hay lạ. Cha mẹ nên bắt chuyện với con cái mỗi ngày để nắm bắt mọi sự việc liên quan đến việc học, sinh hoạt bạn bè và sự phát triển tính tình, tâm lý của con em mình. Có quan tâm đến mọi sinh hoạt của con thì ta mới có thể hiểu và thông cảm cho con, rồi những lời nói, lời khuyên hay sự uốn nén của ta sẽ dễ được chấp nhận. Nếu không, vai trò hướng dẫn, dìu dắt của cha mẹ sẽ khó tránh những trở ngại hay bế tắc. Thường thường người có kinh nghiệm không tốt về đới sống gia đình sẽ dễ trở thành người tiêu cực ngoài xã hội so với người đã từng có cuốc sống gia đình hạnh phúc.

Nhiệm vụ của mỗi cá nhân: phải tự giác có hành động cụ thể ở nơi công cộng để chứng tỏ ta có ý thức tốt và luôn thể hiện bản lĩnh của người có văn hoá trong mọi tình huống – nhất quyết không tán thành hay hùa theo người xử sự vô ý thức. Chúng ta là người đã trưởng thành, chúng ta từng biết, từng nói rằng ở nước khác con người cư xử với nhau rất có văn hoá ở nơi công cộng, vậy ta phải ráng bắt chước làm cho giống những con người có văn hoá ở nước ngoài, chứ không nên nói mà không chịu hành động. Không nên cứ đỗ lỗi cho người khác mà nên xem xét lại chính mình đã mạnh dạn chứng tỏ bằng việc làm chưa hay vẫn chỉ là: mới có ý thức trong đầu chứ vẫn còn tiêu cực trong hành động. Rất tiếc, trong xã hội Việt Nam có nhiều quan lớn, có nhiều người trí thức, và người nỗi tiếng, còn mắc phải nhiều thói quen tiêu cực.

Nhiệm vụ của xã hội: là nhiệm vụ của báo chí, TV, phim…. cũng là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng. Báo chí, phim ảnh…. nên học theo những con rồng, con cọp châu Á khoảng 30 năm trước: đặt mục tiêu giáo dục và xây dựng lên trên. Mỗi người làm báo, làm văn nghệ là một chiến sĩ trong mặt trận xây dựng nhân cách hiện đại cho dân tộc (dĩ nhiên họ cần phải được đào tạo ưu tiên đặc biệt và nên gia tăng thời gian đào tạo). Cần phải soạn thảo và công bố những nguyên tắc ứng xử cơ bản áp dụng cho từng trường hợp thường gặp ở nơi công cộng. Nơi làm việc nên có những qui định ứng xử chung để tạo sự lành mạnh trong quan hệ đồng nghiệp. Nơi công cộng nên có thật nhiều luật lệ để hướng dẫn, để ép người dân vào nề nép vì lợi ích chung cho xã hội và mức phạt phải đủ sức răng đe – khi ta ý thức những gì đúng và sai nơi công cộng thì ta sẽ dễ nhận biết hơn những gì đúng và sai trong cách cư xử của ta đối với người khác. Rất tiếc, hiện nay đa số báo chí, phim…. đang tập trung vào mục đích thương mại.

Thường thường, khi cuộc sống ngày càng sung túc thì con người hanh phúc hơn rồi họ tự động cư xử với nhau, với môi trường…. ngày một văn minh hơn. Trong khi, người Việt Nam đang đi ngược chiều với sự văn minh. Có lẽ, vì đa số người Việt chưa thấy cần thiết phải dẹp bỏ những thói xấu.

Có một loại thói quen xấu khác cũng cần nói đến, đó là những thói quen do quá lố, chẳng hạn như: ăn quá lố hay lúc nào cũng ăn, lúc nào cũng xem TV, ngủ li bì, sạch sẽ quá lố…. hay là, đọc sách tốt nhưng nếu ta thường ham đọc đến nổi không lo ăn, ngủ hay làm những chuyện cần thiết khác thì có nghĩa là khi đọc sách ta có thói quen xấu. Những thói quen này chỉ làm uổng thì giờ và sự quá lố, không điều độ có hại cho sức khoẻ. Nó còn làm yếu tinh thần hay làm nhụt ý chí của ta.

Nói chung, thói quen xấu có thể làm cho con người của ta bị giảm giá trị. Nó làm cho đời sống và mối quan hệ giữa con người rắc rối hơn, dễ dẫn tới xung đột và giảm đi sự tin tưởng, thân thiết với nhau. Thói quen xấu nào cũng đều khó bỏ vì ta đã quen với nó từ lâu. Nếu ta có quyết tâm thì nên tập trung bỏ từng thói quen một. Hãy tạo động cơ cho việc làm của ta bằng cách ghi ra những tác hại của thói hư đó. Và sẽ dễ hơn nếu ta thay một thói quen cũ bằng một thói quen lành mạnh mới. Dẹp bỏ bớt thói quen xấu bạn sẽ trở thành dễ thân, dễ mến hơn đối với mọi người xung quanh và bạn sẽ có đời sống tinh thần lành mạnh hơn, thoả mái hơn.

Theo Paulle
Song Tra.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC