Đạo diễn Iran Jafar PahaniBóng đá trên màn bạc Tại Liên hoan phim quốc tế Berlin lần 56 (từ ngày 9 đến 19-2), một loạt phim về bóng đá bắt đầu làm nóng không khí World Cup 2006 tổ chức tại Đức mùa hè này.
Sau khi đội tuyển bóng đá Mỹ lập được kỳ tích thắng tuyển Anh 1-0 tại World Cup 1950 thì môn bóng đá cũng lặng lẽ biến mất ở Mỹ. Bóng chày, bóng bầu dục và bóng rổ thống trị các sân vận động ở Hoa Kỳ thời hậu Thế chiến 2; và bóng đá cũng chưa chính thức sống lại ở Mỹ ngay cả khi Liên đoàn Bóng đá Bắc Mỹ được thành lập năm 1968, sau đó là sự ra đời của đội bóng Cosmos (New York) với các tên tuổi lớn nhất của môn thể thao vua là Pele và Franz Beckenbauer.

Hai nhà làm phim Paul Crowder và John Dower đã kể về sự xuất hiện rực rỡ của đội bóng Cosmos - cũng như của bóng đá Mỹ - trong bộ phim tài liệu mới Một lần trong cả cuộc đời (Once in a lifetime) vừa được chiếu ra mắt tại LHPQT Berlin. Theo Crowder: “Không có một đội bóng nào trên thế giới giống như CLB New York Cosmos. Nay thì câu chuyện về nó mới được kể”. Nhưng câu chuyện lạ lùng về Cosmos chỉ là một trong số khá đáng kể những bộ phim về bóng đá đang khuấy động thủ đô nước Đức.

Được cổ vũ bởi sự thành công của bộ phim bóng đá Hãy khuất phục nó như Beckham đã làm (2002), các nhà làm phim từ Iceland cho tới Iran đang tìm cách khai thác cơn sốt bóng đá sẽ diễn ra không chỉ ở Đức mà khắp thế giới vào mùa hè này. Có tới hơn nửa tá các bộ phim cả tài liệu lẫn phim truyện đề tài bóng đá được trình chiếu tại LHP Berlin đầy uy tín.

Theo ông Gerd Graus, phụ trách báo chí của ban tổ chức World Cup Berlin: “Vài năm trở lại đây, chúng tôi chứng kiến một sự gia tăng ham thích bóng đá, đặc biệt trong giới trí thức tại Đức. Đã có nhiều cuốn sách, các vở diễn sân khấu, các triển lãm tại bảo tàng - tất cả đều về bóng đá. Bây giờ khi World Cup đang tới gần, sự ham thích ấy lên tới mức đủ sức kéo người ta đi xem các bộ phim bóng đá”.

Song không phải tất cả các bộ phim bóng đá đến với LHP Berlin chỉ đơn thuần nói chuyện sân cỏ. Bộ phim Ngoài 11 người, quay tại quê hương Iceland của đạo diễn Robert I. Douglas, là câu chuyện về Ottar Thor, một ngôi sao bóng đá Iceland đã dám công khai mình là người đồng tính dù phải hứng chịu nhiều phản ứng từ gia đình, đồng đội và các fan hâm mộ. Tuy nhiên, ngoài phim kể trên, bóng đá lôi cuốn các nhà làm phim khác bởi tính nhân loại của môn thể thao vua và kịch tính của nó trong các chủ đề về tình đồng đội, sự nỗ lực để ghi bàn thắng.


Bóng đá trên màn bạcĐạo diễn Tây Ban Nha Chema Rodriguez thực hiện phim tài liệu Chuyến xe lửa toàn sao, kể về một nhóm các cô gái mại dâm ở Guatemala City đã đứng ra tổ chức một đội bóng đá. Cách nào đó, phim là một hài kịch về sự si mê bóng đá của những cư dân địa phương, song nó cũng “nói về những con người giản dị, bị ngược đãi, đã liên kết lại và đấu tranh cho quyền lợi của mình”, cũng như hướng sự chú ý của dư luận tới tình trạng bạo động trong cuộc sống hiện thời của họ - theo lời đạo diễn Rodriguez.

Còn đạo diễn Iran Jafar Pahani, sau thành công của bộ phim Vòng xoáy (2002) được nhiều giải thưởng quốc tế, mô tả cuộc sống đầy khắc nghiệt của nữ giới tại Iran, đã tiếp tục đề tài bình đẳng giới với bộ phim Việt vị, kể về sáu nữ sinh đã cải trang thành con trai để có thể vào sân vận động tại Tehran xem một trận đấu bóng đá - điều cấm kỵ đối với phụ nữ xứ này, nhưng cuối cùng chỉ có một em may mắn lọt vào được sân bóng. Việt vị ở trong số 19 bộ phim tranh giải Gấu vàng cao quí nhất của LHP Berlin.

Ngoài ra, còn phải kể đến bộ phim Trận đấu lớn của đạo diễn Tây Ban Nha Gerardo Olivares, một phim vui hết cỡ về những fan bóng đá đã xếp hàng đi xem trận chung kết World Cup 2002 trên một màn ảnh truyền hình; hay bộ phim tài liệu Tại sao 3-30? của đạo diễn Đức Lars Pape, nhìn bóng đá như một hiện tượng xã hội có khả năng liên kết các gia đình, bè bạn và các đô thị lại; còn bộ phim Zion và các anh em của đạo diễn Israel Eran Merav kể lại chuyện trả thù thương tâm của một cậu bé 12 tuổi khi cố tìm lại một đôi giày bóng đá của em bị mất cắp.

Nước Đức, khác với nước Mỹ trong bộ phim Một lần trong cả cuộc đời, đã bị bóng đá mê hoặc kể từ khi đội tuyển Đức đá bại tuyển Hungary trong trận chung kết World Cup 1954 - một trong những thời khắc hồi sinh đầu tiên của nước Đức sau thời kỳ đen tối dưới sự thống trị của chủ nghĩa phát xít và thảm bại trong Thế chiến 2.

Hơn nửa thế kỷ sau chiến thắng bóng đá vang dội đó, nước Đức lại sôi động hơn bao giờ với tư cách chủ nhà của World Cup. Và những bộ phim về bóng đá tại LHP Berlin tựa như tiếng còi khai cuộc để biến cơn sốt bóng đá ở Đức trở thành một cơn “đại dịch” toàn cầu!


Theo Tuổi Trẻ


 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC