Phương Tây xem nỗ lực hỗ trợ Ukraine là minh chứng cho sự đoàn kết, nhưng trong mắt Nga, đây có thể được cho là sự can thiệp nguy hiểm.

Khoảng 20 quốc gia, hầu hết là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU), đang rót vũ khí vào Ukraine để chống lại chiến dịch quân sự của Nga.

Hà Lan đang gửi các bệ phóng rocket cho lực lượng phòng không Ukraine. Estonia gửi tên lửa chống tăng Javelin. Latvia gửi tên lửa đất đối không Stinger. Cộng hòa Czech gửi súng máy, súng bắn tỉa, súng lục và đạn dược.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki hứa cung cấp hàng chục nghìn đạn pháo, tên lửa phòng không, súng cối hạng nhẹ, máy bay trinh sát không người lái và các vũ khí khác. Ba Lan, Hungary và Moldova cũng mở cửa chào đón hàng nghìn người Ukraine di cư.

Đức, quốc gia từ lâu không gửi vũ khí tới các khu vực xung đột, cũng đã đảo ngược quy định và gửi tên lửa Stinger và rocket cho Kiev.

Thụy Điển, quốc gia trung lập và không phải thành viên NATO, tuyên bố gửi Ukraine 5.000 vũ khí chống tăng, 5.000 mũ bảo hiểm, 5.000 áo giáp, 135.000 khẩu phần ăn dã chiến và 52 triệu USD. Một quốc gia trung lập khác là Phần Lan cũng nói sẽ cung cấp 2.500 khẩu súng trường tấn công, 150.000 viên đạn, 1.500 vũ khí chống tăng và 70.000 khẩu phần ăn dã chiến.

1 Ho Tro Vu Khi Cho Ukraine  Con Dao Hai Luoi Voi Phuong Tay

Lực lượng Litva đang chuyển các lô vũ khí và thiết bị hỗ trợ Ukraine lên máy bay. Ảnh: AP.

Quỹ châu Âu được sử dụng để mua vũ khí hạng nặng được gọi là Cơ sở Hòa bình châu Âu. Quỹ này được thành lập hai năm với mục tiêu ngăn chặn xung đột và tăng cường an ninh quốc tế. Quỹ có ngân sách khoảng 6,4 tỷ USD cho hoạt động từ năm 2021 tới 2027. Quan chức EU cho biết nếu Ukraine cần hỗ trợ tài chính, nó có thể được sử dụng.

Chiến dịch của Nga ở Ukraine đã đưa các nước châu Âu xích lại gần nhau, giữa lúc lục địa đối mặt với mối đe dọa an ninh nghiêm trọng.

“An ninh và quốc phòng châu Âu trong 6 ngày qua đã phát triển hơn trong hai thập kỷ trước”, Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy ban châu Âu, nói ngày 1/3. Brussels đã chuyển sang “châu Âu hóa” những nỗ lực của các nước thành viên để hỗ trợ Ukraine về vũ khí và tài chính.

Ở phía bên kìa bờ Đại Tây Dương, Mỹ cũng đang tích cực hỗ trợ Ukraine, dù tuyên bố rõ ràng không gửi quân tới Ukraine. Một ngày sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2, Nhà Trắng phê duyệt gói vũ khí và thiết bị trị giá 350 triệu USD, trong đó có vũ khí chống tăng Javelin và tên lửa Stinger. Quan chức Lầu Năm Góc cho biết các chuyến hàng bắt đầu chuyển đi trong vài ngày từ các kho dự trữ quân sự ở Đức tới Ba Lan và Romania, từ đó vận chuyển trên đất liền vào miền tây Ukraine.

Trong chuyến thăm một căn cứ không quân ở Ba Lan, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh “cuộc chiến của ông Putin ảnh hưởng đến tất cả chúng ta và các đồng minh NATO sẽ luôn sát cánh để bảo vệ nhau”. Ông khẳng định cam kết của NATO với Điều 5, điều khoản phòng thủ tập thể, là không thay đổi.

“Không có chỗ cho những tính toán sai lầm”, ông nói. “Chúng tôi sẽ làm những gì cần thiết để bảo vệ từng tấc đất của lãnh thổ NATO”.

Nhiều chuyên gia khác cho rằng cung cấp vũ khí, thiết bị cho Ukraine rất quan trọng, giúp Ukraine chống lại chiến dịch quân sự mà phương Tây cho là “vô cớ” của Nga.

Ngoài vũ khí chống tăng Javelin hay tên lửa Stinger, Douglas Lute, cựu trung tướng kiêm đại sứ Mỹ tại NATO Lute thêm rằng cũng cần đảm bảo các thiết bị liên lạc để chính phủ Ukraine có thể tiếp tục liên lạc với quân đội và người dân nếu Nga làm mất sóng internet.

“Trên lãnh thổ NATO, chúng ta nên như Pakistan”, ông nói, thêm rằng cung cấp cho người Ukraine như người Pakistan hỗ trợ Taliban ở Afghanistan, dự trữ thiết bị ở Ba Lan và tổ chức các đường tiếp tế.

Vũ khí phương Tây được đưa vào Ukraine với số lượng tương đối lớn trong những ngày qua nhưng không được tiết lộ chi tiết. Nếu có thể triển khai nhanh, chúng có thể mang đến tác động lớn, theo Steven Erlanger, biên tập viên NY Times.

Tốc độ là điều cốt lõi khi biên giới giữa Ba Lan và Ukraine vẫn mở. Quân đội Nga đang cố gắng bao vây các thành phố và cắt đứt lực lượng Ukraine ở phía đông sông Dnipro, khiến việc tiếp tế trở nên khó khăn hơn.

Nhưng liệu số vũ khí mà châu Âu gửi có đến kịp Ukraine để giúp xoay chuyển tình hình ở thực địa hay không vẫn là điều chưa chắc chắn. Bên cạnh đó, nỗ lực mà Brussels ca ngợi có thể cũng tiềm ẩn nguy cơ tạo ra một cuộc chiến lớn hơn và những biện pháp đáp trả từ Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ngay cả khi không có binh sĩ nào của NATO tiến vào Ukraine, nguồn cung vũ khí của châu Âu có thể là một sự can thiệp trá hình trong mắt Nga, theo Erlanger.

Cung cấp vũ khí cho Ukraine là một ý tưởng tốt nhưng nếu nó càng tăng lên, câu hỏi đặt ra là “ông Putin sẽ phản ứng như thế nào”, Malcolm Chalmers, phó giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia (RUSI) ở London, Anh.

Tổng thống Putin trong những bài phát biểu gần đây xem những hỗ trợ của phương Tây với Ukraine là mối đe dọa nhằm làm tổn hại Nga. Thậm chí, ông hôm 27/2 báo động lực lượng hạt nhân, động thái mà nhiều chuyên gia xem là gửi lời cảnh báo châu Âu và Mỹ về nguy cơ của việc can thiệp.

Giới chuyên gia cũng không loại trừ khả năng máy bay Nga sẽ đi lạc vào không phận NATO khi họ cố ngăn các đoàn xe hoặc đuổi theo máy bay Ukraine. Tình huống tương tự từng xảy ra khi một quốc gia NATO bắn hạ máy bay chiến đấu Su-24 của Nga gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ – Syria năm 2015.

“Các cuộc chiến tranh thế giới đã bắt đầu từ những xung đột nhỏ hơn”, Erlanger viết, thêm rằng việc các nước NATO ở gần cuộc chiến có thể dẫn tới rủi ro kéo các bên vào xung đột.

2 Ho Tro Vu Khi Cho Ukraine  Con Dao Hai Luoi Voi Phuong Tay

Một lính Pháp tại Brive-la-Gaillarde trước khi xuất phát tới Romania hôm 1/3. Ảnh: AFP.

Để phòng ngừa các rủi ro, NATO cũng có động thái tăng cường khả năng răn đe tại các quốc gia thành viên ở sườn đông, đảm bảo rằng Nga không thử thách cam kết phòng thủ tập thể của NATO.

Riêng Mỹ đã triển khai thêm 15.000 quân tới châu Âu, trong khi lần đầu tiên cam kết điều động 12.000 binh sĩ cho lực lượng phản ứng của NATO. Washington cũng triển khai thêm máy bay chiến đấu và trực thăng tới Romania, Ba Lan và các nước vùng Baltic.

Pháp đã điều đợt quân đầu tiên tới Romania vào đầu tuần này để lãnh đạo một tiểu đoàn NATO mới ở đó và gửi máy bay chiến đấu Rafale cho Ba Lan. Đức, quốc gia dẫn đầu tiểu đoàn NATO ở Litva, gửi thêm 350 tới đây, 6 máy bay chiến đấu đến Romania, một số binh sĩ tới Slovakia và tăng thêm hai tàu tuần tra hàng hải của NATO.

Anh, quốc gia chỉ huy tiểu đoàn ở Estonia, gửi thêm 850 binh sĩ và nhiều xe tăng Challenger đến quốc gia này, cùng 350 lính tới Ba Lan. Họ cũng báo động 1.000 binh sĩ khác trong tình trạng sẵn sàng giúp đỡ người tị nạn và gửi 4 máy bay chiến đấu tới Cyprus, điều hai tàu tới phía đông Địa Trung Hải.

Canada, Đan Mạch, Italy cũng có những động thái tương tự.

“Điều này cho thấy NATO đang nghiêm túc xem xét mối đe dọa từ nguy cơ Nga mở rộng chiến dịch hoặc nguy cơ chiến tranh trên lãnh thổ liên minh”, Erlanger nhận định.

Nguồn: nnexpress.net




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC