Giới chức Mỹ dường như đang cân nhắc việc gửi tên lửa tầm xa ATACMS cho Ukraine và có thể sớm viện trợ loại vũ khí tầm tấn công 300km dùng trên tổ hợp HIMARS cho Kiev.

1 My Co The Sap Vien Tro Ukraine Ten Lua Tam Ban 300km Cho Hoa Than Himars

Tên lửa tầm xa ATACMS được phóng ra từ pháo phản lực phóng loạt M270 của Mỹ (Ảnh: Wikipedia).

ABC News dẫn nguồn tin từ các quan chức Mỹ cho hay, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể sẽ gửi tên lửa ATACMS dùng trên hệ thống hỏa lực phóng loạt HIMARS nhằm hỗ trợ Ukraine đối phó chiến dịch quân sự của Nga.

"Các tên lửa này đang trên đường đến", một quan chức thạo tin nói, lưu ý rằng kế hoạch vẫn có thể thay đổi vì chưa được công bố một cách chính thức.

Một quan chức khác cho hay, việc gửi ATACMS đang được cân nhắc và có thể sẽ nằm trong gói viện trợ an ninh tiếp theo của Mỹ cho Ukraine. Nguồn tin này cho biết Mỹ chưa đưa ra quyết định cuối cùng và Ukraine có thể phải chờ vài tháng nữa mới được nhận ATACMS.

ATACMS là tên lửa đất đối đất có tầm bắn 300km, gấp 4 lần các rocket GMLRS mà Mỹ đang cấp cho Ukraine để sử dụng trên hệ thống HIMARS.

Hồi tháng 7/2022, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho hay, nước này sẽ không cung cấp ATACMS cho Ukraine vì lo ngại chúng sẽ được sử dụng để tấn công vào lãnh thổ Nga, diễn biến có thể làm leo thang xung đột và có khả năng dẫn đến Thế chiến III.

Cho tới nay, lập trường của Mỹ vẫn chưa thay đổi một cách chính thức, ngay cả khi Mỹ và Pháp đã gửi cho Ukraine các tên lửa tầm xa Storm Shadow.

Truyền thông Mỹ năm ngoái dẫn các nguồn thạo tin trong chính quyền nước này cho biết, Ukraine dường như đã gửi cho Washington danh sách đầy đủ về những mục tiêu của Nga mà họ dự định có thể nhắm tới.

Việc Ukraine gửi danh sách mục tiêu Nga cho Mỹ được xem là động thái nhằm bảo đảm Kiev sẽ không sử dụng vũ khí của Washington tấn công vào trong lãnh thổ Nga, theo giới quan sát.

Đây được xem là nỗ lực để thuyết phục chính phủ Tổng thống Mỹ Joe Biden cấp cho Ukraine các vũ khí tầm xa, uy lực hơn, ví dụ như tên lửa ATACMS sử dụng trên hệ thống hỏa lực HIMARS.

Với trọng lượng hơn 1,6 tấn, dài 4m và đường kính 610mm, ATACMS có thể bay với tốc độ lên tới 1km/s ở trần bay khoảng 50km. Sử dụng thiết bị dẫn đường sử dụng hệ thống định vị vệ tinh GPS, tên lửa này có sai số rất nhỏ dù có thể tấn công mục tiêu ở xa tới 300km.

Được phát triển bởi tập đoàn công nghiệp quốc phòng Lockheed Martin từ năm 1986, tính đến nay, khoảng 3.700 tên lửa ATACMS đã được sản xuất và đưa vào phục vụ trong biên chế của quân đội Mỹ cùng một số quốc gia đồng minh.

Mỹ đã và cam kết viện trợ cho Ukraine hàng chục hệ thống HIMARS. Ukraine đã sử dụng tên lửa GMLRS trên HIMARS và gây ra không ít tổn thất cho các mục tiêu quan trọng của Nga như kho vũ khí, kho nhiên liệu, các tuyến tiếp tế hậu cần.

GMLRS chỉ có tầm tấn công 80km, nhưng giá thành vào khoảng 160.000USD, trong khi mỗi quả ATACMS trị giá 1 triệu USD. Ngoài ra, Mỹ đã dừng dây chuyền sản xuất ATACMS được 10 năm, trong khi GMRLS vẫn đang trong quá trình sản xuất bổ sung.

Newsweek cho rằng, đây cũng là một trong những lý do mà Mỹ chưa muốn gửi ATACMS cho Ukraine trong thời gian qua.

Theo ABC News

Nguồn: Báo điện tử Dân trí




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC