Chuyên gia quân sự Martin van Creveld nêu 4 lý do khiến một cuộc tấn công của Trung Quốc vào Đài Loan ngày càng có nhiều khả năng xảy ra. Nhưng liệu Trung Quốc có vượt qua được mọi khó khăn tại “con mương đen” hay không lại là điều không chắc chắn.

Số phận của thế giới sau đó phụ thuộc vào bên thứ ba.

1 Nguoi Trung Quoc Co Nguy Co Chiu So Phan Cua Nguoi Mong Co  Va Chung Ta Se Chung Kien Dieu Phi Thuong

Cọc chống xe tăng trên biển giữa Đài Loan và Trung Quốc

Nếu một chế độ độc tài có vấn đề, thì chắc chắn chế độ đó sẽ cố gắng giải quyết khó khăn của mình bằng chiến tranh. Đánh giá về hành vi ngày càng hung hăng của Trung Quốc đối với Đài Loan trong những tuần gần đây, có thể thấy chế độ độc tài này, đúng, đó là một chế độ độc tài, đang có vấn đề hết sức to lớn. Các vị hãy nghĩ xem:

• Sau nhiều thập kỷ tăng trưởng kinh tế bền vững, trong đó GDP bình quân đầu người đã tăng gấp 70 lần, đã đến lúc các công thức mà Đặng Tiểu Bình đưa ra trong những năm 1980 dường như không còn hiệu quả nữa.

Ngay bản thân Chủ tịch Tập Cận Bình cũng thấy, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn đến mức nó đe dọa sự ổn định của chế độ, như những gì đã xảy ra trong quá khứ. Cần thiết phải có những biện pháp mới, nhưng cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy chúng đã được được phát hiện chứ chưa nói đến việc thực hiện.

• Ở nhiều nơi trên khắp nước Trung Quốc, quá trình công nghiệp hóa tràn lan trong bốn thập kỷ qua đã dẫn đến thảm họa môi trường chưa từng có trong lịch sử Trung Quốc và có lẽ cả đối với nhân loại. Không khí không còn có thể hít thở nổi. Nước không thể uống được. Hàng loạt các chất độc hại ngấm vào đất, làm giảm hoặc làm mất đi độ phì của nó.

• Chính sách mỗi gia đình một con kéo dài hàng thập kỷ của Trung Quốc có nghĩa là số người trẻ ngày càng ít đi nhưng phải cáng đáng số người lớn tuổi ngày càng tăng, làm giảm năng suất nghiêm trọng. Cho đến nay, những nỗ lực cải thiện tình hình thông qua bãi bỏ quy định trên dường như vẫn chưa có kết quả.

• Theo nhận thức tốt nhất hiện có thì corona có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ngoài ra, sự lây lan của vi rút đã tạo điều kiện thuận lợi cho chính phủ từ chối không cho phép các quan sát viên trung lập nghiên cứu bệnh và làm bất cứ điều gì cần thiết ở nước này. Thêm vào đó là hành động bắt nạt các nước láng giềng nhỏ bé hơn đã làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín quốc tế của nước này.

Mô phỏng một cuộc tấn công bằng máy bay phản lực chiến đấu của Đài Loan

2 Nguoi Trung Quoc Co Nguy Co Chiu So Phan Cua Nguoi Mong Co  Va Chung Ta Se Chung Kien Dieu Phi Thuong

Mô phỏng về một cuộc không chiến của không quân Đài Loan

Đây chỉ là một số thách thức mà Đảng Cộng sản Trung Quốc, thực chất ở đây chẳng có gì là cộng sản cả, đang phải đối mặt. Không ai biết họ có thực sự đưa đất nước vào một cuộc chiến tranh với Đài Loan hay không; nhưng tôi muốn nói vài lời về tình thế của một cuộc chiến như vậy.

Thông thường, trong quá khứ, trước khi chiến tranh xẩy ra sẽ diễn ra thời kỳ gia tăng các hoạt động vô tuyến điện, quân đội được huy động và điều chuyển, ngăn cấm cung cấp, trao đổi thông tin, v.v.

Về lý thuyết, những biện pháp này và nhiều biện pháp chuẩn bị khác dễ dàng bị phát hiện bởi các cơ quan tình báo của Đài Loan và các nước đồng minh của Đài Loan (chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản và tất nhiên là cả Mỹ).

Liệu chúng có được phát hiện và diễn giải chính xác hay không, chưa nói đến việc liệu có phản ứng thích hợp hay không, lại là chuyện hoàn toàn khác. Hãy nghĩ đến cuộc tấn công của Đức chống Liên Xô, hãy nghĩ về cuộc tấn công của Nhật Bản vào Trân Châu Cảng.

Trong cả hai trường hợp, có rất nhiều tín hiệu báo động ngay trước mắt cộng đồng tình báo; vậy mà, khi các cuộc tấn công xảy ra, chúng hoàn toàn gây bất ngờ.

Như thường lệ kể từ năm 1939, các cuộc tấn công của Trung Quốc chắc chắn sẽ bắt đầu từ trên không, đó là các cuộc tấn công vào Tổng hành dinh, nhắm đánh phá các trụ sở, trung tâm liên lạc và vận tải, hệ thống phòng không, sân bay và căn cứ tên lửa của Đài Loan. C

hỉ tính riêng về quân số, Quân Giải phóng Nhân dân có thể giành được ưu thế trong các hoạt động tác chiến đầu tiên này. Nhưng các con số không phải là tất cả; Lực lượng phòng thủ của Đài Loan được cập nhật và huấn luyện tốt.

Từ những gì người ta được biết thì rõ ràng là Đài Loan đã sẵn sàng nghênh chiến.

Giai đoạn tiếp theo chủ yếu diễn ra trên biển. Ban đầu, quyền chủ động sẽ nằm trong tay Hải quân Trung Quốc, lực lượng này sẽ tìm mọi cách phong tỏa Đài Loan và làm mềm yếu nó để chuẩn bị cho bước xâm lược tiếp theo.

Tuy nhiên, Đài Loan có lực lượng chống tàu ngầm của mình, lực lượng này kiên quyết chống lại bọn xâm lược và quyết giữ cho được các đường dây liên lạc của họ với bên ngoài.

Giả sử, có nghĩa là không có gì là chắc chắn, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc có thể giành ưu thế ở giai đoạn đầu. Khi đó chắc chắn Trung Quốc sẽ sử dụng tàu của mình để thực hiện một cuộc xâm lược toàn diện.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là vấn đề của họ được giải quyết và chiến thắng sẽ tự động đến. Lịch sử cho thấy, các cuộc tấn công từ biển lên đất liền luôn là vấn đề gay go và khó khăn nhất và đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn cao mà Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc còn thiếu kinh nghiệm.

Các vùng biển xung quanh Đài Loan lại cực kỳ hiểm trở, thủy triều mạnh và những trận mưa lớn vào những thời điểm nhất định trong năm; không phải vô cớ mà vùng biển này mệnh danh là "rãnh tăm tối". Bờ biển có nhiều đá lởm chởm khiến việc đi lại trở nên vô cùng khó khăn.

Vì vậy, một cuộc xâm lược có thể bị thất bại trước khi nó thực sự bắt đầu, như đã xảy ra hai lần với quân Mông Cổ khi họ tìm cách xâm lược Nhật Bản vào năm 1271 và 1284, và cũng có thể dẫn chứng bằng một ví dụ nổi tiếng, trận Armada của Tây Ban Nha năm 1588.

Một chiến thắng mau lẹ có thể xảy ra. Nhưng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cũng có thể bị thất bại, như cuộc xâm lược đầu tiên của Putin vào Ukraine đã cho thấy.

Nếu Trung Quốc thành công, không có nhiều điều để nói. Nếu bị thất bại, một chiến dịch kéo dài nhằm phá vỡ các lực lượng trên bộ không phải là không có khả năng chiến đấu của Đài Loan để chinh phục hòn đảo này. Kết quả của một chiến dịch như vậy sẽ phụ thuộc phần lớn vào kẻ cầm chịch cuộc chơi, có nghĩa là phụ thuộc vào Hoa Kỳ, đặc biệt là Hải quân của nước này.

Để tránh bị mắc kẹt trong eo biển, Hạm đội 7 của Mỹ có trụ sở tại Nhật Bản sẽ không đóng quân ở phía tây Đài Loan như mọi người vẫn nghĩ, mà là phía đông của nó. Từ nơi này Hoa Kỳ sẽ điều động máy bay của mình đánh trả bọn xâm lược ngay từ khi quân xâm lược chưa đặt chân lên đất liền hoặc chỉ ít ngày sau đó để giữ cho các tuyến đường tiếp tế của mình được thông thoáng.

Tóm lại, bất chấp những khó khăn nêu trên, nỗ lực của Trung Quốc nhằm khuất phục một Đài Loan bị cô lập có thể sẽ thành công, nhưng điều đó không có gì bảo đảm.

Tuy nhiên, việc phát động cuộc chiến chống lại cường quốc quân sự lớn nhất thế giới, Hoa Kỳ, sẽ là một rủi ro rất lớn. Đấy là chưa kể đến mối nguy hiểm luôn rình rập của một sự leo thang hạt nhân, dù cố ý hay ngẫu nhiên đều có thể dẫn đến ngày tận thế theo đúng nghĩa đen của nó.

Hãy nghĩ đến điều mà các nhà chiến lược lỗi thời những năm sáu mươi từng nói, đừng quên những điều phi thường có thể xẩy ra.

Martin van Creveld

Martin van Creveld, sinh năm 1946 tại Rotterdam, là Giáo sư danh dự về Lịch sử tại Đại học Hebrew ở Jerusalem.

Biên dịch: Nguyễn Xuân Hoài

Nguồn: Welt Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC