Binh sĩ Ukraine hết lời khen ngợi rằng thiết giáp Bradley do Mỹ viện trợ đã cứu mạng sống họ trong cuộc phản công với Nga.
Mỹ hồi đầu năm đã cung cấp cho Ukraine nhiều thiết giáp Bradley. Trong cuộc phản công đầu tháng 6, phía Kiev đã sử dụng nhiều xe Bradley và vũ khí do phương Tây viện trợ.
Binh sĩ Sergiy và Andriy của Ukraine hết lời ca ngợi thiết giáp Bradley. Ảnh: ABC
"Nếu không có sự bảo vệ của thiết giáp Bradley, tôi và nhiều đồng đội đã bỏ mạng trước các đòn tấn công bằng mìn, pháo và máy bay không người lái (UAV)" - binh sĩ Andriy, người lái một chiếc Bradley, nhấn mạnh - "Chúng tôi đã nhiều lần trúng đạn. Nếu chúng tôi sử dụng một thiết giáp chở quân nào đó khác, có lẽ tất cả đều đã bỏ mạng".
Xe thiết giáp Bradley tại một vị trí gần tiền tuyến ở vùng Zaporizhzhia, Ukraine hôm 26-6. Ảnh: Reuters
Thiết giáp Bradley mà Mỹ viện trợ Ukraine được trang bị pháo 25 mm, tên lửa chống tăng và có tầm hoạt động 480 km.
Binh sĩ Serhiy, người từng thoát chết, cho biết: "Chỉ có một người bị chấn động khi Bradley trúng liên tiếp 2 quả đạn pháo 150 mm".
Trang web nguồn mở Oryx, vốn chuyên theo dõi tổn thất phương tiện quân sự của cả Kiev lẫn Moscow, cho biết đến nay Ukraine đã mất 24 chiếc Bradley.
Ukraine từ lâu đã lên dây cót cho cuộc phản công quy mô lớn nhằm giành lại lãnh thổ bị phía Nga kiểm soát. Tuy nhiên, như giới chức Ukraine thừa nhận, cuộc phản công từ đầu tháng 6 của họ mới đạt bước tiến khiêm tốn.
Một xe thiết giáp Bradley bị hư hại trong cuộc phản công của Ukraine trong xung đột với Nga. Ảnh: Bộ Quốc phòng Ukraine
Trong bối cảnh đó, tờ The Wall Street Journal cho biết Mỹ đang cân nhắc gửi hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân tầm xa (ATACMS) cho Ukraine với hy vọng làm "thay đổi cuộc chơi".
"Washington có thể chấp thuận gửi ATACMS cho Ukraine" - tờ The Wall Street Journal ngày 29-6 (giờ Mỹ) dẫn lời các quan chức Mỹ và châu Âu.
Với tầm bắn tới 300 km, ATACMS có thể được sử dụng để tấn công sâu bên trong các cơ sở hậu cần của Nga mà không cần sự hỗ trợ của máy bay.
Đài RT (Nga) nhận định phía Mỹ vẫn không muốn cung cấp các loại vũ khí tầm xa hơn cho Ukraine do lo ngại về khả năng leo thang chiến sự.
Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân tầm xa (ATACMS) do Mỹ sản xuất khai hoả trong cuộc tập trận của Hàn Quốc hôm 24-3-2017. Ảnh: Bộ Quốc phòng Hàn Quốc
Bằng Hưng
Nguồn: Báo điện tử Người Lao Động