Nhà vô địch Olympic người Canada gốc Hoa Maggie MacNeil giành HC vàng 100 m bướm tại Olympic Tokyo. Ảnh: AFP.
Trong chung kết chiều 26/7, Maggie MacNeil đánh bại chính kình ngư nổi tiếng Zhang Yufei của Trung Quốc, về đích với thành tích 55 giây 59. Cô gái 21 tuổi gốc Hoa mang về tấm HC vàng đầu tiên cho đoàn Canada và đồng thời đi vào lịch sử với tư cách kình ngư Canada đầu tiên vô địch Olympic 100m bướm. Maggie MacNeil còn cùng các đồng đội tuyển Canada giành một HC bạc 4x100 m tiếp sức tại Olympic Tokyo một ngày trước đó.
Hannah Margaret MacNeil được gọi với tên thân mật là Maggie, sinh ra ở Cửu Giang, Giang Tây, Trung Quốc ngày 26/2/2000 nhưng đã bị bố mẹ ruột bỏ rơi vài tháng sau vì chính sách mỗi gia đình chỉ được sinh một con và tư tưởng trọng nam khinh nữ. Một năm sau, cô và em gái được vợ chồng Susan McNair và Edward MacNeil ở Ontario, Canada, nhận nuôi và đưa về xứ sở lá phong.
Cô bé bị bỏ rơi bắt đầu làm quen với bơi lội năm hai tuổi và tham gia các cuộc thi từ năm 8 tuổi. Maggie MacNeil hâm mộ đàn chị người Mỹ Melissa Franklin - người từng giành 5 HC vàng Olympic. Bơi lội không chỉ là sở thích mà còn giúp nhà vô địch gốc Hoa vượt qua căn bệnh hen suyễn ngày nhỏ. Ngoài bơi, kình ngư vẫn đang là sinh viên này còn chơi đàn violon và thổi kèn clarinet.
MacNeil là ngôi sao đang nổi trong đội bơi Đại học Michigan nơi cô là đồng đội với Siobhan Haughey - kình ngư cũng đang thi đấu ở Olympic cho đoàn Hong Kong. Tài năng của MacNeil được biết đến tại giải vô địch thế giới ở Gwangju, Hàn Quốc, năm 2019 khi hạ bệ đàn chị đang giữ kỷ lục thế giới Sarah Sjostrom ở 100m bướm để giành HC vàng với thành tích 55 giây 83.
![]() |
Margaret MacNeil (đứng giữa) bên kình ngư giành HC bạc Zhang Yufei của Trung Quốc (trái) và HC đồng Emma McKeon của Australia. Ảnh: Reuters. |
Việc một ngôi sao gốc Hoa thành công ở Olympic khiến giới truyền thông và dư luận Trung Quốc bàn tán xôn xao. Nhiều người than thở chính sách một con một thời đã khiến họ mất một tài năng thể thao. "Câu chuyện của nhà vô địch 21 tuổi cũng là một trong hàng nghìn, nếu không muốn nói là hàng triệu đứa trẻ bị bỏ rơi ở Trung Quốc vì chính sách một con mà về sau đã được xóa bỏ", nhật báo South Morning China Post bình luận.
"Thử tưởng tượng nếu MacNeil không được nhận nuôi từ trại trẻ mồ côi hoặc không bị bố mẹ bỏ rơi thì hiện giờ cô ấy sẽ ra sao. Việc được nhận nuôi đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời MacNeil khi cô ấy nhận được sự chăm sóc và đào tạo chất lượng", một người bình luận trên Weibo. "Nếu ở lại Trung Quốc, cô ấy có thể phải bỏ học để hỗ trợ em trai rồi", người khác nói thêm.
Chính sách mỗi gia đình chỉ được sinh một con được áp dụng ở Trung Quốc từ những năm đầu 1980 kéo dài hơn ba thậm niên và mới được nới lỏng thành hai con năm 2015. Những gia đình vi phạm chính sách một con, sau này là hai con, bị phạt một số tiền lớn và rất khó tìm việc làm. Vì thế các gia đình chuộng con trai, đặc biệt ở vùng nông thôn, nơi có tỷ lệ phá thai cao. Họ thường bỏ các bé gái sơ sinh ở cổng cô nhi viện, trường học, thậm chí cả trên đường phố với hy vọng có gia đình khác sẽ mang về nuôi, chăm sóc thay họ. Gần đây nhất, vào năm 2020, chính quyền địa phương ở Tứ Xuyên đã phạt một gia đình 718.080 NDT (tương đương 110.000 USD) vì có bảy con, theo Global Times. Năm 2021, quốc gia đông dân nhất thế giới áp dụng chính sách mới khi cho phép các gia đình được phép sinh ba con để giải quyết tình trạng già hóa dân số tăng cao cùng tỷ lệ sinh thấp nhất kể từ nạn đói kéo dài từ 1959 đến 1962 khiến hơn 10 triệu người chết.
Theo Bộ dân chính Trung Quốc, tính tới quý một năm 2021 đã có 190.000 trẻ mồ côi ở nước này, chỉ bằng 1/3 so với năm 2012. Trong số này chỉ có 59.000 đứa trẻ được các tổ chức bảo trợ xã hội trẻ em chăm sóc. Ước tính có khoảng 110.000 trẻ em từ Trung Quốc được các gia đình ngoại quốc nhận nuôi, phần lớn là các gia đình đến từ Mỹ. Theo Bộ ngoại giao Mỹ, từ 1999 đến 2020, có 82.456 trẻ em Trung Quốc được người Mỹ nhận nuôi, trong đó hơn 82% là các bé gái.
Câu chuyện của MacNeil cũng có nhiều nét tương đồng với VĐV thể dục dụng cụ người Mỹ gốc Hoa Morgan Hurd. Sinh ra ở tỉnh Quảng Tây năm 2001, Hurd được người phụ nữ Mỹ Sherri Hurd ở Middletown, bang Delaware, nhận nuôi khi cô mới 11 tháng tuổi rồi bắt đầu tập thể dục dụng cụ năm ba tuổi. Năm 2017, Hurd tỏa sáng ở giải vô địch thế giới khi giành HC vàng toàn năng nữ, HC bạc cầu thăng bằng. Một năm sau, VĐV 20 tuổi tiếp tục giành HC bạc biểu diễn tự do và HC đồng toàn năng.
![]() |
VĐV thể dục dụng cụ người Mỹ gốc Hoa Morgan Hurd cũng sinh ra ở Trung Quốc và bị bỏ rơi từ nhỏ như MacNeil. Ảnh: AP. |
"Có bao nhiêu bé gái không thể phát huy được tiềm năng vì trọng nam khinh nữ? Bao nhiêu tài năng nữ đã bị chúng ta bỏ qua", một người dùng mạng Trung Quốc cảm thán. Một số ý kiến khẳng định dù MacNeil sinh ra ở Trung Quốc nhưng vinh quang của cô không thuộc về Trung Quốc. "Chiến thắng của cô ấy chỉ chứng minh rằng sắc tộc không quan trọng trong thể thao khi người châu Á có thể giành HC vàng, HC bạc trong những trận đấu đỉnh cao", một người bình luận. "Cô ấy đã mang quốc tịch Canada và tất cả công lao thuộc về người nuôi nấng và đào tạo cô ấy ở Canada. Tôi cảm thấy xấu hổi khi truyền thông cứ đề cập rằng MacNeil sinh ra ở Trung Quốc nhưng điều gì đáng nói hơn ngoài việc chúng ta đã từ bỏ cô ấy 20 năm trước", một tài khoản Weibo chia sẻ.
Về phần mình, MacNeil khẳng định: "Tôi sinh ra ở Trung Quốc và được nhận nuôi khi còn rất nhỏ. Đó là tất cả những gì liên quan tới gốc gác Trung Quốc của tôi. Tôi là người Canada và tôi luôn là người Canada bởi vậy Trung Quốc chỉ là một phần rất nhỏ trong hành trình của tôi ngày hôm nay. Gốc gác ấy càng không liên quan khi nói tới bơi lội".
MacNeil giành HC vàng bơi 100 m bướm
Ngoài việc trở thành đề tài bàn tán ở mạng xã hội Trung Quốc, MacNeil còn gây chú ý với phản ứng hài hước sau khi về nhất. Không đeo kính áp tròng hay kính bơi, kình ngư 21 tuổi nheo mắt nhìn bảng kết quả và phải một lúc sau mới nhận ra mình là người chiến thắng. "Ôi Chúa ơi", cô thốt lên trong sự thích thú của bình luận viên Olympic. MacNeil sau đó thổ lộ: "Tôi nghe thấy tên mình được xướng lên nên nghĩ mình đã giành được cái gì đó. Cho đến khi quay đầu lại và nhìn thấy kết quả tôi mới nhận ra mình về nhất". Ở làn bơi bên cạnh, đồng nghiệp nổi tiếng Sjostrom quay sang ôm chúc mừng đàn em trẻ tuổi.
Bố mẹ nuôi người Canada của MacNeil rất ủng hộ con gái. Bà Susan MacNair chia sẻ với tờ Michigan Daily rằng sẽ để con gái xăm hình với điều kiện cô vượt qua vòng loại Olympic. Nhưng Maggie MacNeil còn làm được nhiều hơn thế và trở thành niềm tự hào của thể thao Canada.
Hoàng Trang (Theo SMCP)
TIN TỨC: THỜI SỰ THẾ GIỚI
-
Chính quyền Trump yêu cầu quan chức không dự kỷ niệm 30/4 ở Việt Nam, điều này có ý nghĩa gì? 23/04/2025
-
Cựu điệp viên CIA: 'Trump sai, Hà Nội cũng sai' trong vụ cấm quan chức Mỹ dự lễ 30/4 27/04/2025
-
Putin mất chỉ huy tinh nhuệ tại Ukraine: đòn giáng mạnh vào biểu tượng quân sự Nga 08/05/2025
-
Ukraine tung đòn drone trước ngày 9/5: Thách thức niềm kiêu hãnh quân sự của Nga 07/05/2025