Bất chấp các biện pháp trừng phạt và giá dầu sụt giảm, kinh tế Nga vẫn đang phát triển.

Đó là nhận định của báo Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung trong bài viết mới đây.

Báo này dẫn số liệu của Cơ quan Thống kê Nhà nước Liên bang Nga cho biết, trong quý II năm nay, chỉ tiêu kinh tế tăng 2,5% so với năm vừa qua. Đây là bước nhảy vọt lớn nhất kể từ quý III năm 2012.

Theo đánh giá của các nhà phân tích, những con số này chứng tỏ sự bình ổn hóa tình hình kinh tế trong nước.

"Ngành xây dựng và lĩnh vực công nghiệp đã tăng trưởng mạnh", chuyên gia từ Capital Economics khẳng định.

Tờ báo nhấn mạnh rằng có xu hướng tích cực trong thương mại, sự sụt giảm năng suất kinh tế được nhận thấy chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tờ báo kết luận, rõ ràng, nền kinh tế Nga đã đối phó tốt với các biện pháp trừng phạt của phương Tây và giá dầu giảm.

Báo Đức khen Nga sống khỏe trong đòn trừng phạt - 0

Nga vẫn đối phó tốt với các lệnh trừng phạt

 

Kể từ cuối năm 2016, sau 7 quý giảm liên tục, GDP của Nga đã bắt đầu tăng trưởng trở lại.

Đầu tháng 6 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga  Elvira Nabiullina cũng khẳng định kinh tế nước này bắt đầu phục hồi bất chấp giá dầu thế giới sụt giảm và các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Theo bà, kinh tế Nga thực tế đã thích ứng với tình hình mới bất chấp các lệnh trừng phạt mạnh tay của phương Tây và giá dầu thế giới đi xuống.

Thống đốc Nabiullina nhận định trong những năm qua, Nga đã tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm kích thích kinh tế.

Trong khi đó, ngành ngân hàng có thể cấp các khoản vay cho những doanh nghiệp nhận tiền từ nước ngoài trước khi các nước phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt.

Ngân hàng Trung ương Nga cũng làm việc tích cực nhằm đảm bảo ổn định tài chính và giá cả nói chung.

Sự trừng phạt của phương Tây đối với Nga dường như không còn khiến người dân nước này quan tâm nữa và họ cũng nhận ra mặt tích cực của chúng đối với bản thân mình.

Tháng 3 năm nay, trong một cuộc thăm dò ý kiến, Trung tâm Nghiên cứu Dư luận Nga (VTSIOM) cho biết hơn một nửa số người Nga sẵn sàng chịu đựng một nền kinh tế đầy khó khăn do hậu quả của các biện pháp trừng phạt liên quan đến chính sách ngoại giao của Moscow đối với Ukraine.

Theo VTSIOM, ba phần tư trong tổng số người được hỏi (tương ứng với 76%) có quan điểm cho rằng "Nga không cần phải đấu tranh để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, bởi điều này không chỉ gây ra nhiều thiệt hại cho nước này, mà còn gây khó khăn cho các quốc gia áp dụng chúng, chính vì thế việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt sớm thì có lợi cho cả hai phía". Vào năm 2013, chỉ có 57% số người được hỏi có cùng quan điểm này.

Khảo sát cho thấy:

"Hơn một nửa dân số sẵn sàng chịu đựng một số khó khăn trong tình hình kinh tế hiện nay do có liên quan đến chính sách đối ngoại của Nga đối với Ukraine. Quan điểm ngược lại nhận được sự đồng thuận của 34% người dân".

Người đứng đầu dự án nghiên cứu VTSIOM, ông Mikhail Mamonov lưu ý rằng đa số người dân thể hiện thái độ "dửng dưng" trước các biện pháp trừng phạt từ phương Tây, chủ đề này không còn được quan tâm đến nữa.

Theo các chuyên gia phân tích, người dân Nga đã quen với việc tồn tại trước những ảnh hưởng tiêu cực do các tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế. Và hầu hết mọi người không còn quan tâm tới những tác động tiêu cực của chính sách trừng phạt hay hậu quả của nó đối với bản thân nữa.

Số liệu chính thức cho thấy năm 2016, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga giảm 0,2%, thấp hơn mức suy giảm 2,8% của năm 2015.

Lạm phát của Nga đã ghi nhận mức thấp kỷ lục với 5,4% trong năm 2016, sau khi tăng lên mức 12,9% của năm 2015.

Hiện Nga đặt mục tiêu tăng trưởng từ 1,5-2% và lạm phát mục tiêu là 4% trong năm 2017.

Nguồn: An Nhiên

Báo Đất Việt

 

 

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC