Từ trước đến nay, nhắc tới thành phố Stuttgart của Đức là nhắc tới hãng xe hơi nổi tiếng Daimler. Đó là hãng chế tạo ra dòng xe nổi tiếng thế giới, Mercedes. Nhưng ánh sáng của Daimler, hay nhiều hãng xe hơi khác, đang bị lụi tắt dần do một lệnh cấm xe hơi mà chính phủ đưa ra mới đây.

Lệnh cấm từ tòa án

Giờ đây, Daimler hay nhiều hãng sản xuất xe hơi khác ở Stuttgard đang đối mặt với một thực tế mới: Việc lái những chiếc xe Mercedes ở thành phố này có thể sớm trở thành việc bị cấm đoán.

Trong hôm 27/2 vừa qua, một tòa án ở Đức đã phán quyết rằng Stuttgart, một trong những thành phố ô nhiễm nhất ở nước này, có thể cấm xe hơi chạy bằng dầu diesel ở nhiều khu vực trung tâm thành phố nhằm cải thiện chất lượng không khí. 

Phán quyết này có thể dẫn tới nhiều lệnh cấm khác ở hàng loạt thành phố trên khắp nước Đức - đất nước hiện đang có hàng triệu xe hơi chạy bằng diesel.

Không giống như ở Mỹ, nơi xe hơi chạy bằng diesel bị cấm hoàn toàn, ở Đức 1/3 xe hơi chở khách chạy bằng diesel.

Vốn nổi tiếng với công nghệ tái chế, quyết định từ bỏ điện hạt nhân để thay bằng năng lượng gió và mặt trời, Đức từ lâu đã được cộng đồng quốc tế coi như nước dẫn đầu về năng lượng xanh... Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng được mệnh danh là "vị Thủ tướng vì môi trường".

Chuyện cấm xe hơi tại thủ phủ xe hơi của Đức - 0

Lệnh cấm xe hơi ngay tại thủ phủ xe hơi của Đức khiến nhiều hãng chế tạo choáng váng. Nguồn: NYTimes.

Tuy nhiên, bà Merkel đang phải ra sức vận động ở Brussels để giảm bớt các mục tiêu về giảm khí thải bởi lượng phát thải carbon của Đức không hề giảm chút nào trong suốt 1 thập kỷ qua. 

Hồi mùa Hè năm ngoái, bà Merkel mới tuyên bố mục tiêu cắt giảm tới 40% khí thải carbon, thì mới đây đã phải thừa nhận rằng bà khó có thể đạt được mục tiêu này.

Mâu thuẫn ở chỗ, một mặt ủng hộ cắt giảm khí thải, nhưng bà Merkel cũng là người luôn bảo vệ lợi ích của ngành công nghiệp sản xuất xe hơi nước nhà. 

"Chúng tôi sẽ sử dụng mọi quyền lực để ngăn cản các lệnh cấm như vậy", bà Merkel tuyên bố trước Quốc hội Đức về lệnh cấm xe chạy bằng diesel.

Ngành chế tạo xe hơi choáng váng

Phán quyết của tòa án đưa ra trong bối cảnh ngành công nghiệp xe hơi Đức đang chật vật vực dậy từ vụ bê bối khí thải toàn cầu, từng buộc hãng Volkswagen phải chi hơn 26 tỷ USD tiền phạt. Hãng này từng thừa nhận làm giả thông số khí thải các sản phẩm của họ để vượt qua các cuộc thử nghiệm khí thải.

Trong những ngày qua, thành phố Stuttgart liên tục chứng kiến tình trạng khói bụi. Các tòa án địa phương tại đây và cả Dusseldorf, 2 trong số 19 thành phố có các tổ chức môi trường đâm đơn kiện các hãng sản xuất xe hơi, đã ra phán quyết rằng cần phải cấm xe chạy bằng diesel để khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí.

Được biết, động cơ diesel thải ra các hạt nhỏ và khí nitơ dioxide, có liên quan tới bệnh ung thư và hơn 12.000 trường hợp chết sớm ở nước Đức, giới chuyên gia y tế cho hay. Chính quyền các địa phương này đã kháng lại phán quyết, nhưng hôm 27/2 vừa qua, tòa án liên bang đã bác bỏ đơn kháng nghị này.

Sự việc trên gây choáng váng cho các hãng sản xuất xe hơi. Daimler từ chối bình luận, nhưng các hãng khác đã thể hiện sự thất vọng tột độ, trong đó Volkswagen nói rằng họ không thể thực hiện được phán quyết trên nếu nó đi vào hiệu lực.

Ngược lại, ở Stuttgart, nơi có phong trào ủng hộ môi trường cực kỳ năng động, nhiều người dân đã tỏ ra hết sức ủng hộ phán quyết của tòa án. Những nhóm vận động môi trường ở thành phố này đã tuần hành vì môi trường suốt nhiều năm qua. Nhóm Stuttgart 21, một trong những tổ chức vì môi trường, đã tuần hành trong mỗi sáng đầu tuần suốt 7 năm liền.

Trong tuần này, ngay trước khi có phán quyết cấm xe chạy bằng diesel, mức đo ô nhiễm ở Stuttgart đã vượt gấp 2 lần so với cho phép theo tiêu chuẩn của châu Âu, và cuộc tuần hành lần thứ 406 của nhóm Stuttgart 21 cũng được tổ chức.

"Ở bang Baden-Wurttemberg, người dân không được quyền quyết định, mà chính là ngành công nghiệp sản xuất xe hơi mới là người ‘cầm chịch’ ở đây" - một trong số những người tuần hành nói với hãng DW.

Vị quan chức phụ trách vấn đề giao thông của bang này, ông Winfrey Hermann, cũng đồng tình với những người tuần hành. Ông cho hay mỗi khi các chính trị gia yêu cầu hành động để giảm khí thải công nghiệp, một kịch bản giống nhau lại diễn ra.

"Chúng tôi nói, hãy làm cho công nghệ của các bạn sạch hơn, thì họ đáp rằng điều đó bất khả thi" - ông Hermann nói.

Chia rẽ

Được biết, trong những năm qua, chính quyền bang Baden-Wurttemberg cũng cố gắng giảm bớt số lượng xe hơi bằng cách tăng các dịch vụ tàu điện ngầm nội thành, xe buýt và tạo thêm 7.000 km tuyến đường dành cho xe đạp. Tuy nhiên, các biện pháp trên đều không mang lại kết quả như mong muốn.

"Những người chế tạo xe hơi muốn khách hàng lái xe hơi hơn" - ông Hermann nói - "Đó là vì lòng kiêu hãnh của họ".

Tháng Một vừa qua, Daimler đã chứng kiến doanh số lớn nhất trong lịch sử hoạt động của họ. Andreas Klatt, một thợ máy làm việc cho hãng này nói rằng hồi năm ngoái ông đã nhận được khoản tiền thưởng 5.700 Euro nhờ doanh số bán và năm nay có lẽ sẽ còn cao hơn.

"Làm việc cho Daimler cũng giống như trúng số vậy" - Klatt nói.

Có khoảng 150.000 người hiện đang làm việc cho Daimler và hơn 60.000 người trong số này sở hữu 1 chiếc Mercedes. Daimler đưa ra mức chiết khấu tới 21,5% đối với những công nhân mua xe hơi trong hãng.

Cách đây hơn 1 thế kỷ, Daimler từng dự đoán rằng họ sẽ chỉ bán ra không quá 1 triệu chiếc xe hơi trên toàn thế giới. Thế nhưng đến ngày nay, con số đó đã trội lên rất nhiều lần.

Thị trưởng Stuttgart, ông Fritz Kuhn, nói rằng cách duy nhất để giải quyết vấn đề dựa dẫm vào ngành công nghiệp xe hơi ở thành phố này chính là thúc đẩy các nhà chế tạo xe hơi đưa ra các mẫu xe sạch hơn.

"Lịch sử kinh tế đã chứng kiến nhiều trường hợp bảo vệ công ăn việc làm hủy hoại tương lai của chúng ta" - ông Kuhn nói.

Tuy nhiên, việc đưa ra lệnh cấm trong bối cảnh ngành công nghiệp xe hơi Đức chưa thể vực dậy từ hàng loạt vụ bê bối đã khiến ngành công nghiệp này choáng váng. Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Xe hơi Đức, Matthias Wissmann, chỉ trích mạnh mẽ quyết định này, ông cho rằng các tiêu chuẩn về chất lượng không khí vẫn có thể đạt được nếu không có lệnh cấm.

Theo ước tính, khoảng 10 triệu xe hơi sẽ bị ảnh hưởng trên toàn nước Đức. Bộ Giao thông Đức cho biết họ đang lên kế hoạch cập nhật các quy định về giao thông trong trường hợp lệnh cấm được ban hành.

 

Nguồn: Linh Chi

Đại Đoàn Kết




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC