Chuyện cảm động về các kỷ vật chiến tranhHơn 11.000 kỷ vật được trao tặng cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự là từng ấy câu chuyện giản dị, cảm động, nhưng tràn đầy tinh thần bất khuất của những người lính cụ Hồ năm xưa.


Ấn tượng nhất là cuốn nhật ký bằng tranh của chiến sĩ, họa sĩ Lê Đức Tuấn sau hơn 30 năm thất lạc đã trở về với chủ. Đây là tập hợp những bức ký họa về cuộc sống gian khổ mà hào hùng của các chiến sĩ ở chiến trường Tây Nguyên những năm 1967-1968. Những bữa cơm rừng thiếu thốn, những lúc bị càn hay những đồng đội cùng mắc võng, hát khúc ca cổ vũ tinh thần chiến đấu.

Thiếu tá Mỹ Robert B.Simpson, người nhặt được cuốn "Nhật ký bằng tranh" đã gửi lại cho ông Tuấn. Ông Simpson kể, trong một trận càn năm 1968, ông đã nhặt được cuốn nhật ký gồm hơn 100 bức tranh. Chọn ra ba bức tranh đẹp nhất gửi về làm quà cho vợ, sau đó ông giao lại cuốn nhật ký cho cấp trên của mình. Không ngờ, vợ ông đã gửi ba bức tranh đó cho một tờ báo địa phương và chúng được in cùng bài viết “Chuyện từ những bức ký họa của người lính Bắc Việt tử trận” của phóng viên người Mỹ Charles Black.

Cuối năm 2009, cuốn ký họa được con gái vị thượng cấp của ông Simpson gửi trả lại phía Việt Nam thông qua Bộ Quốc phòng. Sau đó, ông Simpson cũng đã tìm lại được ba bức tranh gửi lại cho chủ cũ. Ông chia sẻ khi xem tranh, ông hình dung được cuộc sống của những người lính Việt Nam vô cùng khó khăn.

Ngoài cuốn nhật ký bằng tranh, lá cờ chiến thắng của tiểu đoàn Bình Ca cũng làm người xem xúc động. Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó chủ nhiệm tổng cục Chính trị cho biết, tiểu đoàn là một bộ phận của cảm tử quân thủ đô, trước đó là tiểu đoàn 42.

Tháng 10/1947, nhận được lệnh của đại tướng Võ Nguyên Giáp "tiểu đoàn 42 sống chết với con đường Bình Ca - Thái Nguyên", ông Cư cùng đồng đội lên Việt Bắc, trấn ngự bến Bình Ca và trục đường Tuyên Quang - Thái Nguyên, bảo vệ cửa ngõ phía tây của An toàn khu. Cái tên tiểu đoàn Bình Ca ra đời từ đó.

"Hành trang chúng tôi mang theo là lời thề độc lập ở trong tim. Chúng tôi là thế hệ của một lời thề, mang lời thề đó từ ngày 2/9/1945 đến 30/4/1945", Trung tướng xúc động nói.

Ăn đói, ngủ rừng, chống chọi với sốt rét đến rụng cả tóc nhưng tiểu đoàn là đơn vị đánh thắng địch ngay từ trận đầu tiên, bắn chìm tàu chiến của thực dân Pháp trên sông Lô khi đến Bình Ca, đánh lui cuộc đổ bộ của quân Pháp, truy kích địch đến Khuôn Chu - Tam Đảo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ phía tây An toàn khu.

Chuyện cảm động về các kỷ vật chiến tranh_0
Những chiếc mũ sắt cũng là kỷ vật thiêng liêng của người lính năm xưa. 

Lá thư tỏ tình của chàng trai Vũ Quang Bích khi mới 23 tuổi (bộ đội tại Yên Thế, Bắc Giang) gửi cho chị Đỗ Thị Chu Ngân lúc ấy mới tròn 21 chỉ vỏn vẹn 30 chữ với lời dặn "xem xong chị xé lá thư đi". Nhưng chị Ngân đã không vội xé mà giữ lại. Họ yêu nhau qua những cánh thư giản dị, qua lời xưng hô tôi - chị, để rồi kết hôn vào mùa hạt dẻ rụng.

Trong tâm trí ông Bích, bà Ngân, ngày cưới với thức ăn toàn hạt dẻ và quà mừng là những bài hát của đồng đội mãi mãi là kỷ niệm không bao giờ quên. Nay ông bà đã đủ đầy dâu, rể, nội, ngoại và dự định làm lễ kỷ niệm 60 năm ngày cưới vào năm sau, nhưng vẫn dắt tay nhau đến Bảo tàng lịch sử Quân sự để tặng bức thư tỏ tình, tấm thiệp mời cưới và những bức ảnh chiến tranh.

Bà Ngân cho biết, trước khi mang tặng, bà đã nhờ con cái chụp lại, "lúc nào nhớ nó quá, hai vợ chồng sẽ cùng nhau đến bảo tàng để thăm nó".

Kỷ vật cuối cùng mà thiếu úy Hoàng Kim Giao để lại cho gia đình chính là tờ giấy báo tử. Em gái của thiếu úy là chị Hoàng Liên Thái, một người giáo viên, đã kể lại cho học trò câu chuyện về anh trai mình. Chị đọc cho học trò nghe những câu anh Giao từng viết "trách nhiệm cũng là một thứ hạnh phúc", làm bao học trò phải rưng rưng xúc động.

Trung tướng Phạm Hồng Cư nghẹn ngào nói, mỗi hiện vật có 3 ý nghĩa, ý nghĩa đánh thức cả một cuộc kháng chiến ở từng con người, từng địa phương, từng đơn vị, giúp cho nghiên cứu khoa học và tiếp lửa truyền thống cho thế hệ trẻ noi theo.

TH.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC