Hướng dẫn nhân viên xỉa răng, gặm xương Sau hàng loạt vụ kiểm soát viên không lưu đánh nhau, ngủ gật...trong khi hướng dẫn máy bay hạ, cất cánh, mới đây, Tổng Cty Quản lý bay Việt Nam ban hành Quy chế Văn hoá Doanh nghiệp. Ngoài hướng dẫn chào hỏi, trung thực, quy định còn hướng dẫn nhân viên cả chuyện xỉa răng, gặm xương...

 Bài học vỡ lòng

Phần nhiều các quy định trong bản quy chế này gần như là cách hành xử tối thiểu. Ví dụ, trong quy định về giao tiếp, ứng xử được yêu cầu khi chào hỏi cần lịch sự, đúng mực; nhân viên phải chào lãnh đạo trước thể hiện sự kính trọng, lễ phép; lãnh đạo đáp lại bằng cử chỉ thân thiện. Giữa nhân viên, người ít tuổi chào người lớn tuổi trước.

Thậm chí, xỉa răng thế nào cũng được đưa vào phụ lục: Khi xỉa răng cần che miệng. Từ cách ngồi ăn, lấy thức ăn, húp canh, nhai thức ăn (gặm xương, nhè xương, uống rượu...) cũng được quy định khá chi tiết. Có hẳn một mục giao tiếp qua điện thoại, thư điện tử: “Phải nhã nhặn, lịch sự và tôn trọng người đối thoại. Cán bộ, công nhân viên phải xưng tên, cơ quan, đơn vị nơi công tác; trao đổi ngắn gọn, tập trung vào nội dung công việc để có được kết quả giao dịch tốt nhất”.

Quy chế này cũng quy định không nói chuyện riêng ồn ào gây ảnh hưởng tới người xung quanh tại nơi làm việc. Cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc và nơi công cộng; tụ tập đông người tán chuyện ảnh hưởng đến đồng nghiệp và công việc chung. Ở một doanh nghiệp mang tính dịch vụ cao như Tổng Cty Quản lý bay Việt Nam, hành vi cấm “thái độ hống hách, quát nạt, gây phiền hà trong giao tiếp và ứng xử; nói tục, chửi bậy tại nơi làm việc”, chắc chắn sẽ được nhiều khách hàng ưa thích.

Để ngăn chặn những vụ nội bộ nhân viên đánh nhau, trong khi đang điều hành bay, mới xảy ra, quy chế cấm nhân viên “gây rối làm mất an ninh, trật tự tại nơi làm việc”, “khi làm việc với cấp trên phải báo cáo trung thực, chính xác rõ ràng và phải có chuẩn bị trước, không tự ý bóp méo sự thật, xuyên tạc thực tế để mưu lợi cá nhân”.

Ngoáy mũi, chen lấn...

không dễ xử lý

Có thể nói, những quy định trên của Tổng Cty Quản lý bay Việt Nam đều đáng được áp dụng để có hành vi ứng xử văn hoá tối thiểu. Tuy nhiên, đưa vào cả những tiểu tiết như hướng dẫn xỉa răng, gặm xương, bắt tay, chào hỏi... nhiều người cảm nhận như mình bị coi thường, vì nó giống với việc dạy trẻ con. Hơn nữa, giả sử ngay cả những điều tối thiểu này cũng không xuất hiện trong quá trình giao tiếp, giám sát và xử lý thế nào?

Trao đổi với Tiền Phong, Phó Chánh văn phòng Đảng - Đoàn (Tổng Cty Quản lý bay Việt Nam) Phạm Hùng Thắng, cho biết: “Quy chế này được thực hiện từ ngày 1-8 vừa qua. Hàng quý Văn phòng Đảng-Đoàn theo dõi việc này; hàng năm sẽ kiểm tra việc thực hiện và tổ chức tuần văn hoá. Các cá nhân, tổ chức thực hiện tốt sẽ được khen thưởng; không thực hiện sẽ bị kỷ luật. Tự các thủ trưởng đơn vị quản lý và giám sát”.

Trường hợp vừa ngoáy mũi, vừa bắt tay hay người vào thang máy chen với lấn người ra thang máy làm sao giám sát để xử lý? Ông Thắng, không trả lời cụ thể. PV hỏi tiếp về việc có căn cứ vào hình ảnh máy quay (được lắp khắp nơi trong trụ sở) làm cơ sở để xử lý? Ông Thắng nói: “Máy quay chủ yếu thực hiện chức năng an ninh. Tuy nhiên, nếu thấy hành vi nào chưa chuẩn cũng có thể làm căn cứ để xử lý”.

Hỏi thêm về việc gần một tháng qua triển khai, văn hoá của các cán bộ-công nhân viên có nâng lên? Đại diện văn phòng Đảng-Đoàn cho biết có nâng lên. Ví dụ trước đây nghe điện thoại lâu thì nay đã nghe hợp lý và ý tứ nhẹ nhàng...Ông Thắng cũng nói, chưa có ai phản đối quy chế này, ngoài một số ý kiến từ Cục Hàng không VN về cách gọi phu nhân của lãnh đạo trong việc bố trí chỗ ngồi xe ô tô (Phu nhân đi cùng ngồi bên phải hàng ghế sau xe...Khi dừng xe, cán bộ đi cùng xuống trước mở cửa xe cho phu nhân). 

Theo Tiền Phong.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC