Những người Việt vỡ mộng khi lao động ở Nga Lương không đủ sống trong khi ngày làm việc kéo dài 17-18 giờ, lại bị đe đóng thuế 33% trên tổng thu nhập, 67 lao động VN sang Nga sau ba tháng không chịu nổi điều kiện sống và làm việc hà khắc đã về nước trước hạn.

"Những tưởng ra đi để đổi đời, có tiền gửi về quê nuôi cha mẹ già, nào ngờ...", chị Phan Thị Hữu Thời, quê ở Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, bắt đầu câu chuyện với VnExpress.net hôm 31/3, một ngày sau khi đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất, trong những giọt nước mắt tức tưởi.

Giữa tháng 12/2008, Công ty xuất khẩu lao động thương mại du lịch Sovilaco đưa 81 lao động, chủ yếu sống ở miền Trung và Nam Bộ sang Nga để may công nghiệp trong thời hạn 3 năm. Cuộc tuyển chọn có đại diện của nước bạn. Theo Hợp đồng được ký kết giữa các bên khi người lao động đến Nga làm việc sẽ hưởng lương khoảng 400 USD một tháng và có thể đạt 500-600 USD nếu tăng ca, tay nghề cao.

Song, sang Nga, được đưa đến làm việc tại Công ty Deitrast, những người lao động Việt Nam mới biết điều kiện không phải như hứa hẹn.

Bất ngờ đầu tiên chính là nơi làm việc tại công ty Deitrast, thực chất là một nhà kho tồi tàn, bụi phủ bao quanh. Chị Thời nhớ lại, để có thể nhanh chóng bắt tay vào nghề may công nghiệp tại đây, các chị em phải thay nhau quét dọn, lau chùi, nam giới thì lo đóng lại các vật dụng nhà kho, sửa sang mọi thứ trong trọn tháng đầu tiên. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả những khó khăn của lớp công nhân xuất khẩu sang Nga.

Chị Thời kể, điều khoản trong hợp đồng chỉ làm việc 8 tiếng và nếu tăng ca cũng không vượt 12 giờ một ngày. Song, thực tế các công nhân Việt phải gồng mình đến kiệt sức 17-18 giờ. Đáng buồn hơn, mức lương thụ hưởng chỉ có 100 USD thay vì lời hứa ban đầu của Sovilaco là 400 USD và lời khuyên nếu cố gắng làm việc, cộng với tay nghề cao, mức lương thụ hưởng có thể chạm mức 500-600 USD. "Mỗi tháng tôi nhận lương chỉ khoảng 100 USD để chi cho các khoản ăn uống và mọi chi tiêu khác", chị Thời cho biết.

Trong chuyến sang Nga làm việc còn có cả chồng chị Thời là anh Hùng. Thất bại trong nhiều vụ làm ăn khiến hai vợ chồng chị quyết định đi xa tìm kế sinh nhai, song chưa thực hiện được đã phải lầm lũi trở lại vùng quê nghèo khó. Anh Hùng, chồng chị Thời cho biết, khó khăn ở xứ người dồn dập nhưng phía Nga còn yêu cầu phải nộp thêm 33% tiền thuế hàng tháng trên tổng thu nhập.

Anh nhớ như in cái cảnh đã trải qua 3 tháng vừa rồi, "cơm không đủ no, áo không đủ ấm, điều kiện sống chật vật khi 20 người dồn vào căn phòng 20m2 khiến chúng tôi hết sức bế tắc". Chưa kể, chủ còn hăm dọa, "nếu có xảy ra chuyện gì (tai nạn, ốm đau... - anh Hùng giải thích) thì phải tự lo liệu, không có bảo hiểm gì cả".

Không chịu nổi khổ cực, từng nhóm trong đoàn đã lần lượt về nước trước khi thời hạn kết thúc. Chuyến bay hôm đầu tuần đã đưa 26 người cuối cùng của nhóm xuất khẩu lao động sang Nga đợt này, hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất.

Sự bức xúc của những người lao động chưa hết khi về nước, Sovilaco chỉ thanh toán lại 1.800 USD trong tổng số 2.650 USD đã thu của người lao động. Theo chị Thu Thủy, quê ở Quảng Trị, thực hiện sai lệch hợp đồng về tiền lương, thời gian làm việc, tiền thuế... đã ký trước đó nên lẽ ra Sovilaco phải chịu hoàn toàn chi phí, chứ không phải chị tự trả phí máy bay lúc về như bị đơn vị dịch vụ xuất khẩu lao động này khấu trừ.

Chị Thủy cho biết, để có tiền sang Nga, chị đã phải chạy vạy vay mượn khắp nơi, nay đành cõng khoản nợ hàng chục triệu đồng để trả dần.

Trao đổi với VnExpress.net chiều 31/3, đại diện Sovilaco cho hay, do trục trặc từ phía đối tác Nga nên hợp đồng với người lao động đã không đúng như thỏa thuận.Việc đánh thuế 33% trên tổng thu nhập của công nhân là điều không có trong hợp đồng trước đó. Ngoài ra, nội bộ Deitrast lại có mâu thuẫn và hiện các thành viên công ty này đã mỗi người một ngã, bỏ mặc người lao động Việt Nam.

Sau khi biết tin phía Nga có vấn đề, Sovilaco có cử đại diện sang để giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, người lao động quá bất mãn với cách quản lý của công ty, cùng với đồng lương mỗi tháng không như hợp đồng đã ký, cho nên họ cương quyết yêu cầu Sovilaco đưa về nước.

Như vậy sau khoảng 3 tháng sang xứ sở bạch dương tìm kế sinh nhai, 67 lao động đã trở lại quê nhà, 12 người tình nguyện ở lại Nga tiếp tục làm việc, 2 người bỏ trốn.

Đại diện công ty cho biết, mỗi người trở về được bồi hoàn 1.800 USD trong tổng số 2.650 USD Sovilaco đã thu của người lao động, sau khi đã trừ một số chi phí tổng cộng 700 USD bao gồm vé máy bay về nước, thủ tục xin visa... Những trường hợp còn lại, công ty đang thương lượng để thanh lý hợp đồng. Trong quá trình chờ để thanh lý, người lao động được Sovilaco trả tiền thuê nhà trọ ở TP HCM.

Theo Vnexpress.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC