Rèn tính trung thựcĐừng xem là chuyện nhỏ vì “ăn trộm quả trứng sẽ ăn trộm con bò”.

Hôm kia đọc báo, tôi hết sức thú vị khi được biết hơn tháng nay TP.HCM đã thí điểm việc cho hành khách đi xe buýt mua vé tự động. Thay vì đưa tiền rồi nhận lại vé từ tiếp viên như bình thường, hành khách được tự bỏ tiền vào thùng và tự xé vé. Dư luận rất hoan nghênh cách làm này vì hành khách sẽ không còn bị tiếp viên làm khó, nhà nước giảm được nhiều chi phí…

Tuy nhiên, vẫn có một số hành khách có hành vi không đẹp khi đi chuyến xe buýt “tự giác” đó. Dẫu số tiền mua vé không lớn nhưng vài cá nhân vẫn cố ý không đưa (lẽ ra bỏ tiền thì lại bỏ giấy vào thùng!) hoặc đưa thiếu. Số tiền nhín lại đó chắc chắn không đủ ăn trưa chứ đừng nói gì đến những chuyện to tát khác nhưng chỉ vì thiếu trung thực mà họ đã làm vậy!

Mấy chục năm trước, bài học đầu tiên về lòng trung thực đã được thẩm thấu vào tôi không phải chỉ bằng lời mà còn bằng một trận đòn nhớ đời! Do nhà nghèo, lại gặp chiến tranh nên cha mẹ học hành chẳng bao nhiêu. Để các con giỏi giang hơn mình, cha mẹ tôi đã phải cố gắng rất nhiều để mấy chị em tôi đều được đến trường. Biết vậy nhưng tôi vẫn rất lười học. Năm học lớp hai cũng là năm tôi mê đá banh. Sáng tôi cũng xách cặp ra khỏi nhà nhưng không đến trường mà đến sân vận động trong làng. Trưa tôi canh giờ tan học chạy ù về nhà để cha mẹ khỏi nghi ngờ. Được mấy ngày thì vụ việc vỡ lở khi người hàng xóm tình cờ nhìn thấy tôi đang cởi trần với tụi bạn…

Cha tôi giận lắm. Ông kêu tôi lại giảng dạy một hơi, rằng không học thì sẽ không bao giờ thành người; rằng gian dối với người lớn là xấu, là không nên làm… Kế đó, ông bắt tôi nằm lên bộ ván và đánh đúng 20 roi, mặc cho cái mông tôi rướm máu, mặc cho má tôi đứng gần đó tỏ vẻ nóng ruột nhưng không dám can. Kể từ đó tôi sợ, không dám trốn học nữa và tôi đã ráng học một lèo để có trình độ đại học.

Ở nhà thì vậy, còn ở trường thì thầy cô cũng thường xuyên giáo dục lễ phép, giáo dục nhân cách, giáo dục công dân. Những bài giảng không nặng nề, giáo điều mà thông qua những hình ảnh, việc làm cụ thể, gần gũi. Thật thà có nghĩa là có sao nói vậy, không đặt điều để vu oan giá họa cho người khác. Không tham lam có nghĩa là không lấy tài sản của ai, nhặt được của rơi phải trả lại cho chủ… Không hỗn hào bao gồm không được cãi lời cha mẹ, phải chào thưa người lớn, phải biết kính trên nhường dưới… Khi những điều hay như thế đã trở thành tính, thành nết của từng người thì chắc chắn không có chuyện thế hệ trước hay thế hệ nay lên xe buýt thấy không ai soát vé thì lờ luôn chuyện mua vé.

Mới đây, một thứ trưởng Bộ GD&ĐT có nhận xét “Bộ GD&ĐT và Đoàn Thanh niên chịu trách nhiệm lớn nhất trước xã hội về đạo đức lối sống của học sinh”. Bằng kinh nghiệm đã trải qua, tôi cho rằng nhận xét này chưa hoàn toàn chính xác vì gia đình cũng phải có trách nhiệm về nhân cách của trẻ. Nhưng nếu các bài học đạo đức công dân hiện nay vẫn được nhà trường tiếp tục truyền đạt bằng những trang viết khô khan, không lôi cuốn, không làm rung động trái tim của học sinh như nhiều thế hệ cha ông đã từng được học thì lớp trẻ sẽ bị tước mất một chỗ học làm người rất đáng tin cậy.

“Ăn trộm quả trứng sẽ ăn trộm con bò”. Làm sao có thể tin rằng hậu quả lớn sẽ không xảy ra nếu tính trung thực không được rèn từ một chiếc vé xe buýt?

Theo Phapluatonline.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC