Sẽ có hơn 3 triệu con dân đất Việt về dự lễ giỗ Tổ“Sẽ có khoảng hơn 3 triệu du khách tham gia lễ hội Đền Hùng năm nay” - ông Nguyễn Tiến Khôi - Giám đốc Ban quản lý di tích lịch sử Đền Hùng nhận định.

Chỉ còn hai ngày nữa, Lễ giỗ Tổ Hùng Vương sẽ được diễn ra long trọng tại “trưởng họ” tỉnh Phú Thọ. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Khôi về công tác chuẩn bị cho lễ hội năm nay.

 

- Thưa ông Nguyễn Tiến Khôi, 2009 tiếp tục do “trưởng họ” Phú Thọ đứng ra tổ chức lễ giỗ Tổ. Năm nay lễ hội Đền Hùng có những nét gì mới so với 2008?

- Năm vừa qua chúng tôi đã thực hiện việc tu bổ các di tích, khánh thành Đền Thượng. Chúng tôi cũng vừa hoàn thiện xây dựng các khu Đền thờ Lạc Long Quân, Mẫu Âu Cơ. Như vậy trong quần thể di tích thờ cả Vua Hùng và Cha mẹ của Vua Hùng. Trung tâm sân lễ hội cũng được mở rộng ra khu vực sân trước cổng Đền khang trang, sạch đẹp hơn, tránh tình trạng ùn tắc cho người dân về lễ Tổ.

Cho đến thời điểm này, chúng tôi cũng đã hoàn tất công tác vệ sinh môi trường sạch sẽ, sắp xếp các hàng quán trật tự với nhiều sản vật phong phú đáp ứng nhu cầu của du khách.

Về hoạt động văn hóa có thêm một số hoạt động hội trại, hội thi nấu bánh chưng, giã bánh dày… Triển lãm ảnh 15 tỉnh Việt Bắc và Tây Bắc, triển lãm sách tư liệu ở các tỉnh phía Bắc. Đặc biệt, có sự tham gia của đoàn người khuyết tật từ Thành phố Hồ Chí Minh ra tham dự. Về các đoàn nước ngoài, năm nay chỉ có đoàn Đoàn nghệ thuật Hwasecong của Hàn Quốc sẽ giới thiệu những nét văn hóa tại lễ hội.

- Năm 2008 đã có hai kỷ lục được xác lập là bánh chưng và bánh dày to nhất do đoàn Thành phố Hồ Chí Minh tiến Vua nhưng không đảm bảo chất lượng và quá nặng hình thức. Năm nay, liệu có kỷ lục nào sẽ được xác lập tại Lễ hội?

- Năm nay chỉ có Tập đoàn Mai Linh cúng tiến chiếc bánh chưng lớn nặng 3 tấn được làm từ 6.000 chiếc bánh chưng nhỏ. Đây cũng là một cách làm ý nghĩa, vì như thế sau khi cúng tiến có thể phát lộc cho người dân chứ không như mọi năm, rất khó để phát lộc hoặc bánh bị mốc.

Năm 2008 chúng tôi bị động trong việc nhận các lễ vật cúng tiến như sự vụ bánh chưng, bánh dày bị mốc, làm bằng xốp… Vì thế năm nay chúng tôi chủ động hơn, đề nghị các đơn vị không làm như thế nữa, khắc phục mọi khâu tổ chức để lễ Tổ tốt hơn.

Mọi người quan niệm lễ giỗ Tổ là cứ tỉnh “giữ chân nhang” thì có trách nhiệm làm giỗ. Nhưng tỉnh Phú Thọ xác định đây là ông Tổ chung nên cả nước phải có công góp giỗ. Hiện tại chúng tôi chưa bán vé nên không có khoản thu gì, lễ giỗ Tổ chỉ có mình tỉnh Phú Thọ không đủ sức.

Chúng tôi cũng đã trình Chính phủ, năm lẻ 2009 vẫn là tỉnh Phú Thọ đứng ra tổ chức cùng với 5 tỉnh khác như Lào Cai, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh… Còn năm chẵn sẽ do Nhà nước đứng ra tổ chức để nâng tầm lễ hội xứng đáng là một lễ hội của quốc gia và con dân đất Việt trong và ngoài nước có trách nhiệm đóng góp cho ngày Quốc giỗ.

- Trong lần chia sẻ gần đây nhất với VnMedia, ông có bày tỏ ý tưởng làm hồ sơ trình lên Unesco công nhân khu di tích Đền Hùng là di sản văn hóa thế giới. Hiện tại công việc đó có gặp phải khó khăn gì không?

- Từ 2008 chúng tôi cũng mở ra vài cuộc hội thảo bàn về vấn đề này. Lễ giỗ Tổ là lễ trọng, quốc giỗ của cả dân tộc. Tuy nhiên, các anh đều xác định việc trình lên Unesco là khó khăn, cần phải thận trọng. Muốn khẳng định Đền Hùng là di sản văn hóa thế giới thì chúng tôi cần phải chuẩn bị hàng chục năm để chuẩn bị tư liệu, hoàn thiện công tác tổ chức cho xứng tầm quốc gia. Cái này vẫn phải làm nhưng làm sau và chi tiết hơn.

Hiện tại, chúng tôi cũng đã đề xuất với các nhà khoa học làm hồ sơ cho hát dân ca xoan ghẹo - gốc của quan họ với những bảo tồn giá trị văn hóa riêng của nó. Có thể hướng đi này sẽ khả thi hơn.

- Xin cảm ơn ông Nguyễn Tiến Khôi!

Theo tintuconline.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC