Gần đây Hà Nội có chương trình chữa nói ngọng. Nhiều bác ngôn luận hăng hái lắm. Em chưa biết nói ngọng là gì, có phải “nờ nờ nẫn nộn”, “cà có đuôi hay cà có cuống” là ngọng?

Nếu xét về mặt ngữ pháp, chính tả thì nói ngọng rộng lắm. Có tỉnh từ già đến trẻ, cấp cao đến dân thường đều “ngọng níu ngọng no”. Bác có cao kiến gì?

– Có nhớ bài thơ ‘Một đàn thằng ngọng đứng xem chuông/Nó bảo nhau rằng ấy ái uông”.

Theo các cụ thế mới là ngọng xịn. Ngọng ở đây do tật phát âm. Còn ngọng chính tả lại phần nhiều do thói quen địa phương, cha truyền con nối. Vì thế địa phương nào cũng nói giọng của mình, từ của mình, lên bổng xuống trầm theo kiểu quê mình.

Tớ có quen bác ca sĩ Mạnh Hà từ hơn 50 năm trước. Ngày xưa hát hay được ví “hay như đài”.

42 1 ay ai uong

Mạnh Hà về Sơn Tây hát, bà con khen “anh Hà hát hay như đái”. Ai dám bảo là chê, là tục? Anh nói tiếng quê anh, tôi nói giọng quê tôi, hiểu nhau cả mà.

Anh nào muốn “quần chúng hoá” đến vùng nào bắt chước giọng địa phương đã có câu “chửi cha không bằng pha tiếng”, xúc phạm lắm đấy!

– Còn văn bản?

– Văn bản, sách giáo khoa phải có chuẩn là tiếng Hà Nội. Vì đó là thủ đô. Bản thân Hà Nội cũ ra đến Từ Liêm khu Tây Hồ Tây đất đắt như vàng bây giờ cũng có các làng Noi, làng Cáo (xã Xuân Đình) nói phương ngữ, thổ âm khác với… bên kia đường.

Nhưng ngôn ngữ chuẩn đã có. Cứ xem các ca sĩ miền Nam hát nhạc vàng, nhạc tiền chiến đều 100% giọng Hà Nội, nghe thương lắm Sài Gòn ơi! Tây sang ta học tiếng Việt cũng nên nói giọng Hà Nội là chuẩn, dễ hiểu cho cả đôi bên.

– Vậy chữa ngọng đang có nhiều người cổ suý để làm gì?

– Theo tớ để viết cho đúng là cần thiết. Còn nói thì gần đây có bệnh sính ngôn luận. Có một con rùa già bị ghẻ mà hàng nghìn người đăng đàn. Mấy tháng nay ngay cả những ông nói nhiều nhất cũng lờ lớ lơ cụ đi.

– Quê em là “nờ nớ nơ” cụ ạ!

– Quê tớ ngoài “cái nọ nục bình nó năn nông nốc” còn có tật “cái rì cũng uốn lưỡi, chẳng cái đ… rì không”.

– Thằng bạn em là dân Hoa Thanh quế (quê T.H) bảo: “Quê tao dấu nào cũng nói đúng, mỗi cái dấu ngả là không, tức thế!”.

– Phong phú và đa dạng lắm đấy. Quan họ Bắc Ninh, hát xẩm Nam Định, hát xoan Phú Thọ, UNESCO đều khen hay. Các bác hay bàn của ta cần học tập. Có khi lại mất cả núi tiền chữa ngọng mà con châu chấu khác con cào cào thế nào cũng chắc gì đã thông.

Lý Sinh Sự

Theo Lao Động (08/12/2011)

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC