Nhờ “tích cốc phòng cơ”, nhiều người Việt tại Mỹ vẫn trụ vững khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Bên cạnh đó, truyền thống “tương thân tương ái” đang được phát huy trong cộng đồng người Việt ở đây.

Dịch Covid-19 đang khiến cuộc sống của nhiều lao động Việt tại Mỹ bị ảnh hưởng khi chính quyền các bang thực hiện lệnh giãn cách xã hội.

42 1 Chuyen Lao Dong Viet O My Tru Vung Truoc Covid 19 Nhotich Coc Phong Co

Bớt lo lắng nhờ biết phòng xa

Anh Bắc Nguyễn (quê Nghệ An) là chủ một nông trại tại hạt Shelby, TP Memphis (Tiểu bang Tennessee, Mỹ). Mùa này nông trại của anh Bắc chỉ chăn nuôi đàn bò và dê, không trồng trọt được gì vì thời tiết khó thuận lợi.

Dù cả tiểu bang đã có gần 8.000 người nhiễm Covid-19, riêng hạt Shelby chỗ anh ở cũng có hơn 1.900 người dương tính với virus SARS-CoV-2. Nhưng dịch Covid-19 lại dường như không ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình anh.

“Không giống người Mỹ, đại đa số người Việt Nam tại đây đều có 1 khoản tích lũy để phòng xa. Bởi vậy, khi dịch xảy ra thì vẫn đảm bảo được cuộc sống trong thời gian hiện tại. Hầu hết thời gian tôi làm việc tại nông trại, rảnh rỗi thì đi câu cá hoặc tán ngẫu trên mạng”, anh Bắc cho hay.

42 2 Chuyen Lao Dong Viet O My Tru Vung Truoc Covid 19 Nhotich Coc Phong Co

Cũng như nhiều người Việt Nam biết phòng xa, ngay từ khi có thông tin về dịch Covid-19, anh Bắc đã tìm mua khẩu trang, găng tay y tế, sát khuẩn về dù sát khuẩn khá khan hiếm, phải đặt hàng mới có.

“Để an toàn cho bản thân và gia đình thì tôi cũng ít đi ra ngoài hơn. Nếu ra ngoài thì phải mang khẩu trang, găng tay, riêng sát khuẩn thì trên xe lúc nào cũng có sẵn. Vừa rồi tôi cũng được Chính phủ chuyển vào tài khoản 1.200 đô la hỗ trợ người dân trong dịch Covid-19”, anh Bắc nói.

Chị Mai Nguyễn (quê Sài Gòn) làm nghề giữ trẻ cho các gia đình người Việt làm nghề nails tại TP Valdosta (bang Georgia). Với khoản thu nhập từ 2.000 - 2.500 USD/tháng, chị Mai Nguyễn cố gắng chi tiêu và tiết kiệm được 1 khoản nhỏ để giúp con gái học đại học.

42 3 Chuyen Lao Dong Viet O My Tru Vung Truoc Covid 19 Nhotich Coc Phong Co

Dịch bệnh, các tiệm nails phải tạm đóng cửa. Các gia đình ở nhà phòng dịch nên cũng không có nhu cầu gửi con đến nhà trẻ.

Hai mẹ con chị Mai Nguyễn phải trông chờ vào khoản tiền chị tiết kiệm được trước đó. “Trước mắt thì chưa khó khăn nhưng nếu dịch bệnh kéo dài thì cũng khá lo lắng”, chị Mai Nguyễn cho hay.

Do nằm trong hệ thống bắt buộc phải mở cửa, chị Trang Trần (quê Vĩnh Long) làm nhân viên trong quầy Bakery ở Las Vegas vẫn phải đi làm đều đặn, có ngày còn phải tăng ca vì nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao hơn trước.

“Trước mỗi ngày tôi chỉ làm 1 ca, nay làm ngày 2 ca, sáng bắt đầu từ 5h - đến 9h, chiều từ 16h đến 20h. Hiện chồng và 2 con trai tôi đã phải nghỉ việc ở nhà nên mọi chi tiêu trong gia đình do tôi phụ trách. Gia đình tôi cũng nhận được 1 phần hỗ trợ từ Chính phủ nên hiện tại vẫn đang ổn”, chị Trang Trần chia sẻ.

42 4 Chuyen Lao Dong Viet O My Tru Vung Truoc Covid 19 Nhotich Coc Phong Co

Hơi ấm của "lá chắn" yêu thương

Ngay khi biết thông tin những ca lây nhiễm Covid-19 từ New York, anh Huy Lê, chủ tiệm Nails ở Valdosta (bang Georgia) đã tranh thủ đi mua nhiều đồ thiết yếu để dự trữ.

Không những thế, anh còn mua nhiều nước uống, gạo và khẩu trang chuyên dụng N95 phòng khi người thân, bạn bè cần đến.

“Những đồ dùng thiết yếu này trong bối cảnh dịch bệnh lây lan nhanh như hiện này thì sắp tới sẽ rất khan hiếm. Mình cứ mua thêm sẵn, đề phòng khi ai cần thì tặng, đùm bọc nhau trong lúc khó khăn như truyền thống người Việt Nam ta vẫn thế”, anh Huy Lê nói.

42 5 Chuyen Lao Dong Viet O My Tru Vung Truoc Covid 19 Nhotich Coc Phong Co

Ngay sau vài ngày nghỉ ở nhà do tiệm nails đóng cửa, chị Phương Hoàng giành thời gian cùng với em gái mua vải về may khẩu trang để tặng bệnh viện gần nhà.

Chị Hoàng nói thêm về việc may những chiếc "lá chắn" yêu thương: “Đang nghỉ việc nên tôi cũng rảnh rỗi. Công việc này chỉ cần chịu khó, tỉ mẩn một chút, vải để may khẩu trang cũng không khó mua. Trong khi mình nghỉ việc, được Chính phủ hỗ trợ thì nhân viên bệnh viện đang phải dốc sức làm việc trong điều kiện thiếu khẩu trang y tế, thiết bị bảo hộ. Mình đóng góp được gì cho việc phòng chống dịch Covid-19 thì làm thôi”.

Anh Thắng Lê (quê Nghệ An) hiện sinh sống ở Valdosta cho biết do tình hình dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng, nhiều bang của Mỹ tiếp tục duy trì lệnh giãn cách đến giữa tháng 5.

“Riêng ở Valdosta thì chúng tôi nhận được thông báo giãn cách đến hết ngày 13/5. Cũng như bà con trong nước, bà con người Việt ở Valdosta đều chủ động mọi biện pháp bảo vệ bản thân, tự động giãn cách ở nhà để hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh. Nếu không vì lý do cần kíp, hầu hết đều không về nước trong thời điểm này để tránh tăng thêm gánh nặng cho Chính phủ”, anh Thắng Lê nói.

Vĩnh Khang

Nguồn: Dân trí




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC