Cô giáo dạy đàn dân tộc ở BerlinChị Trần Phương Hoa, giảng viên trường nhạc Shostakovich, dạy đàn bầu, đàn thập lục, đàn t'rưng... cho những trẻ em người Việt để các cháu gắn bó hơn với văn hóa truyền thống.

Với trên 100.000 người, cộng đồng người Việt ở Đức là một cộng đồng tương đối lớn. Sau những bỡ ngỡ ban đầu khi nước Đức bất ngờ thống nhất cách đây 20 năm, giờ đây phần lớn người Việt ở Đức đã dần ổn định, hòa nhập tốt với xã hội Đức và đã có những đóng góp nhất định vào kinh tế, văn hóa Đức.

Thế hệ thứ hai, thậm chí là thứ ba đã ra đời và lớn lên trong môi trường xã hội, văn hóa, ngôn ngữ Đức. Một số cháu đã khó khăn khi nói tiếng Việt và bắt đầu xa lạ với văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, ở những gia đình mà cha mẹ quan tâm và có điều kiện chăm lo, giáo dục các cháu, ở những thành phố mà có tổ chức người Việt đoàn kết, gắn bó với nhau, có nhiều hoạt động chung hoặc cùng nhau chăm lo tới việc dạy tiếng Việt cho các cháu, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ như hát tiếng Việt, múa các điệu múa Việt Nam hoặc dạy nhạc cụ dân tộc Việt Nam cho các cháu... thì sự gắn kết trong cộng đồng, giữa các cháu với nhau và sự gần gũi với văn hóa dân tộc cũng được thể hiện rõ ràng hơn.

Tại Lễ hội văn hóa Việt Nam cuối tháng 8 vừa qua ở trung tâm thủ đô Berlin nhân "Năm Việt Nam tại Đức" để kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa CHXHCN Việt Nam và CHLB Đức, nhiều khán, thính giả đã tỏ ra ngạc nhiên một cách thích thú khi thấy một số bé gái người Việt, mặc dù còn rất nhỏ đã biết biểu diễn các loại đàn dân tộc của Việt Nam như đàn bầu, đàn thập lục, đàn t'rưng...

Để có được điều này là nhờ công lao, tâm huyết của nhiều người, trong đó trước hết phải kể tới chị Trần Phương Hoa, giảng viên trường nhạc Shostakovich ở Berlin. Chúng tôi đã nhiều lần được nghe chị và anh Lê Mạnh Hùng, chồng chị, biểu diễn nhạc cụ dân tộc trong các dịp lễ hội. Anh, chị đã lập ra ban nhạc "Hoa Sen" hơn 10 năm nay. Chính tài nghệ và lòng say mê nhạc cụ dân tộc của anh, chị đã khơi dậy sự tò mò tới hứng thú và yêu thích đối với văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ, trong đó có nhiều cháu được sinh ra tại Đức. Từ sự yêu thích nhạc cụ dân tộc, nhiều cháu đã khăng khăng đòi cha, mẹ cho đi học và dần dà trở nên đam mê đối với những cây đàn thập lục, đàn bầu, đàn nguyệt, đàn t'rưng...

Trước nguyện vọng chính đáng của các cháu, chị Hoa đã tìm cách thuyết phục nhà trường đưa những nhạc cụ dân tộc Việt Nam vào giảng dạy. Nhạc cụ Việt Nam cũng là nhạc cụ duy nhất từ một nước ngoài châu Âu được đưa vào giảng dạy ở trường này kể từ tháng 4/2007.

Tới thăm trường nhạc mang tên Shostakovich, một trong những nhạc sĩ nổi tiếng nhất trong thế kỷ 20, chúng tôi rất xúc động khi thấy nhiều cháu người Việt nhỏ xíu được cha, mẹ đưa tới trường cùng với cây đàn thập lục có lẽ còn cao hơn cả người. Hai cháu Mỹ Linh và Mỹ Hoa là hai chị em ruột cũng đã đòi bằng được để cùng nhau học đàn thập lục.

Chúng tôi cũng nhạc nhiên khi thấy cháu Cẩm Các chơi bài "Lưu Thủy Kim Tiền" khá hay trên đàn thập lục, trong khi thường ngày cháu học piano ở trường nhạc của Đức. Chị Hoa cho biết, hiện nay học sinh của chị có khoảng 30 người, ngoài người Việt còn có người Hoa và người Đức. Vì thích học nên các cháu rất hào hứng và hăng say luyện tập khi tới lớp. Thường ngày, chị cho các cháu tập kỹ thuật, nhưng mỗi tuần đều có giờ ghép lại để hòa nhạc. Các cháu rất thích khi đã chơi thuần thục và có thể cùng nhau đi biểu diễn.

Chị Hoa cho rằng thông qua âm nhạc, tâm hồn các cháu trở nên gần gũi hơn với cội nguồn dân tộc, giúp các cháu gắn bó hơn với gia đình, họ hàng và quê hương, đất nước, tạo cho các cháu sự tự tin hơn so với các bạn cùng trang lứa. 

Không chỉ có các cháu theo học nhạc cụ dân tộc, mà chúng tôi còn gặp nhiều anh, chị tóc đã muối tiêu vẫn hăng hái mang đàn đi học. Có lẽ do sống xa quê hương, tình cảm của họ càng trở nên mãnh liệt, nhưng không thể nói nên lời, mà họ mong muốn gửi gắm, thổ lộ qua một tiếng đàn dân tộc.

Chị Hoa cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với việc giảng dạy là thiếu nhạc cụ. Nếu học sinh là con em người Việt thì bằng cách này hay cách khác, họ có thể nhờ mua trong nước mang sang. Nhưng đối với học sinh Đức thì rất khó. Chị bày tỏ hy vọng, nếu nhà nước hoặc một tổ chức, cá nhân nào đó quyên tặng cho trường Shostakovich một số nhạc cụ dân tộc Việt Nam thì rất quý, vì trường có thể cho học sinh Đức mượn tập trong thời gian đầu, trước khi họ có thể mua được.

Chúng tôi cho rằng đây là một ý kiến hay, có thể qua việc dạy nhạc cụ dân tộc Việt Nam để truyền bá văn hóa dân tộc Việt Nam ra nước ngoài, góp phần nâng cao hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.

Vì tích cực hoạt động xã hội với mục đích duy trì tiếng Việt và văn hóa, nghệ thuật dân tộc cho thế hệ trẻ của người Việt ở Đức, qua đó làm phong phú thêm cho xã hội đa văn hóa của Đức, nên vừa qua, chị Trần Phương Hoa đã được bình chọn là một trong 204 gương mặt tiêu biểu của Berlin 2010, những người có nhiều đóng góp vào công tác xã hội của Berlin. Bức ảnh của chị Hoa cao 2,2m cùng với ảnh của 203 người khác hiện đang được trưng bày tại "Cột Chiến thắng" (Siegessaeule), một biểu tượng của Berlin ngay gần trung tâm thành phố.

H.V
Theo nguoiviet.de

 

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC