Con đường Gốm sứ bị cảnh báo thành "rác văn hóa"Không nén nổi thất vọng về những hạt sạn trên dải gốm sứ dọc đê sông Hồng, nhà sử học Lê Văn Lan gọi đó là con đường "làm tiền và quảng cáo"; họa sĩ Trần Lương lo ngại, sự xâm lấn của tính thương mại và cách quy hoạch thiếu giá trị nghệ thuật sẽ để lại một công trình "rác văn hóa".

Kẹt giữa một bên là sự chỉ trích của dư luận và giới nghệ sĩ, khoa học một bên là sức ép của các nhà tài trợ, chủ đầu tư dự án - Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội và tác giả ý tưởng - nhà báo Nguyễn Thu Thủy - đang từng bước tìm giải pháp sửa chữa để Con đường Gốm sứ không đi vào ngõ cụt.

Dự án này từng được coi là một sáng kiến hay, một ý tưởng được trao giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Nhưng khi thực hiện được khoảng 28%, tương đương với hơn 1.800 m2 đã phủ gốm, ông Lê Văn Lan - người từng thuyết phục UBND TP Hà Nội phê duyệt dự án từ những ngày đầu - cho rằng, Con đường Gốm sứ đã hoàn toàn đi chệch với lộ trình và đích đến mà nó vạch ra. Ông chỉ ra nhiều bất cập lớn, trong đó, nổi cộm lên là sự xâm lấn của tính thương mại trong một công trình văn hóa và sự thiếu thống nhất, đồng bộ về nội dung, chủ đề tác phẩm: "Tôi rất buồn, bởi xã hội đưa đẩy, tác động đã khiến cho ý tưởng rất hay của chị Nguyễn Thu Thủy bị đi chệch hướng. Người ta đã biến nó thành một vụ kinh doanh, biến nghệ thuật thành nơi làm tiền. Ban đầu, Thủy thật thà và nhiệt tình tin rằng, chị ấy sẽ kêu gọi được nguồn vốn xã hội hóa một cách vô tư. Nhưng sau gần 3 năm, mọi việc đã bị biến tướng, có thể nói là ra ngoài cả khả năng kiểm soát của chị ấy".

Còn họa sĩ đương đại Trần Lương - người từng rất quan tâm đến dự án Con đường Gốm sứ - bày tỏ: "Đây không phải là nghệ thuật mà là một nồi súp thập cẩm. Nội dung tác phẩm không thống nhất, bị xé lẻ một cách lộn xộn. Chỗ thì trống đồng chim lạc xa xưa, chỗ thì mấy ông Tây gắn họa tiết lập thể, chỗ kia lại là những bức vẽ ngây ngô của trẻ con. Con đường Gốm sứ thất bại trước hết vì không có thiết kế tổng thể. Tôi e ngại, nó có thể trở thành một thứ rác văn hóa mà sau này, chúng ta lại phải chi rất nhiều tiền để phá đi".

Con đường Gốm sứ bị cảnh báo thành
Nhưng tác phẩm gây chướng mắt người xem bởi cách thức bố trí logo của nhà tài trợ trên bức tranh.

Để đáp lại "hảo ý" của các nhà tài trợ - với sự đóng góp được cho là chiếm ba phần tư tổng kinh phí, hơn 6.000 m2 dự án đã bị xé lẻ thành những đoạn tranh khoảng trên dưới 100 m2, được đóng dấu hai đầu bằng logo của nhà tài trợ. Khi được hỏi suy nghĩ về Con đường Gốm sứ, chị Hoa - một người bán mũ bảo hiểm dạo trên đường Trần Nhật Duật - thật thà nói: "Tôi không biết gì về tranh pháo đâu. Trước tôi bán ở đoạn Thạch Bàn, nhưng chỗ đó gần chân cầu vượt nên người ta ít dừng lại, tôi chuyển sang chỗ Xuncô (tức Sunco) này cho đông khách. Trước thì người ta mua xong hàng rồi đi. Bây giờ cũng có người ngó nghiêng này kia". Dấu ấn doanh nghiệp, một cách vô thức, đã ghi vào trí nhớ của người dân, thay vì chủ đề các chủ đề bức tranh như: Mùa xuân phố cổ (công ty Thạch Bàn tài trợ) hay Đẻ đất đẻ nước (do công ty Sunco tài trợ). Mà không riêng chị Hoa - một người tự nhận là "không biết gì về tranh pháo", những nghệ nhân, công nhân trực tiếp thực hiện dự án, trong những câu chuyện với phóng viên VnExpress.net chiều muộn 7/9 cũng dùng những từ như "đoạn Hanel", "đoạn Garco" để nói về các đoạn tranh của dự án. Đây khó có thể nói là hiệu quả mà những người thực hiện Con đường Gốm sứ muốn để lại trong tâm thức cộng đồng.

Không phủ nhận thực tế này, nhưng họa sĩ Bùi Viết Đoàn - một trong những người theo dự án này từ những ngày đầu - phân bua, mục đích của chủ dự án là làm đẹp Hà Nội, trang trí lại dải đê xám xịt, chứ không phải tạo ra một tác phẩm nghệ thuật cao siêu. Tính thống nhất về nội dung, theo anh là "không phải yếu tố quan trọng nhất", vì "không ai đứng một chỗ mà quan sát hết cả bức tranh 6.000 m cả". Còn về sự bành trướng của logo doanh nghiệp lên tác phẩm, anh thừa nhận: "Con đường Gốm sứ đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn. Chúng tôi phải đi chọn mua từng mảnh gốm, chứ không phải là chỉ đi nhặt những mảnh vỡ vứt đi như người ta nói. Rất khó yêu cầu nhà tài trợ dốc tiền một cách vô tư. Ở nước ngoài, tranh tường của họ đều gắn tên nhà tài trợ. Chỉ có điều, họ gắn ở dưới, chứ không phải ở trên hay ở trung tâm bức tranh như mình, nên đỡ phô hơn".

Con đường Gốm sứ bị cảnh báo thành
Logo nhà tài trợ đóng dấu hai đầu mỗi đoạn tranh.

Vậy giải pháp nào có thể đặt ra cho Con đường Gốm sứ đang dang dở với rất nhiều hạt sạn? Trả lời câu hỏi này, họa sĩ Trần Lương cho rằng, đây là công trình "không thể sửa chữa được về mặt nghệ thuật, mà chỉ khắc phục được phần nào đó về tính lịch sử". "Dự án đã hỏng từ gốc, nên tốt nhất là dỡ đi làm lại, biến nó thành một tác phẩm nghệ thuật cộng đồng đúng nghĩa. Hãy thực hiện có sự thiết kế tổng thể, có nội dung xuyên suốt và từ bỏ ý tưởng chạy theo thành tích, tiến độ. Chúng ta từng có nhiều bài học đáng phải xót xa khi chi ra hàng đống tiền để phá bỏ những tác phẩm điêu khắc phi nghệ thuật của các trại sáng tác. Vậy nên hãy cân nhắc khi thực hiện một dự án không có nhiều giá trị nghệ thuật nhưng lại tồn tại lâu dài trong đời sống tinh thần của cộng đồng", anh nói.

Con đường Gốm sứ bị cảnh báo thành
Dự án đang đẩy nhanh tiến độ. Các nghệ nhân làm việc cả buổi tối. Ảnh chụp lúc 19h ngày 7/9.

Nhà sử học Lê Văn Lan nhớ lại: "Ban đầu, tôi đã góp ý, là đoạn bến xe Long Biên có thể tái hiện trận đánh Đông Bộ Đầu lịch sử năm 1258 - sự kiện rất quan trọng với vùng này - nhưng bây giờ, thay vào đó là những thứ hoa lá lăng nhăng". Vì vậy, khi được hỏi về giải pháp, ông nhấn mạnh hai yếu tố: "Phải làm rõ chủ đề, ý tưởng nghệ thuật. Phải bớt hẳn, nếu không nói là gạt bỏ mục đích thương mại, làm tiền trên con đường này". Tuy nhiên, ông Lan cũng ghi nhận: "Thực tế, Con đường Gốm sứ là công trình có đóng góp rất lớn cho Hà Nội, trong bối cảnh, người ta chưa làm được gì nhiều cho thành phố nghìn năm tuổi này".

Trao đổi lại với nhà báo Nguyễn Thu Thủy, chị cho biết, để hạn chế bớt ảnh hưởng của các nhà tài trợ đến tổng thể bức tranh, ban điều hành dự án sẽ tìm cách bố trí logo doanh nghiệp một cách hợp lý hơn về kích cỡ, vị trí hoặc lồng ghép khéo léo và các chi tiết tranh. Hiện, chị đã cho tháo dỡ một số logo để gắn lại một cách thích hợp hơn. "Chúng tôi thực hiện dự án này bằng cả tâm huyết với Hà Nội trong điều kiện gặp rất nhiều khó khăn. Làm nghệ thuật, nhất là nghệ thuật cộng đồng, cũng như làm dâu trăm họ. Nhưng chúng tôi đã lắng nghe mọi góp ý và cố gắng sửa chữa trong khả năng có thể".

Theo Vnexpress.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC