Thành phố HCM dự kiến thu được 1.500 tỷ đồng tiền cho thuê vỉa hè, nhưng cái giá khi biến vỉa hè thành cái chợ còn lớn hơn nhiều.

1 8 He Luy Neu Cho Thue Via He

Gần đây, tôi thấy một số tác giả tranh luận về việc cho thuê vỉa hè. Những người ủng hộ viện cớ để hỗ trợ người buôn bán nhỏ, phù hợp với nền kinh tế vỉa hè của Việt Nam... rồi dẫn chứng là một số nước cũng cho thuê vỉa hè. Nhưng tôi thấy ít ai đề cập đến quá nhiều hệ lụy khi cho thuê vỉa hè một cách đại trà để buôn bán hay nhằm mục đích khác.

Đầu tiên, về khía cạnh tài chính, TP HCM dự kiến thu được 1.500 tỷ đồng tiền cho thuê vỉa hè. Nói là để chỉnh trang đô thị nhưng thực tế, nếu trừ đi các khoản như phí quản lý, phí vệ sinh, phí trật tự... số tiền còn lại sẽ được bao nhiêu, có đủ đề đầu tư hạ tầng đô thị? Bài học về quản lý gửi ôtô ở lòng đường lỗ nặng vẫn còn đó nhưng đến nay đã ai đứng ra chịu trách nhiệm chưa?

Thứ hai, vỉa hè ngoài việc để người dân đi bộ, còn là một phần cảnh quan, bộ mặt của thành phố... nhằm thu hút khách du lịch, cải thiện môi trường sống cho người dân thành phố. Nếu ai đó muốn biến vỉa hè thành phố thành một cái chợ khổng lồ thì rõ ràng cần phải cân nhắc. Nhìn sang Singapore, việc đầu tiên mà Thủ tướng Lý Quang Diệu thấy khó khăn nhất nhưng phải làm ngay là giải quyết tình trạng buôn bán tràn lan trên vỉa hè, đưa tiểu thương vào các khu chợ hay thương mại có tổ chức. Chính điều đó mới tạo nên một Singapore có đường phố sạch đẹp và phát triển như ngày nay.

Thứ ba, nói mục đích cho thuê vỉa hè để cải thiện cuộc sống cho người nghèo nhưng thực chất sức mua lệ thuộc vào nền kinh tế. Không thể nói nhiều người bán ngoài vỉa hè thì sức mua sẽ tăng. Ngược lại, khi sức mua ngoài vỉa hè tăng thì sức mua ở những chợ hợp pháp và các cửa hàng hay siêu thị sẽ giảm, tiểu thương trong chợ (cũng là những người kinh tế eo hẹp) sẽ bị giảm thu nhập và nghèo thêm, họ sẽ tràn ra thuê bán vỉa hè cho rẻ. Siêu thị và các cửa hàng chính thống có đóng thuế cũng sẽ giảm thu nhập, thành phố sẽ mất một phần thuế có thể còn nhiều hơn số tiền 1.500 tỷ thu được từ việc cho thuê vỉa hè.

Thứ tư, vệ sinh và trật tự đô thị cũng sẽ bị ảnh hưởng. Cho thuê vỉa hè, chắc chắn sẽ mất vệ sinh hơn, mất trật tự đô thị hơn. Vậy, chúng ta cần xây thêm bao nhiêu nhà vệ sinh, bao nhiêu khu vực chứa rác thải? Nếu ai chưa cảm nhận được nguy cơ này thì xin mời đến cổng các bệnh viện công của thành phố sẽ thấy.

 'Làm được như Thái Lan mới nghĩ đến kinh tế vỉa hè'

Thứ năm, những người có đủ điều kiện hay được thuê vỉa hè không phải hoàn toàn là những người nghèo. Tôi lo ngại có thee một bộ phận những người có điều kiện để thuê theo giá nhà nước rồi cho bán lại suất với giá cao hơn cho những người có nhu cầu chính đáng. Lúc đó, mục tiêu giúp người buôn bán nhỏ lẻ hoàn toàn mất đi tính nhân văn vốn có của nó.

Thứ sáu, người đi bộ sẽ không có đường đi bộ vì khi người buôn bán thuê vỉa hè sẽ tận dụng tối đa, thậm chí lấn chiếm phần vỉa hè dành cho người đi bộ (mặc dù chúng ta có bắt họ cam kết). Khi đó, người đi bộ bắt buộc phải đi xuống lòng đường, gây ách tắc giao thông khi lòng đường vốn dĩ đã hẹp, dễ bị tai nạn. Khi đó, ai sẽ là người chịu trách nhiệm, người thuê vỉa hè hay người cho thuê?

Thứ bảy, mâu thuẫn giữa người có nhà mặt tiền và người thuê vỉa hè sẽ ngày một gia tăng khi người dân có nhà bị ảnh hưởng khi ra vào, mất vệ sinh, ô nhiễm tiếng ồn... Lâu dần, việc này sẽ phát sinh những tiêu cực mà xã hội phải gánh chịu.

Thứ tám, các nước phát triển thường chỉ tập trung buôn bán vào một khu vực nhất định. Họ có cho thuê lòng đường hay vỉa hè nhưng chỉ là một khu vực nhỏ, chủ yếu phục vụ cho du lịch và cũng chỉ mở một thời điểm nhất định trong ngày, không phải cho thuê đại trà quanh năm suốt tháng.

Với nhiều bất cập như vậy, tôi nghĩ việc cho thuê vỉa hè là không nên chút nào.

Nguyễn Kim Chung




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC