Hơn 600 ha rừng giàu hàng trăm năm tuổi của Bình Thuận đang sắp bị xóa sổ để để làm hồ thủy lợi, dư luận cả nước bàng hoàng.

1 Pha Rung Lam Ho Thuy Loi Chua Benh Bang Cach Uong Thuoc Doc

Bàng hoàng vì không thể hiểu tại sao người ta có thể lạnh lùng đặt bút để ký khai tử nốt những mảnh rừng nhỏ nhoi cuối cùng còn sót lại của một quốc gia nhiệt đới nhưng chỉ còn diện tích rừng khoảng 2%, riêng rừng nguyên sinh chỉ còn 0,25% (!).

Bàng hoàng bởi vì tại sao người ta lại không biết một điều giản dị: rừng chính là nước. Không còn rừng thì nước cũng hết, lúc ấy những hồ thủy lợi chỉ còn dùng để chứa nước mùa mưa, còn mùa khô trơ đáy. Muốn có nước thì phải giữ rừng, trồng rừng, đó là nguyên tắc tối thiểu.

Một dải cát trắng nhức nhối mấy trăm cây số của Nam Trung bộ thuở xưa vừa nhìn tưởng sa mạc, nhưng không, nó trù mật và cuồn cuộn sự sống, vì sao? Vì Tây Nguyên là rừng.

Rừng giữ nước, dòng nước len lỏi bất tận từ dãy Trường Sơn luôn ăm ắp trong lòng cát, nuôi dưỡng sự phồn thịnh của miền Nam của tổ quốc. Nay thì không còn nữa, rừng Tây Nguyên đã bị tận diệt, cả một dải miền Trung thành cằn cỗi, khô khát.

Xin đọc “Nước mội, rừng xanh và sự sống” – một bài viết hay đến đau đớn của nhà văn Nguyên Ngọc, để thấy một tang thương (https://www.vtr.org.vn/nuoc-moi-rung-xanh-va-su-song.html)

Rừng không phải chỉ là rừng, là gỗ, là chim thú; rừng là sự sống của con người, là nền tảng của kinh tế, là đảm bảo của thịnh vượng, là sự hưng vong của quốc gia.

Rừng hết nghĩa là nước hết, chỉ còn lũ, lũ quét, lũ ống, lũ bùn. Rừng hết nghĩa là thiên tai, là đất chảy, là điêu tàn tương lai.

Trồng cây để đợi thành rừng phải mất cả trăm năm, trong khi làm hồ thủy lợi có nhiều cách. Còn những mảnh xanh cuối cùng cũng đem phá nốt và lập luận rằng sẽ trồng thay thế, đó là nói cùn, nói lấy được.

Rừng đối với Việt Nam bây giờ phải được coi như da thịt, máu huyết. Phải bảo vệ như bảo vệ chính sự sống còn của mình, không một lý lẽ nào có thể dùng để biện minh cho hành động tàn phá.

Với tất cả giá trị của rừng, nhất là trong hoàn cảnh rừng đã gần như bị xóa trắng như hiện nay, thì việc chọn một phương án khác để làm hồ thủy lợi mà không phải phá rừng, dù kinh phí có cao hơn gấp vài lần, vẫn là một cái rất giá rẻ.

Tôi phản đối phá rừng!

Nhà báo Thái Hạo




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC