Gunter Grass chưa hết ngạc nhiên với "Cái trống thiếc"50 năm sau khi làm náo động cả thế giới với "Cái trống thiếc", tiểu thuyết gia người Đức Gunter Grass vẫn chưa hết ngỡ ngàng về thành công bất ngờ của cuốn sách kể về Thế chiến II qua con mắt của một gã lùn dị dạng và món đồ chơi duy nhất của gã.

Grass vừa bước sang tuổi 82 hôm 16/10. Khi trao đổi với AP, đâu là nguyên nhân khiến Cái trống thiếc trở thành một tác phẩm có sức hút trên toàn cầu, nhà văn ngập ngừng một lúc rồi dè dặt nói: "Có lẽ, nó là một cuốn sách hay".

Cuốn tiểu thuyết đỉnh cao này của Grass đã được dịch ra hơn 40 thứ tiếng, góp phần giúp ông đoạt giải Nobel năm 1999 và xác lập vị trí một trong những người khổng lồ của văn chương thế giới thế kỷ 20.

Tự hào với 3 giải Nobel Văn học dành cho tiếng Đức

Grass tỏ ra là người ít chỉ trích quyết định mang tính chính trị của Viện Hàn lâm Thụy Điển khi trao giải Nobel Văn học 2009 cho tác giả ít được biết đến tại Đức là Herta Mueller. Ông phát biểu, "thật tuyệt vời cho tiếng Đức khi có tới 3 tác giả viết bằng ngôn ngữ này đoạt giải Nobel trong vòng một thập kỷ qua".

"Bà ấy đã được trao giải và bà ấy xứng đáng", Grass nói. Nhưng ông cũng khẳng định thêm rằng, có rất nhiều tác giả xứng đáng và rất nổi tiếng đã không hoặc chưa bao giờ có được vinh dự này. Nhà văn người Israel Amos Oz, theo ông, là một ví dụ.

Trước khi nhận được giải Nobel, Grass đã là một nhà văn danh tiếng. Ông chia sẻ, điều ý nghĩa nhất mà giải thưởng mang lại là ông có được sự công nhận từ Nhóm 47 - một tổ chức văn học hậu chiến nổi tiếng ở Đức. Mặt khác, số tiền có được từ giải thưởng, dù ít hơn bây giờ nhiều, đã đến đúng lúc với Grass, khi ông đang chật vật thanh toán các hóa đơn của cuộc sống đời thường.

Giải thưởng, "đã giúp tôi thoải mái viết mà không phải chịu nhiều áp lực từ phía các nhà xuất bản - điều kiện tuyệt vời đối với một nhà văn", ông nói.

Xuất bản tác phẩm mới vào mùa thu tới

Tuy vẫn ngỡ ngàng trước sức hút của Cái trống thiếc, nhưng nhà văn giải thích, cuốn sách viết về một trong những thời kỳ biến động nhất của lịch sử nước Đức nhưng vẫn chú trọng đến những chi tiết vụn vặn liên quan đến đời sống con người bình thường. Vì vậy mà độc giả tìm thấy sự gần gũi.

Sau khi kết thúc Cái trống thiếc, Grass đã thử nhiều cách kể chuyện khác nhau. Kết quả là những cuốn tiểu thuyết như Cat and Mouse (Mèo và chuột), Dog Years (Những năm chó). Cá nhân ông coi Những năm chó là một đỉnh cao ngang với Cái trống thiếc, nhưng thực sự, chưa có thêm một tác phẩm nào đạt được thành công như Cái trống thiếc.

Trong những năm gần đây, Grass xuất bản hơn chục cuốn sách. Trong số đó có Peeling the Onion (Bóc vỏ hành) - cuốn hồi ký lần đầu tiên nhà văn thú nhận, ông từng đi lính cho Đức quốc xã. Cuốn hồi ký đã làm nảy sinh những cuộc tranh cãi nảy lửa về nhà văn từng được coi là "lương tâm của nước Đức".

Năm tới, Grass sẽ xuất bản cuốn tiểu thuyết mới nhất của ông. Tuy nhiên, ông từ chối tiết lộ bất cứ thông tin gì về tác phẩm này. Nhà văn chỉ nói: "Tôi vẫn đang viết".

Khi được hỏi, liệu Oskar Matzerath - nhân vật chính trong Cái trống thiếc - liệu có đóng vai trò gì với tác phẩm sắp ra đời này, Grass cho biết, nhân vật của ông có đời sống riêng, và gần đây, ông "không nghe tin tức gì về Oskar".

Theo Evan.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC