Khi người Đức "khô cứng" thay đổi tư duy bóng đáThành công của Stuttgart năm 2007 cùng với cú "ăn ba" vô tiền khoáng hậu của U17, U19 và U21 Đức tại các giải trẻ đã buộc người Đức phải thay đổi quan điểm về thế hệ cầu thủ tương lai...

Thay đổi tư duy bóng đá

Người Đức xưa nay vẫn không mấy coi trọng công tác đào tạo trẻ, cho đến khi họ liên tục chứng kiến những thất bại ê chề của ĐT Đức tại World Cup 1998 hay EURO 2000 & 2004. 

Sau những thất bại cay đắng đó, các nhà làm bóng đá tại Đức đã ngồi lại với nhau và điều mà họ đạt được sự thống nhất tuyệt đối: tái thiết lại hệ thống đào tạo trẻ.

Hệ thống đào tạo trẻ của Đức trước đó đã bị trì trệ bởi rất nhiều lý do. Vào cuối những năm 80 và đầu những năm 90 thế kỷ trước, môn thể thau Vua ở nước Đức bị lung lay khi mọi người đổ xô theo dõi những thành công của Steffi Graf và Boris Becker trong làng banh nỉ thế giới.

Khi đó, ước mơ của không ít các trẻ em Đức là được trở thành một tay vợt nổi tiếng, thay vì một cầu thủ bóng đá. Chính lý do đó cùng với quan niệm làm bóng đá cứng nhắc đã khiến bóng đá Đức trở nên khan hiếm tài năng trong một giai đoạn dài và nó đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của "Mannschaft".

Ở thời điểm cuối những năm 90 và đầu những năm 2000, việc một đội bóng có độ tuổi trung bình từ 27-28 được xem là bình thường. Tất nhiên, cũng không xuất hiện những CLB mà độ tuổi trung bình của các cầu thủ chỉ khoảng 23 như Hoffenheim, Stuttgart hay Leverkusen bây giờ. Chẳng thế mà những cầu thủ Đức chỉ nổi danh và được biết đến khi đã vượt qua ngưỡng... 25 tuổi.

Sự thay đổi về quan niệm làm bóng đá của người Đức tuy chậm nhưng cũng đã mang đến cho họ những thành công. Hàng loạt những danh hiệu ở các giải trẻ như hạng 3 U-17 Thế giới (2007), vô địch U-19 châu Âu (2008), vô địch U-17 châu Âu (2009) và mới đây nhất là vô địch U-21 châu Âu (2009) cho thấy, bóng đá Đức đang bắt đầu "hái quả ngọt" từ con đường đúng đắn của mình.

Sự thay đổi không chỉ đến từ chất lượng của các cầu thủ trẻ Đức ngày càng được nâng cao một cách rõ rệt mà còn ở cách làm của các HLV. Việc thay thế những HLV kinh nghiệm nhưng bảo thủ bằng một loạt HLV trẻ năng động đã giúp các cầu thủ trẻ có nhiều cơ hội khẳng định mình và tìm một chỗ đứng trong đội hình chính.

Khi người Đức
Những HLV trẻ như Babbel đang làm thay đổi bộ mặt Bundesliga - Ảnh: Getty

Tại Bundesliga, Stuttgart là đội bóng đi tiên phong khi mạnh dạn đưa hàng loạt cầu thủ trẻ vào sử dụng. Thành công mà đội bóng vùng Baden Wuerttemberg gặt hái được trong mùa 2006/07 ngoài mong đợi: chức vô địch.

Điểm hẹn 2009/2010

Trong những mùa giải qua, đã có nhiều đội bóng theo chân Stuttgart. Ở mùa giải 2009/10 này, Hoffenheim là đội có lực lượng trẻ đông đảo nhất với độ tuổi trung bình tròn 23 tuổi. Tiếp đến là Schalke (24,0), Bremen và Leverkusen (cùng 24,4), Hamburg (24,5), Nuernberg (24,6), Freiburg và Dortmund (cùng 24,8)...

Không hẹn mà gặp, rất nhiều đội bóng đang xây dựng sức mạnh của mình dựa trên những cầu thủ trẻ tài năng. Hoffenheim tiếp tục tin dùng dàn cầu thủ trẻ đã từng mang đến cho họ những thành công bất ngờ ở mùa giải trước như Andreas Beck (22 tuổi), Matthias Jaissle (21), Carlos Eduardo (22), Luiz Gustavo (22) hay Chinedu Obasi (23).

Trong khi đó, Bremen cũng đặt nhiều kỳ vọng vào cặp tiền vệ trẻ tài năng Mesut Oezil (20) và Marko Marin (20), những người có khả năng thay thế tiền vệ Diego đã sang đầu quân cho Juventus. Ngoài ra còn có nhà vô địch U-21 châu Âu Sebastian Boesnich (22) và Marcelo Moreno (22), cầu thủ được mượn về từ Shakhtar.

Kình địch của Bremen, đội bóng láng giềng Hamburg cũng sở hữu những nhân tố trẻ quan trọng ở mùa này. Ngoài Dennis Aogo (22), Choupo-Moting (20), Jerome Boateng (20), Jonathan Pitroipa (23), Ben-Hatira (21) là những cái tên xuất hiện từ mùa giải trước thì năm nay, đội bóng miền Bắc còn bổ sung thêm Ali Arslan (18) và đặc biệt là Eljero Elia (22) và "vua phá lưới" VCK U-21 châu Âu 2009 Marcus Berg, những cầu thủ đã tiêu tốn của Hamburg gần 20 triệu euro phí chuyển nhượng.

Khi người Đức
Bundesliga 2009/2010 hứa hẹn sẽ là sân chơi của các cầu thủ trẻ 

Tất nhiên, không thể không nhắc đến hai thế lực trẻ Stuttgart và Leverkusen. Stuttgart vẫn còn những cái tên từng đóng góp vào thành công của họ trong năm 2007 như Sedar Tasci (22) hay Sami Khedira (22) cùng một số nhân tố mới như Stefano Celozzi (20), Christian Traesch (21), Timo Gebhart (20) hay Sebastian Rudy (19), những cầu thủ nhiều khả năng sẽ được Markus Babbel tin dùng ở mùa này.

Trong khi ở Leverkusen, những Gonzalo Castro (22), Renato Augusto (21), Arturo Vidal (22) vẫn là những cái tên trong đội hình chính thì người ta còn rất kỳ vọng vào sự tỏa sáng của tiền vệ tổ chức lối chơi Toni Kroos (19) và hai chân sút trẻ một cũ, một mới Richard Sukuta-Pasu (19) và Eren Derdiyok (21).

Ngay cả những đội bóng thường được xem là "miền đất chết" với các cầu thủ trẻ như Bayern hay Hertha cũng đã có những thay đổi. Tân HLV Louis van Gaal sau khi đến Munich đã tin dùng trung vệ trẻ Holger Badstuber (20) và tạo cơ hội cho tiền đạo Thomas Mueller (19) được ra sân khá thường xuyên trong những trận giao hữu.

Còn Hertha sau khi thành công với Gojko Kacar (22) sẽ tiếp tục thử nghiệm những tài năng trẻ như Sascha Bigalke (19) và Lennart Hartmann (18). Ngoài ra, còn rất nhiều, rất nhiều những cái tên mới, những cầu thủ trẻ mới được đưa lên từ các lò đào tạo đang chờ đợi những cơ hội của mình để chiếm chỗ các đàn anh (xem bảng thống kê ở dưới).

Tất nhiên, không phải cầu thủ trẻ nào cũng có thể tỏa sáng dù có tài năng. Nhưng những gì đang diễn ra trên đất Đức cho thấy, các cầu thủ trẻ đã được coi trọng hơn và ngày càng có nhiều cơ hội để khẳng định tài năng của mình. Đối với các cầu thủ trẻ, đó là điều quan trọng nhất. Còn đối với Bundesliga và bóng đá Đức, đó là những tín hiệu hết sức tích cực.

Theo Reuters




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC