Tại lễ khai mạc Hội chợ sách Frankfurt, Đức, bất chấp sự có mặt của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ dưới hàng ghế cử tọa, tiểu thuyết gia Orhan Pamuk đã lên tiếng chỉ trích chính phủ nước này vì chính sách đối xử hà khắc với các nhà văn.


Mỗi năm, Hội chợ sách Frankfurt chọn một quốc gia để tôn vinh nền văn hóa và văn học của đất nước đó. Thổ Nhĩ Kỳ là khách mời danh dự của năm nay. Hàng trăm nghìn nhà văn, biên tập viên đến từ hơn 100 quốc gia trên thế giới đã hội tụ về Frankfurt để giao lưu, thảo luận về nhiều vấn đề trong đời sống xuất bản thế giới ngày nay.

Tại lễ khai mạc tối 14/10, trước đông đảo cự tọa, Pamuk phát biểu, từ tốn nhưng gay gắt: “Một thế kỷ cấm sách hoặc đốt sách, ném nhà văn vào tù hoặc tiêu diệt nhà văn bằng cách gọi họ là kẻ phản bội, đày ải họ phải sống lưu vong, hạ nhục họ trên báo chí. Những điều đó không hề làm giàu thêm cho nền văn học Thổ Nhĩ Kỳ. Nó chỉ khiến nền văn học này nghèo đi mà thôi”.

Nobel Văn học 2006 chỉ trích chính phủ
Nhà văn Orhan Pamuk. Ảnh: AP.

Pamuk - tiểu thuyết gia đoạt giải Nobel 2006 - từng bị buộc tội "sỉ nhục quốc thể" khi ông khẳng định trên báo chí rằng, Đế chế Ottoman phạm tội ác diệt chủng với khoảng 1,5 triệu người Armenia trong thời kỳ Thế chiến I. Nhà văn được tòa tuyên trắng án, nhưng những nhà dân tộc chủ nghĩa không dễ dàng tha thứ cho ông. Pamuk vẫn thường xuyên bị những kẻ cực đoan dọa giết.

“Thói quen trừng trị các nhà văn và tác phẩm của họ vẫn đang rất thịnh hành ở Thổ Nhĩ Kỳ. Điều 301 Bộ luật hình sự tiếp tục được sử dụng để bịt miệng và cấm đoán nhiều nhà văn khác, giống như họ từng làm với tôi. Hiện tại, vẫn có hàng trăm nhà văn, nhà báo bị kết tội vi phạm điều luật này”, tác giả Tên tôi là Đỏ nói thêm.

Nhà văn cho biết, trong khi viết cuốn tiểu thuyết mới nhất, Museum of Innocence, ông phải vào YouTube để tìm kiếm các bộ phim và bài hát của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng bây giờ, YouTube và rất nhiều trang web trong và ngoài nước khác cũng bị chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ chặn với “lý do chính trị”.

Đăng đàn ngay sau bài phát biểu của Pamuk, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul Gul nhã nhặn bày tỏ, Thổ Nhĩ Kỳ “thực sự tự hào” với giải thưởng Nobel của Pamuk và nền văn học nước này đang ngày càng được phổ biến rộng rãi nhờ ảnh hưởng của những sự kiện như Hội chợ sách Frankfurt.

Tuy không phản ứng trực tiếp đối với những lời chỉ trích của nhà văn nổi tiếng, nhưng Tổng thống cho biết “ngày nay, tôi có thể vui mừng khẳng định rằng, nhờ những cải cách về chính trị, kinh tế, Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng hội tụ các điều kiện cần thiết để được gia nhập Liên minh EU. Dù chưa thành công nhưng chúng tôi đã làm được rất nhiều việc. Nếu so sánh với trước đây, tôi có thể nói, Thổ Nhĩ Kỳ đã có những bước tiến tích cực”.

Theo

nytimes

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC