Đặt chân trở lại Rostock vào những ngày mưa mùa thu sau gần 2 năm vắng bóng, lòng tôi nao nao một niềm khó tả.

Niềm vui được gặp lại người bạn thân rộng đến thế nào thì nỗi khát khao được về lại phố biển cũng dài như thế !

Rostock - Sắc màu phố biển - 0

Hồi còn học phổ thông ở Đức, tôi cũng đã “ ung dung” viết tên thủ đô của bang Mecklenburg Vorpommern lên giấy là Rostock nhưng rồi được thầy giải thích rằng “ Rostock chỉ là thành phố lớn nhất của bang, còn Schwerin là thủ phủ!”. 

Rostock đóng một vai trò đặc biệt trong nền kinh tế của Đức trước và sau khi thống nhất, bởi thành phố này cũng là cầu nối thông thương giữa Đức với các nước ở vùng biển Baltic.

Theo thống kê mà tôi truy cập được ở trên mạng ( Wikipedia ) thì trung bình mỗi năm Rostock đón chào hơn 9000 lượt tàu vào cảng.

Từ Rostock người ta có thể đi lại tới các nước ở bờ biển Baltic bằng tàu thủy. Chỉ với 7 Euro cho cả đi và về cộng với 2h ngồi tàu, tôi và chị bạn đã có thể nhảy tàu sang Đan Mạch chu du ngắm cảnh.

Khách du lịch tới Rostock phấn lớn cũng đi bằng đường thủy vì thành phố biển này và cả bang Mecklenburg Vorpommern còn có rất nhiều khu du lịch nổi tiếng để họ tìm tòi và khám phá.

Rostock - Sắc màu phố biển - 1

 

Tôi chọn một ngày nắng đẹp, Trang dẫn tôi và cô em họ đi quanh thành phố của chị. Chúng tôi nhảy tàu tới Warnemünde – một khu du lịch nổi tiếng của Rostock.

Với một bãi cát rộng hơn 150m, Warnemünde là bãi cát rộng nhất ở bờ biển miền đông đức.

Không chỉ có vậy, khách đến đây du lịch còn được tận hưởng những vẻ đẹp khác của thành phố biển. Những ngôi nhà bé bé xinh xinh nằm bên khu đường dành cho người đi bộ để ngắm cảnh, ở Alten Strom người ta có thể nhìn thấy những cửa hàng bán cá, bán đồ lưu niệm, những quán café trải dài.

Đi dạo một vòng quanh cảng, đứng trước biển mênh mông, tôi thấy lòng thật nhẹ nhàng. Thời tiết giữa tháng 10 ở biển đã chớm lạnh, nhưng tôi vẫn thấy lòng mình thật ấm áp khi được trải dài những bước chân của mình trên những bờ cát.

Rời Warnenmünde, chúng tôi tiếp tục nhảy tàu tới trung tâm thành phố. Trước đó một ngày, tôi đã đinh khám phá thành phố này cùng chiếc bản đồ, nhưng cô em ở Rostock bảo “ Rostock nhỏ lắm chị ơi, đi một vòng là hết, không cần đến bản đồ đâu vì ở đây người ta không thể lạc được”, nhưng tôi không tin điều đó lắm.

Rostock có những địa danh cần phải xem khi đặt chân đến nơi này và chắc chắn nếu muốn tìm hiểu kĩ hơn về thành phố này, người ta cần nhiều hơn là một ngày để khám phá. Chúng tôi để những bước chân vô định dẫn dắt mình tới cả những ngõ ngách của thành phố.

Trang kể cho tôi nghe rằng Rostock có tới tận 7 nhà thờ, thời gian không đủ để chúng tôi tới chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tất cả các nhà thờ, bởi mỗi nhà thờ đều mang một vẻ đẹp bí ẩn riêng.

Chúng tôi dừng chân ở nhà thờ St. Petri , nhà thờ này cổ nhất Rostock và cao 117 m. Về lịch sử xây dựng nhà thờ này thì vào năm 1300 thì một nhà thờ nhỏ đã được xây dựng dưới „ mảnh đất“ của nhà thờ St Petri ngày nay.

Qua nhiều giai đoạn, nhà thờ này được nâng cấp dần dần và đến năm 1500 thì tháp nhà thờ đã cao tới 127 m, nhưng đến năm 1543 thì bị sét đánh nên sau đó người ta đo lại và lấy cột mốc cố định chiều cao của nhà thờ là 117 m.

Trong chiến tranh thế giới thứ 2, nhà thờ này đã bị bom của Anh dội vào và bị tàn phá rất nặng và mãi đến năm 1994 nhà thờ này mới được tu sửa lại hoàn toàn.

Nổi bật hơn cả là những biểu tượng nghệ thuật được trang trí trong nhà thờ này với những kiến trúc rất độc đáo, những chiếc cửa kính với nhiều màu sắc.

Ngoài ra bạn cũng có thể vượt qua gần 200 bậc thang để leo tới phía trên cao của đỉnh tháp, ở đó bạn có thể ngắm Rostock từ trên cao, ngắm dòng sông Warnow thơ mộng mĩ miều.

Rời St Petri chúng tôi tới Steintor . Cổng đá này được xây từ năm 1279 theo phong cách gotik và cao ngang bằng với cổng Kröperliner.

Từ thời trung cổ chiếc cổng này là cổng chính để đi vào thành phố, nhờ có chiếc cổng này mà những người hầu tước có thể tiến thẳng tới tòa thị chính và nhà thờ St Marien một cách nhanh nhất.

Trang kể với tôi rằng trước đây chiếc cổng này trước đây chỉ dành cho người đi qua, còn động vật khác như bò, ngựa thì phải đi qua một chiếc cổng khác có tên là Kuhtor ( cổng bò ) cách đấy một đoạn ngắn. Kuhtor được xây dựng từ năm 1262 và cũng là cổng thành thành phố cổ nhất không chỉ riêng ở Rostock mà còn cả vùng Đông Bắc.

 

Tòa thị chính lộng lẫy nằm cách đấy không xa, người ta có thể dễ dàng nhận ra khi nhìn thấy 7 cái tháp nhỏ nằm ờ phía bên trên mái nhà và 7 chiếc cổng giống y nguyên nhau ở phía trước tòa nhà.

Đứng trước cổng tòa thị chính, bạn có thể nhìn thẳng ra Neuen Markt , đây là một khoảng sân rộng lớn và từ đây bạn có thể bắt đầu đi bộ vào khu trung tâm thành phố với rất nhiều những cửa hàng khác nhau. Cứ mỗi tuần một lần những người dân từ vùng lân cận và ngoại ô thành phố đổ về đây để bán hàng, hầu hết là những thức phẩm tươi, từ rau quả, cá thịt cho đến những món ăn đặc trưng khác.

 

Chúng tôi bắt đầu lân la tới khu trung tâm thành phố dọc theo đường Kröperliner, những cửa hàng thời trang nối đuôi nhau chạy dài. Từ quần áo, giày dép, nữ trang cho đến thậm chí cả các tạp sách bạn cũng có thể tìm thấy trên con đường này, tóm lại con đường này và con đường Lange là nơi tụ tập của nhiều khách du lịch. Các nhà hàng từ lớn đến nhỏ thi nhau quảng cáo những món ăn đặc sản của Rostock.

Chúng tôi dừng lại ở trường khu chính của trường Đại học Rostock ( trường Đại học Rostock được chia thành nhiều khoa và không nằm chung trên một khu vực mà các khoa được chia rải rác khắp nơi trong thành phố ).

Tòa nhà chính của trường Đại học này được xây dựng từ năm 1419 và là trường Đại học cổ nhất nước Đức, trong khi Trang và cô em gái Quỳnh Nga của tôi đứng ngắm tòa nhà và bàn tán về kiến trúc, tôi lang thang trên bãi cỏ phía trước cổng trường và ngắm nhìn những cô cậu nằm dài trên bãi cỏ đọc sách, một không gian xanh bao trùm và tôi thấy một cảm giác bình yên đọng trên từng gương mặt của những cô cậu sinh viên nơi đây. 

Cổng Kröperline nằm ở cách đó không xa, chiếc cổng này cao chừng 54m và được xây dựng từ thế kỉ thứ 13. Nguồn gốc về cái tên Kröperline thì không ai rõ, người ta đưa ra hai lý do phỏng đoán .

Giả thuyết thứ nhất được đưa ra, đó là vì chiếc cổng này nằm cách một thị trấn nhỏ mang tên là Kröpelin chừng 20 km nên người ta đã đặt tên chiếc cổng đó như thế.

Giả thuyết thứ hai thì cho rằng trước đây có một thương gia mang họ là Kröpelin tới Rostock nhập cư và đã sống ở đây rất lâu , thế nên chiếc cổng này được mang tên họ.

Chiếc cổng này nằm ở phía Tây của thành phố và cũng nằm trên con đường thương mại dẫn tới hai thành phố Wismar và Lübeck, đồng thời chiếc cổng này cũng là điểm dừng cuối cùng của con đường Kröpeline.

Con đường này theo như mọi người ở đây nói thì cho đến tận bây giờ vẫn là con đường quan trọng nhất Rostock. 

Rời cổng Kröperline chúng tôi nhảy xe buýt tới Stadthafen ( cảng thành phố ).

Trước khi đến Rostock tôi đã tự nhủ là sẽ phải tới cảng thành phố một lần, vì ở nhà xem ảnh, thấy nơi này đẹp quá. Uyên - cô em sống ở Rostock lâu năm tủm tỉm cười và bảo tôi :

“ Ở đó có gì hay đâu mà chị đòi tới đó, đừng có để những tấm ảnh mắc lừa nhé “.

Nhưng tôi biết tôi sẽ không thể dễ dàng bị lừa như thế được, tôi tin là cảng thành phố đẹp như trong tưởng tượng của tôi. Có lẽ vì Uyên sống ở nơi này quá lâu rồi nên cái đẹp đó Uyên cho là bình thường, nhưng đối với tôi thì khác.

Và đúng là cảng thành phố đã không làm tôi thất vọng, đi dọc theo con đường một bên là nước, bên kia là những tòa nhà cao chót vót, tôi thấy lòng mình bình yên.

Chọn một tảng đá để nằm, tôi nói đùa với Trang: “ Chị cứ đi đâu đi, lát về đón em ở đây. Em không đi đâu nữa đâu”.

Gió, nắng làm tóc tôi bay, tôi thấy cả một bầu trời yêu thương hiện ra trước mắt mình. Lâu lắm rồi tôi lại mới thấy lòng mình thật bình yên như thế.

Nhưng đến với Rostock, những gì tôi được biết, được ngắm và được chiêm ngưỡng không chỉ là biển, là sông,là những nhà thờ và những chiếc cổng thành nối đuôi nhau , mà còn là những khu vườn xinh đẹp. Tới nơi này đúng vào mùa lá đang đổi màu nên khắp các khu vườn mang những sắc màu rực rỡ, xanh, đỏ , vàng quện lẫn vào nhau tạo cho lòng người một cảm giác như đang được hòa mình giữa đất trời thiên nhiên.

Một buổi chiều xế nắng, chúng tôi vào IGA ( Vườn triển lãm quốc tế ) ở Rostock. Theo lời Trang kẻ thì khu vườn này được xây dựng từ năm 2003 với mục đích là sẽ lôi kéo khách du lịch về đây nhiều hơn.

Nhưng chỉ sau hơn một năm thì thành phố Rostock không đủ tiền để “ trang trải” và chăm sóc cho khu vườn đó nên bây giờ, dù khách du lịch vẫn vào thăm, nhưng người ta có thể nhận thấy ngay rằng khu vườn gần như đã bị bỏ hoang. Tôi thấy thật tiếc vì thật ra khu vườn rất đẹp , mang dáng dấp của nhiều nước khác nhau.

Có cả vườn Trung Quốc, vườn Nhật Bản, vườn Thổ Nhỉ Kĩ, vườn Hungary, bao nhiêu là hoa, là những cây táo tàu, là những ngôi nhà sàn, là những tảng đá khổng lồ. Dẫu khu vườn ấy giờ đây đã không còn được chăm sóc như ngày xưa nữa, nhưng tôi vẫn thấy cái vẻ đẹp nguyên sơ của nó ngay từ khi bước chân vào.

Tôi thầm tiếc cho thành phố Rostock đã không đủ sức để có thể biến khu vườn ấy thành một vườn triễn lãm quốc tế như họ đã từng làm năm 2003. Rời Rostock vào một ngày mưa, tôi lại thấy quyến luyến nơi này biết bao.

Kí ức đọng lại trong tôi không chỉ là vị mặn của biển và vị ngọt của dòng sông Warnow mà còn nhiều lắm những yêu thương mà tôi đã gửi gắm và nhận được từ nơi ấy. Tôi biết sẽ có một ngày tôi trở lại nơi ấy, khi đoàn tàu vừa chuyển bánh được vài phút, tôi đã gửi cho Trang một tin nhắn :

Em sẽ trở lại!” 

Hoàng Yến Anh - Bài đã được đăng trên báo Nhịp Cầu Đầu Tư 

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC