Tunisia ngày càng trở thành cửa ngõ được dòng người di cư lựa chọn để tìm cách vào châu Âu, dù nhiều người phải trả giá bằng mạng sống.

Khi nhóm phóng viên Sky News, kênh truyền hình của Anh, tới Sfax, thành phố duyên hải miền nam Tunisia, đoàn người di cư đến từ khu vực cận Sahara ở châu Phi đang đi bộ ngược lại từ hướng bãi biển La Louz.

Những người này đã tìm cách vượt biển để tới Lampedusa, hòn đảo nhỏ ngoài khơi Italy, nhưng cuối cùng phải chấp nhận quay lại điểm xuất phát sau khi bị cảnh sát biển Tunisia rượt đuổi trên biển.

1 Hanh Trinh Tu Than Cua Nguoi Vuot Bien Sang Chau Au

Fae Raphael (phải) nói về cảnh sát biển Tunisia. Ảnh: Sky News

"Họ là những kẻ cướp, phân biệt chủng tộc. Chúng tôi ngồi thuyền, vậy mà họ tịch thu hết giấy tờ tùy thân, điện thoại", Fae Raphael, một người di cư vừa vượt biển bất thành, tức giận chỉ trích cảnh sát biển Tunisia. "Chúng tôi ở giữa biển, vậy mà họ lấy động cơ thuyền, bỏ mặc chúng tôi giữa biển nước".

Những người cùng đoàn xác nhận những gì Raphael vừa nói.

"Thuyền chúng tôi lênh đênh trên biển từ 8h sáng đến 14h mới vào được bờ", Dossou Mamadou, người đến từ Bờ Biển Ngà, tuyệt vọng nói. "Bây giờ, chúng tôi không đủ tiền mua thức ăn hay thuê chỗ ở. Chúng tôi bị trục xuất, không biết ngủ ở đâu. Giải pháp duy nhất là tới châu Âu, nhưng bất hạnh thay lại không thành".

Bài phát biểu lên án người da màu vượt biên của Tổng thống Tunisia Kais Saeed đã thúc đẩy chiến dịch truy quét chưa từng có của giới chức nước này trong những tuần gần đây.

Hàng nghìn người di cư đối mặt nguy cơ bị chính quyền Tunisia trục xuất, sống trong cảnh thất nghiệp và có thể bị bắt bất cứ lúc nào. Một số người đã chấp nhận lên các chuyến bay hồi hương, nhưng số khác không muốn quay lại nơi đầy xung đột và bất ổn mà họ đã ra đi. Lựa chọn của họ là vượt Địa Trung Hải sang châu Âu, dù có thể đánh đổi bằng tính mạng.

2 Hanh Trinh Tu Than Cua Nguoi Vuot Bien Sang Chau Au

Hành trình của người di cư từ Sfax tới đảo Lampedusa của Italy. Đồ họa: Guardian

Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, 12.000 người di cư từ Tunisia đã tới Italy bằng đường biển từ đầu năm tới nay, trong khi con số cùng kỳ năm ngoái là 1.300 người. Tuần trước, cảnh sát biển Tunisia cho hay đã ngăn chặn 80 con thuyền sang Italy, bắt hơn 3.000 người.

Ít nhất 29 người di cư đã thiệt mạng khi thuyền chìm tuần trước, nhưng con số thực tế có thể cao hơn.

"Tôi đã đếm được 130 người chết, nhiều thảm kịch đã xảy ra", một tay đưa người vượt biên ở Tunisia nói, lắc đầu tỏ vẻ buồn bã. Người này cho hay đang sắp xếp cho chính gia đình mình vượt biển trong vài ngày tới.

3 Hanh Trinh Tu Than Cua Nguoi Vuot Bien Sang Chau Au

Khu chợ cổ ở Sfax, nơi người di cư tụ tập bàn về kế hoạch sang châu Âu. Ảnh: Sky News

Tunisia đang vượt qua Libya trở thành tuyến đường vượt biên trái phép chủ yếu qua Địa Trung Hải tới châu Âu. Phần lớn người di cư khởi hành từ bãi biển gần Sfax, thủ phủ kinh tế của Tunisia.

Những ngư dân lớn lên ở đây cho hay chưa từng nhìn thấy cảnh tượng nào như thế. Các ngư dân ở đây nắm rõ lộ trình vượt biên tử thần của người di cư và thường xuyên chứng kiến những cái chết thương tâm.

"Chúng tôi đã cứu được nhiều người bị lật thuyền. Thuyền của họ quá nhỏ, người thì đông, tôi phải đưa họ lên tàu cá của mình để chở về bờ", ông nói, cho hay không thể đếm được bao nhiêu người chết vì có quá nhiều thi thể bị dòng hải lưu cuốn trôi.

"Mỗi sáng khi ra khơi thả lưới, tôi lại nhìn thấy một thi thể của người di cư bị đuối nước", ông nói. "Tình hình đúng là thảm họa".

Hồng Hạnh (Theo Sky News)

Nguồn: VNEXPRESS.NET




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC