Trên thực tế, đây không phải là một lời đề nghị mới mẻ vì nó đã được thảo luận trong nhiều năm. Sự khác biệt là các đối tác châu Âu bây giờ quan tâm hơn tới khả năng triển khai chiếc ô hạt nhân của Pháp trong bối cảnh Mỹ muốn các đồng minh châu Âu tự lực hơn trong vấn đề an ninh, theo đài France24.
Tuy nhiên, cần phải xem xét nhiều yếu tố để xác định liệu chiếc ô hạt nhân của Pháp có đủ khả năng đưa ra “giải pháp thay thế thực tế” cho an ninh châu Âu hay không.
Học thuyết hạt nhân của Pháp
Động lực để Pháp xây dựng cho riêng mình lực lượng răn đe hạt nhân bắt nguồn từ sự ngờ vực dai dẳng của Paris đối với đồng minh Mỹ sau cuộc khủng hoảng Kênh đào Suez (năm 1956) – khi Washington cùng với Moscow buộc bộ ba Pháp-Anh-Israel từ bỏ nỗ lực kiểm soát kênh đào chiến lược này.
Giới lãnh đạo Pháp gọi đó là “sự phản bội” của Mỹ và thuyết phục người dân đồng ý với kế hoạch phát triển khả năng răn đe hạt nhân riêng vì “lợi ích sống còn” của đất nước.
Một thập niên sau đó, dưới thời Tổng thống Charles de Gaulle, Pháp rút khỏi bộ chỉ huy chung của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), dẫn tới việc rút các tài sản quân sự của Mỹ khỏi lãnh thổ Pháp.
Trong nhiều năm qua, các đời lãnh đạo Pháp liên tục thúc giục các đồng minh châu Âu giảm sự phụ thuộc vào Mỹ. Trong đó, tổng thống đương nhiệm, ông Macron là một trong những người tích cực nhất với ý tưởng này.
Vị thế cường quốc hạt nhân của Pháp khác biệt so với Anh – quốc gia đã rời khỏi EU và còn phụ thuộc vào Mỹ để duy trì kho vũ khí hạt nhân của mình. Paris có thể tự chủ được các vấn đề liên quan tới lực lượng răn đe hạt nhân, tránh phụ thuộc NATO và duy trì sự mơ hồ có chủ đích của khái niệm “lợi ích sống còn”.
Nhà nghiên cứu Alain De Neve thuộc Viện Quốc phòng Hoàng gia ở Brussels (Bỉ) cho rằng “việc duy trì sự mơ hồ nhất định về lợi ích sống còn của Pháp chính là cốt lõi của ‘sự mơ hồ chiến lược’ làm nền tảng cho sự răn đe hạt nhân”.
Nhà nghiên cứu Emmanuelle Maitre thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (FRS, Pháp) nhấn mạnh rằng giống như các cường quốc hạt nhân được công nhận khác, Pháp “thích nhắc nhở mọi người về khả năng [răn đe hạt nhân] của mình” nhưng vẫn giữ sự mơ hồ, không nói chính xác “đâu là lằn ranh đỏ”.
Ông De Neve cho rằng ý tưởng “mơ hồ chiến lược” này khiến những người có quan điểm đối lập “không biết được phạm vi bảo vệ hạt nhân của Pháp”, tức là không biết những trường hợp nào sẽ dẫn tới việc Paris sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm giới hạn khả năng tính toán rủi ro của các kẻ thù tiềm tàng.
Sự bất đồng trong chính trường Pháp trước phát ngôn của ông Macron
Nhà phân tích Benoit Gremare tại ĐH Jean Moulin (Lyon, Pháp) nhấn mạnh rằng “việc hướng tới châu Âu hoá lực lượng hạt nhân có nghĩa là tăng cường năng lực răn đe và, do đó, mở rộng kho vũ khí của Pháp để có thể ứng phó với các mối đe doạ ảnh hưởng tới toàn bộ 27 quốc gia thành viên EU”.
Bất kỳ sự nâng cấp nào đối với kho vũ khí hạt nhân của Pháp đều cực kỳ tốn kém và đòi hỏi sự thay đổi đáng kể về mặt hậu cần và pháp lý. Trong khi nước Pháp vẫn chưa thoát hẳn khỏi bóng đen bất ổn về chính trị và căng thẳng về ngân sách.
Các đối tác châu Âu đều hiểu rằng ông Macron đang lãnh đạo một chính phủ thiểu số - nơi mà các đảng đối lập vẫn có khả năng bác bỏ bất kỳ đề xuất nào của đảng Phục hưng cầm quyền.
Tại quốc hội Pháp, đảng cực tả Nước Pháp bất khuất đặt câu hỏi nếu Pháp không tin tưởng rằng nước Mỹ hùng mạnh sẽ bảo vệ mình, thì lý do nào khiến các đối tác châu Âu lại tin tưởng Paris sẽ mạo hiểm kích hoạt một cuộc chiến hạt nhân vì lợi ích bên ngoài lãnh thổ Pháp.
Bà Marine Le Pen thuộc đảng Tập hợp Quốc gia (RN) – một chính trị gia cực hữu có ảnh hưởng hàng đầu tại Pháp – ủng hộ việc tái vũ trang Pháp nhưng chỉ để bảo vệ lãnh thổ Pháp. RN gọi việc mở rộng chiếc ô hạt nhân là sự phản bội nền độc lập chiến lược của Pháp.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tham gia lễ hạ thuỷ một tàu ngầm hạt nhân thuộc lớp Suffren hồi năm 2019. Ảnh: AFP
Đáp lại các chỉ trích, nghi ngại trên, ông Macron nhấn mạnh rằng quyết định răn đe hạt nhân vẫn là đặc quyền mang tính chủ quyền quốc gia dành riêng cho tổng thống Pháp.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu cũng nói rằng trong khi Paris đặt vấn đề thảo luận về mở rộng chiếc ô hạt nhân của Paris, “bàn tay trên nút bấm [hạt nhân] vẫn là của nguyên thủ quốc gia” của Pháp.
Răn đe hạt nhân và khả năng mở rộng chiếc ô hạt nhân của Pháp
Năm 2020, ông Macron từng tuyên bố “lợi ích sống còn” của Pháp có “chiều hướng châu Âu” – một lập luận thường xuyên được ông nhắc lại gần đây. Song nội hàm của “chiều hướng” này vẫn là một vấn đề chưa rõ ràng.
Ông De Neve cho rằng “chỉ riêng việc thiết lập một cuộc đối thoại thường xuyên” đã là bước đầu tiên quan trọng hướng tới mở rộng chiếc ô hạt nhân của Pháp ra cho các đồng minh EU và khiến Nga phải suy xét kỹ hơn trước các hành động nhắm vào các quốc gia EU, trước hết là các nước vùng Baltic.
Theo các thống kê, Nga và Mỹ chiếm tới 88% tổng kho vũ khí hạt nhân toàn cầu, xếp sau đó là Trung Quốc. Pháp xếp thứ tư và Anh xếp thứ năm.
Chuyên gia Gremare lưu ý rằng “nếu không có hỗ trợ của Mỹ, cán cân quyền lực dường như bất lợi cho Pháp” vì Paris chỉ có tổng cộng 290 đầu đạn hạt nhân, tức là chưa bằng 1/5 số đầu đạn hạt nhân mà Nga đang triển khai, trong khi Moscow còn dữ trữ trong kho gần 2.800 đầu đạn hạt nhân.
Các so sánh này cho thấy lỗ hổng về mức độ đáng tin cậy của lời đảm bảo về khả năng răn đe hạt nhân của Pháp trên toàn EU. Ít nhất hiện nay, do sức mạnh vượt trội của Mỹ, các quốc gia châu Âu vẫn dựa vào chiếc ô hạt nhân của Washington thay vì chọn dựa vào Paris hay London.
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) cho rằng “trong tình hình hiện tại, lực lượng hạt nhân của Pháp và Anh là sự bổ sung cho khả năng răn đe mở rộng của Mỹ, nhưng chúng sẽ không phải là giải pháp khả thi trong trường hợp lực lượng hạt nhân của Mỹ đột ngột rút lui”.
Chuyên gia De Neve cho rằng các quốc gia EU cần phải tuyên bố công khai về những gì họ có thể đóng góp hỗ trợ Pháp – nước đã chi khoảng 15% ngân sách quốc phòng để hiện đại hoá kho vũ khí hạt nhân – trong việc mở rộng chiếc ô hạt nhân. Vấn đề này có thể sẽ được các lãnh đạo châu Âu đưa ra thảo luận.
Các nhà phân tích cảnh báo rằng nếu không có thay đổi đột phá nào, Pháp có thể mất tới 10 năm để bổ sung thêm 100 đầu đạn hạt nhân vào kho vũ khí của mình.
Tuy nhiên, chuyên gia Pháp Maitre lưu ý rằng mục đích mà Paris hướng tới không phải là sánh ngang kho vũ khí của Mỹ hay Nga, mà là để đảm bảo Pháp duy trì khả năng gây ra thiệt hại “không thể chấp nhận được” cho bất kỳ kẻ thù nào.
Các chuyên gia gợi ý rằng trong ngắn hạn, Pháp và các đồng minh có thể thống nhất để thay đổi học thuyết hạt nhân của Paris theo hướng cho phép triển khai vũ khí hạt nhân bên ngoài lãnh thổ Pháp, cũng như tích hợp năng lực răn đe hạt nhân vào các cuộc tập trận, huấn luyện chung của châu Âu.
Pháp sở hữu máy bay chiến đấu Rafale có khả năng mang tên lửa hạt nhân. Ông Gremare cho rằng việc triển khai Rafale trên khắp châu Âu “sẽ mang lại hình thức cụ thể cho quyền tự chủ chiến lược của châu Âu”, gửi đi tín hiệu về “đoàn kết châu Âu” và “khiến những tính toán của Moscow trở nên khó khăn hơn”.
VĂN KIẾM
Nguồn: Báo điện tử Pháp Luật TP.HCM
TIN TỨC: THỜI SỰ THẾ GIỚI
-
Chính quyền Trump yêu cầu quan chức không dự kỷ niệm 30/4 ở Việt Nam, điều này có ý nghĩa gì? 23/04/2025
-
Bức ảnh cuối cùng của gia đình thiệt mạng trong vụ rơi trực thăng du lịch ở New York 11/04/2025
-
Trump đảo chiều chính sách thuế quan: màn “quay xe” gây sốc và hệ lụy nghiêm trọng 10/04/2025
-
Cựu điệp viên CIA: 'Trump sai, Hà Nội cũng sai' trong vụ cấm quan chức Mỹ dự lễ 30/4 27/04/2025