Gần 30 nước đã sơ tán nhân viên ngoại giao cùng công dân khỏi Sudan, do lo ngại về an ninh khi giao tranh giữa các phe phái tiếp diễn.

Xung đột bất ngờ nổ ra giữa quân đội Sudan và nhóm bán quân sự Lực lượng Phản ứng Nhanh (RSF) từ 15/4 đã khiến hàng nghìn người nước ngoài, trong đó có nhà ngoại giao và nhân viên cứu trợ, bị mắc kẹt, và các quốc gia đang nỗ lực sơ tán công dân của họ. Cả quân đội Sudan và RSF đều bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ sơ tán công dân nước ngoài.

Một số cuộc sơ tán diễn ra bằng đường hàng không, những nỗ lực khác được thực hiện qua cảng Sudan trên Biển Đỏ, nơi cách thủ đô Khartoum khoảng 650 km về phía đông bắc.

Lực lượng đặc nhiệm Mỹ hôm 22/4 tiến hành chiến dịch sử dụng trực thăng đưa toàn bộ nhân viên chính phủ và thành viên gia đình họ, cùng một số nhà ngoại giao từ các quốc gia khác, rời khỏi Khartoum tới căn cứ ở Djibouti, quốc gia Đông Phi.

Washington chưa có kế hoạch tương tự để sơ tán khoảng 16.000 công dân Mỹ đang ở Sudan, nhưng đang xem xét các lựa chọn để giúp họ rời khỏi vùng xung đột. Mỹ hôm 23/4 cũng thông báo triển khai các chuyên gia ứng phó thảm họa nhằm điều phối hiệu quả nỗ lực hỗ trợ nhân đạo cho Sudan.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết lực lượng vũ trang nước này đã tổ chức cuộc "sơ tán phối hợp và nhanh chóng" tất cả nhân viên ngoại giao và gia đình họ khỏi Sudan. Theo ông, chính phủ đang theo đuổi mọi con đường để chấm dứt đổ máu và đảm bảo an toàn cho công dân Anh ở Sudan. Bộ Ngoại giao Anh kêu gọi công dân trú ẩn tại chỗ và cung cấp thông tin về chỗ ở.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh cho hay quân đội đã tiến hành chiến dịch sơ tán cùng với Mỹ, Pháp và các đồng minh khác.

1 Loat Nuoc So Tan Cong Dan Khoi Sudan Khi Giao Tranh Tang Nhiet

Công dân Arab Saudi và các nước khác rời cảng Sudan ngày 22/4. Ảnh: Reuters

Một máy bay Pháp chở khoảng 100 người rời Khartoum tới Djibouti hôm 23/4. Máy bay thứ hai chở số người tương tự cũng chuẩn bị cất cánh và hoạt động sơ tán sẽ tiếp tục trong ngày 24/4. Máy bay Pháp cũng chịu trách nhiệm sơ tán phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) cùng một số công dân quốc gia khác tại Sudan.

Trước đó, quân đội Sudan và RSF cáo buộc lẫn nhau tấn công đoàn xe của Pháp. Quân đội Sudan cho rằng các tay súng RSF đã bắn vào đoàn xe, làm bị thương một công dân Pháp, trong khi RSF cho biết họ bị máy bay tấn công trong quá trình sơ tán, khiến một công dân Pháp bị thương và họ đã đưa đoàn xe trở lại điểm xuất phát.

Bộ Ngoại giao Pháp không bình luận về thông tin này.

Đức cho biết máy bay quân sự đầu tiên đã sơ tán 101 công dân đến Jordan, trong khi hai chiếc nữa vẫn ở Sudan. Chính phủ Đức trước đó nói rằng khoảng 200 công dân nước này đang ở Sudan.

Theo chính quyền Italy, công dân của họ được đưa ra khỏi Sudan tối 23/4 cùng một số người từ Thụy Sĩ, Vatican và các nước châu Âu khác. Ngoại trưởng Italy cho hay khoảng 140 người Italy sẽ được sơ tán cùng 60 người từ các quốc gia khác.

Ai Cập đã sơ tán 436 công dân trong số khoảng 10.000 người đang ở nước láng giềng Sudan. Một nhà ngoại giao Ai Cập bị thương do trúng đạn, song giới chức nước này không cung cấp thông tin chi tiết.

Theo danh sách do Bộ Ngoại giao Arab Saudi công bố hôm 22/4, 91 công dân nước này đã được sơ tán cùng 66 công dân từ 12 quốc gia khác, trong đó có Qatar, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Ai Cập, Ấn Độ, Philippines. Những công dân này rời cảng Sudan bằng tàu hải quân đến Jeddah, băng qua Biển Đỏ.

Kuwait cho biết tất cả công dân nước này ở Sudan muốn trở về nhà đã đến thành phố Jeddah, Arab Saudi. Tuy nhiên, Kuwait không nói rõ có bao nhiêu công dân đã được sơ tán.

2 Loat Nuoc So Tan Cong Dan Khoi Sudan Khi Giao Tranh Tang Nhiet

Vị trí Sudan và thủ đô Khartoum. Đồ họa: BBC

Đại sứ Nga tại Khartoum nói rằng 140 trong số khoảng 300 người Nga ở Sudan bày tỏ muốn rời đi. Các kế hoạch sơ tán đã được đưa ra, nhưng chưa thể thực hiện vì họ phải băng qua khu vực giao tranh. Khoảng 15 người, trong đó có phụ nữ và trẻ em, bị mắc kẹt trong nhà thờ Chính thống giáo Nga, gần nơi giao tranh ác liệt ở Khartoum.

Ahmad al-Sahaaf, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iraq, nói nước này đã triển khai "chiến dịch đặc biệt" để sơ tán các nhà ngoại giao khỏi đại sứ quán ở thủ đô Khartoum. Al-Sahaaf cho hay các nhà ngoại giao đã được chuyển đến "nơi an toàn ở Sudan" sau chiến dịch, nhưng từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Jordan thông báo 4 máy bay chở 343 người, bao gồm công dân Jordan, Palestine, Iraq, Syria và Đức, đã rời Sudan. Đại sứ quán Libya tại Khartoum cho hay 83 công dân nước này, bao gồm nhà ngoại giao và thân nhân, sinh viên, nhân viên hàng không và ngân hàng đã đến cảng Sudan để tiếp tục hành trình trở về nhà.

Tây Ban Nha đã sơ tán nhân viên ngoại giao và công dân, cũng như những người khác từ châu Âu và châu Mỹ Latinh. Theo Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard, 5 người Mexico và hai thành viên gia đình đã có mặt trên chuyến bay của Tây Ban Nha.

Ấn Độ đã cử một tàu hải quân đến cảng Sudan, hai máy bay quân sự đến Jeddah để chuẩn bị sơ tán công dân và khuyến cáo người dân tránh những rủi ro không cần thiết. Tunisia bắt đầu sơ tán công dân từ Khartoum trong ngày 24/2, trong khi Lebanon đang nỗ lực đưa 51 công dân rời cảng Sudan.

3 Loat Nuoc So Tan Cong Dan Khoi Sudan Khi Giao Tranh Tang Nhiet

Công dân Arab Saudi tại cảng Jeddah, Arab Saudi sau khi được sơ tán khỏi Sudan bằng tàu hải quân ngày 23/4. Ảnh: Reuters

Hàn Quốc hôm 21/4 điều vận tải cơ quân sự để sơ tán 25 công dân ở Sudan. Nhật Bản cũng triển khai ba máy bay vận tải quân sự đến Djibouti để chở công dân nước này.

Canada quyết định đình chỉ hoạt động của sứ quán ở Sudan và sơ tán các nhà ngoại giao. Ghana Kenya đang nỗ lực đưa công dân ra khỏi Sudan, trong khi Nigeria yêu cầu thiết lập hành lang an toàn để sơ tán 5.500 công dân nước này, chủ yếu là sinh viên.

Thụy Điển, Na UyIreland cũng tham gia nỗ lực sơ tán công dân. Hà Lan cho biết số ít trong 150 công dân của họ ở Sudan đã rời đi bằng máy bay của Pháp.

Trong thông cáo ngày 21/4, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết 16 thuyền viên Việt Nam đã rời khỏi Sudan, chỉ còn một công dân mang hai quốc tịch Việt Nam và Australia đang sống tại thủ đô Khartoum. Việt Nam tiếp tục theo dõi tình hình xung đột tại Sudan và sẵn sàng triển khai các biện pháp bảo hộ cần thiết nhằm đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của công dân.

Sudan nằm ở khu vực đông bắc châu Phi, giáp với Ai Cập, có dân số gần 48 triệu người. Giao tranh nổ ra sau nhiều tuần căng thẳng vì kế hoạch sáp nhập RSF vào quân đội chính quy. Lãnh đạo chính quyền quân sự Sudan cáo buộc RSF tiến hành đảo chính, song nhóm vũ trang này cho rằng quân đội là bên nổ súng trước, châm ngòi giao tranh.

Hơn 420 người đã thiệt mạng và 3.700 người bị thương trong các cuộc đụng độ giữa hai phe phái, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khiến tình hình nhân đạo ở quốc gia này ngày càng trở nên tồi tệ. Liên Hợp Quốc cho biết khoảng 20.000 người Sudan đang phải chạy trốn khỏi các khu vực giao tranh và đến xin tị nạn ở nước láng giềng Chad.

Huyền Lê (Theo Reuters, CNN)

Nguồn: VNEXPRESS.NET




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC