Dù chuột túi được xem là biểu tượng của Australia nhưng chính phủ nước này mỗi năm vẫn cho phép các thợ săn loại hàng triệu con nhằm đảm bảo quần thể này phát triển bền vững.

1 Ly Do Khien Australia Phai Loai Hang Trieu Con Chuot Tui Moi Nam

Chuột túi là loài vật biểu tượng của Australia (Ảnh: AFP)

Chuột túi có trên quốc huy của Australia, xuất hiện trên đuôi máy bay thuộc hãng hàng không quốc gia Qantas. Đây được xem là biểu tượng của đất nước ở khu vực Thái Bình Dương.

Mặc dù vậy, chính phủ nước này hàng năm vẫn cho phép các thợ săn có giấy phép hành nghề loại hàng triệu con chuột túi.

Theo giải thích từ chính quyền và các chuyên gia về động vật hoang dã, một số loài chuột túi có số lượng rất lớn nên chúng cần được tiêu hủy thường xuyên để bảo vệ đất đai, các loài bản địa khác và đảm bảo cho chính chúng có đủ thức ăn trong thời kỳ hạn hán xảy ra.

Theo chương trình của chính phủ, các thợ săn được cấp giấy phép hành nghề được trả phí cho mỗi kg chuột túi mà họ săn được. Chúng thường bị giết lấy thịt, da và xuất khẩu tới 70 quốc gia. Ngành công nghiệp liên quan tới chuột túi mang lại cho Australia doanh thu 133 triệu USD, theo Hiệp hội Công nghiệp Chuột túi của Australia (KIAA).

Do chuột túi phân bổ và di chuyển ở khu vực rộng lớn, rất khó để thống kê chính xác số lượng loài này. Hàng năm, các quan chức bang sẽ dùng trực thăng hoặc máy bay để đếm số lượng cá thể. Đôi khi, họ có thể đếm trực tiếp trên mặt đất. Sau đó, các quan chức sẽ đặt ra hạn ngạch săn bắn cho từng khu vực - ở một số bang không quá 20% và ở Victoria, tỷ lệ này dưới 10%.

Theo thống kê mới nhất, Australia có khoảng 36,5 triệu con chuột túi ở 5 tiểu bang cho phép săn bắn thương mại gồm New South Wales, Queensland, Victoria, Nam và Tây Australia. Hạn ngạch săn bắn chuột túi trong năm nay là 5 triệu con.

Trong những năm gần đây, các thợ săn thường không đạt mức hạn ngạch chính phủ đề ra và chỉ 4% tổng số chuột túi bị loại bỏ, theo các cơ quan chức năng.

Các cuộc săn chuột túi thường diễn ra vào ban đêm, khi các thợ săn chiếu đèn làm con vật mất thị giác tạm thời, trước khi nổ súng. Xác con vật sau đó sẽ được đưa đến một trung tâm xử lý.

Hoạt động này đã vướng phải những ý kiến trái chiều. Một số nhà hoạt động cho rằng, đây là hành động không nhân đạo và vì mục đích thương mại.

Nguồn: Báo điện tử Dân trí




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC