Việc các nhà sản xuất ô tô nước ngoài rút đi do chiến sự Ukraine đã thu hẹp lựa chọn của người tiêu dùng Nga. Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã nhanh chóng lấp vào khoảng trống và người Nga đã đón nhận họ.

1 Nguoi Nga Quan Tam O To Trung Quoc Sau Khi Phuong Tay Roi Di

Ô tô của Hãng Geely (Trung Quốc) tại đại lý ở Matxcơva, Nga, ngày 23-3 - Ảnh: REUTERS

Lấp đầy khoảng trống

Hãng tin Reuters dẫn dữ liệu từ Công ty phân tích Autostat và Công ty tư vấn PPK cho thấy các thương hiệu ô tô Trung Quốc như Haval, Chery và Geely hiện chiếm gần 40% doanh số bán ô tô mới của Nga trong 2 tháng đầu năm, tăng từ mức 9,48% của một năm trước đó.

Trong khi đó, doanh số bán xe hơi của các thương hiệu châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc giảm từ 70% xuống 22,6%.

Đây là mức tăng trưởng ấn tượng xét tới việc con số này chỉ ở mức dưới 10% trong tháng 1 và tháng 2-2022. Các hãng ô tô Trung Quốc đã nhanh chóng chớp lấy cơ hội do các hãng phương Tây như Renault hay Mercedes bỏ lại.

Chuyên gia ngành công nghiệp ô tô Sergey Aslanyan nhận định ô tô Trung Quốc đang dần phổ biến nhưng uy tín với thị trường vẫn chưa cao.

"Họ gần như không còn đối thủ cạnh tranh ở đây nữa - ông Aslanyan nói - Nhưng điều đó không có nghĩa là người tiêu dùng sẽ thay đổi quan điểm nhanh chóng".

Ngày 24-3, cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho biết hợp tác với các nhà sản xuất Trung Quốc là rất tốt và quan điểm về đồ Trung Quốc của người tiêu dùng đã lỗi thời.

"Chúng ta từng cười nhạo một số thiết kế của họ, nhưng tôi đã đi một vòng bằng ô tô địa phương và xem những chiếc xe khác - ông Medvedev kể lại trải nghiệm trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái - Nói thẳng là chiếc xe tôi lái chắc chắn không kém gì một chiếc Mercedes".

Lượng và chất của xe Trung Quốc

2 Nguoi Nga Quan Tam O To Trung Quoc Sau Khi Phuong Tay Roi Di

Ô tô của thương hiệu Trung Quốc Chery bày bán tại đại lý ở Vladivostok, Nga, ngày 22-3 - Ảnh: REUTERS

Các nhà sản xuất ô tô phương Tây đã cạnh tranh tích cực với các nhà sản xuất nội địa để giành thị phần từ đầu những năm 2000. Tuy nhiên, hầu hết họ đã ngừng hoạt động vào mùa xuân năm ngoái, khi xung đột nổ ra tại Ukraine.

"Chúng tôi dành cả đời tập trung vào các thương hiệu châu Âu, Mỹ và Nhật Bản, và đặc biệt không màng tới thị trường Trung Quốc dù thị trường này đã phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc", ông Vladimir Shestak, tổng giám đốc Altair-Auto tại Vladivostok, nơi có đại lý chuyên về các thương hiệu Mercedes-Benz hay Geely, cho biết.

Reuters đã trao đổi với một số người mua ô tô ở Nga, các cá nhân và đại lý, và được nghe rằng chất lượng của một số loại ô tô của Trung Quốc chưa bằng các hãng phương Tây.

Anh Stepan, 28 tuổi, người lái nhiều xe Trung Quốc, cho biết anh không hài lòng về trải nghiệm lái của xe.

"Tôi đã mua một chiếc Skoda vào năm 2022. Nếu bạn muốn nghe lời thật lòng của tôi, sự khác biệt giữa nó và ô tô Trung Quốc là rất lớn", anh Stepan nói với Reuters tại đại lý ô tô ở Matxcơva.

Skoda là thương hiệu ô tô của Czech, là một phần của Tập đoàn Volkswagen. Đây là một trong số những hãng ô tô có dây chuyền sản xuất tại Nga. Nay hãng đang trong giai đoạn cuối của thỏa thuận bán tài sản tại Nga sau lệnh trừng phạt của phương Tây, liên quan đến xung đột Ukraine.

Khi mua chiếc ô tô Trung Quốc mới, ông Alexander, 74 tuổi, tìm mua một chiếc xe có công nghệ Thụy Điển.

"Tôi tin rằng theo thời gian, độ tin cậy sẽ cải thiện - ông Alexander nói - Ví dụ, tôi biết rằng chiếc Tugella của Hãng Geely có động cơ của Volvo".

Tham vọng thống lĩnh thị trường Nga của xe Trung Quốc còn vấp phải một khó khăn khác, là chi tiêu mua xe ở Nga giảm mạnh, tới 58,8% vào năm 2022. Có hai lý do: người dân có mức sống thấp hơn và họ vẫn muốn dùng xe phương Tây nên chọn mua xe cũ.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC