Ủy viên nhân quyền của Hội đồng Châu Âu cho biết tình trạng bạo lực cần phải chấm dứt.

1 Phap Bi Chi Trich Vi Su Dung Vu Luc Qua Muc Doi Voi Cac Cuoc Bieu Tinh

Biểu tình ở Pháp đang diễn biến căng thẳng những ngày qua. Ảnh: AFP

Chính phủ Pháp đã sử dụng vũ lực thái quá đối với những người biểu tình phản đối cải cách lương hưu, vi phạm quyền tự do hội họp và biểu đạt của họ, Ủy viên Nhân quyền của Hội đồng Châu Âu Dunja Mijatovic cho biết hôm 24/3.

Bà Mijatovic mô tả tình trạng của các cuộc biểu tình về lương hưu là "đáng lo ngại", đồng thời nói thêm rằng "các hành vi bạo lực lẻ tẻ của một số người biểu tình không thể biện minh cho việc sử dụng vũ lực quá mức của các cơ quan nhà nước".

"Mặc dù một số sự cố bạo lực đã xảy ra, bao gồm cả việc chống lại cảnh sát, nhưng chúng không đủ để tước đi quyền tự do hội họp của những người biểu tình ôn hòa", bà nói, đồng thời cho biết thêm rằng chính quyền Pháp có nghĩa vụ bảo vệ những người biểu tình ôn hòa và các nhà báo.

"Mặc dù một quốc gia có thể có thẩm quyền sử dụng vũ lực, đặc biệt là để lập lại trật tự, nhưng việc sử dụng đó chỉ được thực hiện như là phương sách cuối cùng, đồng thời cần tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện cần thiết và tương xứng", ủy viên cho biết. "Bạo lực, dù bắt nguồn từ đâu, tuyệt đối không thể được sử dụng như một phương tiện để giải quyết khủng hoảng xã hội và/hoặc chính trị".

Bà Mijatovic kêu gọi chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron tuân thủ các khuyến nghị của Ủy ban từ năm 2019, liên quan đến các cuộc biểu tình 'Áo vàng', cũng như các khuyến nghị do ủy ban nhân quyền Pháp ban hành vào đầu tuần này.

Ủy ban Tư vấn Quốc gia về Nhân quyền (CNCDH) của Pháp cho biết hôm 23/3 rằng trong các cuộc biểu tình kéo dài một tuần, cảnh sát đã "bắt giữ" vô cớ nhiều người biểu tình ôn hòa. CNCDH cho biết việc chỉ có 9 trong số 292 người bị bắt ở Paris vào ngày 16/3 bị buộc tội với bất kỳ tội danh nào cho thấy "việc cảnh sát sử dụng quyền hạn quá mức" để trấn áp các cuộc biểu tình hợp pháp.

Hôm 23/3, các cuộc biểu tình phản đối cải cách lương hưu đã thu hút hơn một triệu người trên khắp nước Pháp. Bỏ qua cơ quan lập pháp, ông Macron đã sử dụng đặc quyền hành pháp để tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64. Mặc dù nhiều tổ chức công đoàn và các đảng đối lập đã lên án biện pháp này, ông Macron vẫn từ chối thay đổi quyết định.

Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin cho biết vào sáng 24/3 rằng gần 450 sĩ quan cảnh sát và hiến binh đã bị thương, trong khi những kẻ bạo loạn đã đốt hơn 900 ngọn lửa trên đường phố. 

Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC