Bên trong một nhà máy sản xuất giày của Pou Chen(Ảnh: Getty)
Làn sóng chuyển dịch sang Ấn Độ và Việt Nam
Trong phần lớn thập kỷ qua, các công ty phương Tây đã tìm kiếm một thị trường thay thế cho Trung Quốc để sản xuất hàng hoá – một sự chuyển dịch mà các lãnh đạo doanh nghiệp gọi là “Trung Quốc + 1”. Nhưng chiến lược này ngày càng trở nên giống Trung Quốc cộng nhiều, thay vì chỉ 1.
Apple, với cơ sở sản xuất rộng lớn ở Trung Quốc, đang nhanh chóng mở rộng sang Việt Nam và Ấn Độ, hai trung tâm sản xuất smartphone mới nổi. Hãng Crocs, cũng chuyển dịch phần lớn dây chuyền sản xuất các mẫu giày nhiều màu sắc từ Trung Quốc sang Việt Nam, gần đây tăng cường tìm nguồn cung từ Indonesia và cả ở Ấn Độ.
Universal Electronics, hãng sản xuất các bộ cảm biến an ninh và thiết bị giải trí gia dụng có trụ sở tại Scottdale (Arizona, Mỹ), đang có kế hoạch đóng cửa 1 trong số 2 xưởng sản xuất của họ tại Trung Quốc, mở rộng cơ sở tại Mexico và khởi động một đơn vị sản xuất mới cách thủ đô Hà Nội không xa.
Một phần nguyên nhân là bởi không một quốc gia đơn nhất nào có thể đáp ứng tất cả hoạt động sản xuất khi rời khỏi Trung Quốc. Việt Nam được nhiều tập đoàn đa quốc gia đánh giá là nước có môi trường kinh doanh thân thiện, nhưng chưa đủ nguồn nhân lực có kỹ năng. Ấn Độ có lực lượng lao động dồi dào, nhưng cơ sở vật chất lại nghèo nàn. Mexico có vị trí sát thị trường Mỹ, nhưng lại cách xa các chuỗi cung ứng linh kiện của Trung Quốc.
Đa dạng hoá, sự chuyển dịch mà một số chuyên gia gọi là “multishoring - đa quốc gia sản xuất/cung ứng”, còn phản ánh một thực tế mới ảm đạm: Thế giới ngày càng trở thành một nơi phức tạp hơn để làm ăn, nếu so với cách đây một thập kỷ.
Nhà máy sản xuất iPhone bên ngoài thành phố Ciudad Juarez, Mexico (Ảnh: Bloomberg)
“Chúng ta đang trong một giai đoạn điên rồ”, Neale O’Connor, vị giáo sư đến từ ĐH Edith Cowan của Australia, chuyên tư vấn về chuỗi cung ứng cho các tập đoàn, nói. “Mục đích là phi tập trung hoá các mối rủi ro để bạn có thể đương đầu với hành động của các chính trị gia”.
Theo báo cáo mà hãng kiểm toán KPMG công bố trong tháng 3, trong đó nghiên cứu 132 công ty, chủ yếu là các công ty đa quốc gia trong danh sách Fortune 500, có đến 2/3 tổng số cuộc đa dạng hoá chuỗi cung ứng của họ tính từ năm 2018 có liên quan tới việc thúc đẩy sản xuất ở nhiều hơn 2 quốc gia. Dưới 1/3 sự chuyển dịch này thúc đẩy sản xuất ở một quốc gia.
Việc mở rộng sản xuất cũng tốn kém chi phí. Các doanh nghiệp phải đi tìm địa điểm mới, đầu tư để đào tạo nhân công và thúc đẩy quan hệ với chính quyền địa phương. Các bên cung ứng mới thường phải đạt được các tiêu chuẩn về chất lượng ở mức chấp nhận được, trong khi tìm nguồn cung ứng ở địa phương cũng là vấn đề đau đầu.
Rủi ro từ các yếu tố địa chính trị
Thế nhưng, các công ty vẫn lao vào quá trình chuyển dịch này.
Khi mới bắt đầu chuyển dịch khỏi Trung Quốc, quan ngại hàng đầu của họ là chi phí. Mức lương ở quốc gia từ lâu đã được coi là “công xưởng của thế giới” đang tăng dần, khiến các doanh nghiệp phải đi tìm những nơi rẻ hơn. Và rồi vào năm 2018, cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh bùng phát, càng khiến cho nhiệm vụ của họ thêm cấp bách.
Trong những năm gần đây, sự bất ổn càng xuất hiện nhiều hơn.
Đại dịch COVID-19 tác động mạnh tới các chuỗi cung ứng. Cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc trở thành thế đối đầu căng thẳng. Bắc Kinh đã trở nên khó đoán hơn đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Chiến sự ở Ukraine là lời nhắc nhở rằng, các cuộc xung đột lớn vẫn có thể bùng phát vào bất cứ lúc nào.
“Mọi chuyện đều tốt, trước khi nó chuyển biến xấu”, Shawn Nelson, CEO của Lovesac, nhà sản xuất nội thất bọc da được niêm yết trên sàn Nasdaq, nói. “Theo tôi, đó chính là điều đang thúc đẩy chúng ta hành động”.
Lovesac có xưởng sản xuất tại Ấn Độ, Malaysia, Indonesia và có kế hoạch mở thêm ở Mexico (Ảnh: Lovesac)
Công ty có trụ sở tại Stamford, Connecticut đã bắt đầu dịch chuyển sản xuất khỏi trung tâm công nghiệp miền Nam Trung Quốc sang Việt Nam sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump áp hàng rào thuế quan với hàng hoá nhập từ Trung Quốc vào năm 2018. Nhưng Lovesac vẫn chưa dừng lại. Ông Nelson tin rằng bất ổn địa chính trị sẽ còn kéo dài.
Vào thời điểm đại dịch khiến Chính phủ các nước đóng cửa biên giới trong năm 2020, Loevsac đang sản xuất ghế sofa ở 2 địa điểm khác là Malaysia và Indonesia, và một số sản phẩm may ở Ấn Độ. Ông Nelson cho hay quyết định đó đã mang lại lợi ích: khi công ty gặp phải sự gián đoạn ở một hoặc thậm chí hai địa điểm sản xuất, họ vẫn không bao giờ bị thiếu hàng.
Hiện nay, Lovesac đang làm việc với các đối tác để thiết lập các nhà máy có mức độ tự động hoá cao ở Mexico và Mỹ. Theo ông Nelson, mục tiêu của công ty là tạo dựng dấu ấn ở Tây bán cầu, cho phép công ty có khả năng thúc đẩy sản lượng nếu khủng hoảng bùng phát ở châu Á.
Gián đoạn do đại dịch
Đối với hãng giày Crocs, nhu cầu mở rộng sản xuất trở nên rõ ràng hơn trong giai đoạn đại dịch. Sau nhiều năm chuyển dây chuyền sản xuất giày ra khỏi Trung Quốc, họ kỳ vọng đạt sản lượng 70% tại Việt Nam trong năm 2021. Nhưng trong mùa Hè năm đó, Việt Nam cũng áp dụng các biện pháp hạn chế để chống dịch.
Crocs buộc phải nhanh chóng chuyển các đơn hàng sang một đơn vị sản xuất nhỏ ở Bosnia và Herzegovina và Indonesia, nơi mà họ đã mở nhà máy thứ hai vào cuối năm 2021. Hiện tại, họ sản xuất khoảng một nửa sản phẩm mang thương hiệu Crocs tại Việt Nam, giảm so với con số 75% trong năm 2020. Công ty này cũng có kế hoạch thiết lập dây chuyền sản xuất ở Ấn Độ.
“Đa dạng hoá nhìn chung là mang lại nhiều lợi ích, trong khi có ít nhược điểm”, Anne Mehlman, giám đốc tài chính của Crocs, nói trong một bức email gửi Wall Street Journal. Bà cho hay, do khó có thể lường được các sự kiện vĩ mô toàn cầu nên có một cơ sở sản xuất đa dạng sẽ hỗ trợ rất nhiều. Sản phẩm chính của Crocs chỉ bao gồm 3 thành phần nên họ có thể dễ dàng tăng sản lượng ở các địa điểm mới.
Apple đã mở rộng sản xuất sang Ấn Độ, nơi mà họ có hàng chục nhà cung ứng (Ảnh: Reuters)
Trường hợp của Apple mặc dù phức tạp hơn nhiều, nhưng nhà sản xuất iPhone vẫn nỗ lực đa dạng hoá. Các nhà cung ứng của Apple tại Ấn Độ đã tăng từ 7 trong năm 2018 lên 14 trong năm 2022. Theo ước tính của JPMorgan, đến năm 2025, Ấn Độ sẽ sản xuất ¼ tổng lượng iPhone của toàn cầu.
Cũng trong khoảng thời gian 4 năm đó, các nhà cung ứng của Apple tại Việt Nam, những bên sản xuất tai nghe và các thiết bị khác, đã tăng từ 14 lên 25. Công ty này cũng tăng chi tiêu với các hãng cung ứng ở châu Âu thêm hơn 50% kể từ năm 2018.
Động lực đa dạng hoá vẫn lớn
Nhà sản xuất giày lớn nhất thế giới, Pou Chen, trong suốt nhiều năm đã chia dây chuyền sản xuất thành 3 địa điểm là Trung Quốc, Việt Nam và Indonesia. Nhưng hiện tại, họ đang tiếp tục mở rộng nhiều hơn. Một quản lý của hãng tại nhà máy ở Việt Nam nói rằng, các thương hiệu giày thể thao lớn của phương Tây từng đặt hàng họ đã hối thúc Pou Chen thiết lập thêm cơ sở ở Bangladesh và Ấn Độ.
Hãng sản xuất giày đến từ Đài Loan (Trung Quốc) này, chuyên cung cấp cho Nike và Adidas, sẽ thiết lập một cơ sở sản xuất tại bang Tamil Nadu, Ấn Độ với nguồn vốn đầu tư 280 triệu USD, một cơ quan chính quyền địa phương công bố trong tháng 4. Đầu tháng đó, cơ quan này cho hay họ sẽ trao cho một nhà thầu đóng giày Đài Loan 130 hecta đất để xây dựng nhà máy, dự kiến sẽ tạo thêm 20.000 việc làm.
Ngày càng có thêm nhiều doanh nghiệp nước ngoài chuẩn bị kế hoạch B, sau khi rút dần khỏi Trung Quốc (Ảnh: SCMP)
Một số chuyên gia phân tích cho rằng lãi suất cao và nền kinh tế toàn cầu trì trệ sẽ buộc các doanh nghiệp phải từ bỏ mục tiêu đa dạng hoá tham vọng, bởi các giám đốc tài chính lo ngại về các khoản chi tiêu như xây nhà máy mới.
“Trong nhiều trường hợp, tinh thần họ thì sẵn sàng, nhưng thể chất lại có thể yếu ớt”, Chris Rogers, giám đốc nghiên cứu chuỗi cung ứng tại S & P Global Market Intelligence, cho hay.
Ông Nelson, đến từ Lovesac, cũng thừa nhận những khó khăn như vậy. Việc mở rộng sản xuất ra toàn châu Á cần phải có nhiều sự điều chỉnh để thích ứng với độ ẩm khác biệt trong khu vực, yếu tố có thể tác động đến loại gỗ mà họ sử dụng. Nhân công địa phương cũng cần phải được đào tạo từ con số 0 cũng là một thách thức đáng kể.
Thách thức lớn nhất trong việc chuyển dịch về phía Tây chính là nguyên liệu thô, như hàng dệt may và hạt nhựa, theo ông Nelson. Ông mong muốn các nhà máy của ông ở Bắc Mỹ sẽ lấy được thành phần cấu thành sản phẩm từ chính khu vực này. Nhưng nhiều thành phần mà Lovesac cần lại khó có thể được sản xuất ở Tây bán cầu, và nếu có thì sẽ đắt hơn từ 50 – 100%, như vậy sẽ đẩy giá thành sản phẩm lên cao.
Nelson cho hay ông đã tự hỏi bản thân rằng liệu các nhà máy ở nhiều nước châu Á như vậy đã đủ hay chưa. “Tôi không dám chắc, và đó là lý do tại sao chúng tôi sẽ không dừng lại”, ông nói về động lực đa dạng hoá của Lovesac./.
Theo Wall Street Journal