Châu Âu chia rẽ vì vụ cựu điệp viên Skripal bị đầu độc; Nga không chấp nhận thông tin nặc danh về gian lận bầu cử… là những tin đáng chú ý đầu ngày 24/3.

Gần 50 người thương vong trong vụ đánh bom xe tại Afghanistan. 

Ngày 23/3, một vụ nổ đã làm rung chuyển thành phố Lashkar Gah thuộc miền Nam Afghanistan, khiến hàng chục người thương vong khi họ rời khỏi sân vận động sau trận đấu vật.

Tin nóng thế giới ngày mới 24/3:  Châu Âu chia rẽ vì vụ cựu điệp viên Skripal bị đầu độc - 0

Một vụ đánh bom tại Afghanistan. 

"Một vụ nổ bom xe đã xảy ra tại cửa ra vào của sân vận động thể thao tại quận Cảnh sát thứ nhất của thành phố Lashkar Gah", người phát ngôn cảnh sát tỉnh Helmand cho biết.

Trong khi đó, Omar Zwak, người phát ngôn của Thống đốc tỉnh Helmand nói rằng ít nhất 10 người thiệt mạng và 37 người khác bị thương.

Ông Martin Vizcarra trở thành tân Tổng thống Peru. Ngày 23/3, Quốc hội Peru đã làm lễ tuyên thệ cho ông Martin Vizcarra tân Tổng thống nước này, sau khi cựu Tổng thống Pedro Pablo Kuczynski đệ đơn từ chức trước đó hai ngày. Ông Martin Vizcarra trở thành Tổng thống quốc gia Nam Mỹ tới năm 2021.

Ông Martin Vizcarra, 55 tuổi, là kỹ sư xây dựng. Trước khi trở thành Tổng thống, ông là phó Tổng thống và Đại sứ của Peru tại Canada. Trước đó cùng ngày, Quốc hội Peru đã chính thức thông qua miễn nhiệm ông Kuczynski với 105 phiếu thuận, 11 phiếu chống và 4 phiếu trắng.

Châu Âu chia rẽ vì vụ cựu điệp viên Skripal bị đầu độc. Châu Âu đã cho thấy phần nào sự chia rẽ trong các cáo buộc Nga phải chịu trách nhiệm trong vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal và con gái tại thành phố Salisbury của Anh.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Angela Merkel, ngày 23/3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nêu rõ Paris và Berlin nhìn nhận vụ tấn công này như "một thách thức nghiêm trọng với an ninh và là một đòn tấn công nhằm vào chủ quyền châu Âu".

Tin nóng thế giới ngày mới 24/3:  Châu Âu chia rẽ vì vụ cựu điệp viên Skripal bị đầu độc - 1

Nhà lãnh đạo Đức Thủ Tướng Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Ông Emmanuel Macron cũng kêu gọi EU và các quốc gia thành viên kiên định trong cách phản ứng với vấn đề. Hầu hết các lãnh đạo EU đều đồng thuận với những biện pháp mà Anh đã thực hiện nhằm vào Nga.

Trong khi đó, một số quốc gia như Hy Lạp hay Italy, không đồng tình rằng Nga là quốc gia phải chịu trách nhiệm.

Nga không chấp nhận thông tin nặc danh về gian lận bầu cử. Chủ tịch ủy ban bầu cử trung ương Nga (SIK) Ella Pamfilova tuyên bố cuộc bầu cử Tổng thống Nga ngày 18/3 vừa qua diễn ra công khai, minh bạch, tự do và cạnh tranh theo tất cả các thông số chính.

Đồng thời, vị Chủ tịch này cũng nêu rõ những thông tin nặc danh về gian lận bầu cử không được chấp nhận.

"Kết quả cuộc bầu cử đã được xã hội chúng tôi và các tổ chức quốc tế công nhận. Cuộc bầu cử diễn ra cạnh tranh, minh bạch, đúng luật, còn kết quả được kiểm một cách chính xác”, bà Pamfilova nhấn mạnh tại buổi họp của SIK hôm 23/3.

Tổng thống Trump được khuyên trục xuất các nhà ngoại giao Nga. Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ ngày 23/3 có một cuộc họp tại Nhà Trắng để thảo luận các biện pháp chống lại Nga, liên quan đến vụ cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal và con gái bị đầu độc ở Anh hồi đầu tháng, CNN dẫn lời các quan chức thuộc bộ Ngoại giao và những nguồn tin am hiểu vấn đề cho hay. Hội đồng dự kiến sẽ đề nghị Tổng thống Mỹ Donald Trump trục xuất một số nhà ngoại giao Nga để phản ứng với vụ việc.

Mỹ, Anh cùng một số nước phương Tây khác cáo buộc Nga đứng sau vụ ám sát cựu điệp viên Skripal song Moscow phủ nhận mọi cáo buộc, khẳng định tất cả các kết luận được đưa ra đều phải có bằng chứng cụ thể, xác đáng.

 

Nguồn: Đ.V (Tổng hợp)

Người đưa tin




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC