Tổng thống Zelensky không đả động đến chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến Nga – chi tiết này, theo đánh giá của các nhà phân tích đã làm sáng tỏ cách tiếp cận thận trọng của nhà lãnh đạo Ukraine đối với Trung Quốc.

Vài giờ sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kết thúc bữa tiệc chiêu đãi cấp nhà nước do Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì ở Điện Kremlin, Nga đã thực hiện vụ tấn công sử dụng loạt máy bay không người lái nhằm vào một thị trấn phía Nam thủ đô Kiev.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngay lập tức lên án vụ tấn công này bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất.

Tuy vậy, có một điểm đáng chú ý đó là ông Zelensky không đả động đến chuyến thăm của ông Tập đến Nga – chi tiết này, theo đánh giá của các nhà phân tích đã làm sáng tỏ cách tiếp cận thận trọng của nhà lãnh đạo Ukraine đối với Trung Quốc.

1 Ukraine Coi Trung Quoc La Nguoi Choi Chinh Co The Giup Giai Quyet Xung Dot Voi Nga

Từ trái qua: Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: SBS.

Yurii Poita, một chuyên gia về quan hệ Trung Quốc-Ukraine tại Mạng nghiên cứu địa chính trị mới có trụ sở tại Kiev nêu quan điểm: “Tất nhiên, Ukraine đã theo dõi chặt chẽ các họp giữa lãnh đạo Nga và Trung Quốc. Việc ông Tập tới Moscow để bày tỏ mối quan hệ tốt đẹp với ông Putin không phải là tin tốt cho Ukraine”.

Theo ông Poita, lo lắng là có thật nhưng ông Zelensky rất khó để công khai điều đó. “Đối với Ukraine, điều quan trọng là không làm tình hình trở nên tồi tệ hơn trong mối quan hệ với Trung Quốc. Tại sao phải chọc giận Bắc Kinh khi đang còn đối phó với Moscow?”, chuyên gia Poita đặt câu hỏi.

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, giới chức ở Kiev đã tránh chỉ trích công khai Trung Quốc, bất chấp việc nước này cung cấp huyết mạch kinh tế cho Nga giữa bối cảnh Moscow hứng chịu các biện pháp kiềm tỏa của phương Tây. Các dữ liệu thương mại cho thấy, bằng con đường trực tiếp hoặc gián tiếp, Trung Quốc đã cung cấp số lượng lớn nguyên liệu thô và chip máy tính cho Nga sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine.

Trong khi ông Zelensky không tiếc lời chỉ trích Hungary và thậm chí cả Đức vì mối quan hệ của họ với Nga, thì Ukraine vẫn chính thức khẳng định rằng mối quan hệ của họ với Trung Quốc đại diện cho “quan hệ đối tác chiến lược”. Trong nỗ lực để tránh làm mất lòng Bắc Kinh, Kiev năm ngoái đã bỏ phiếu trắng trong một cuộc bỏ phiếu ở Liên Hợp Quốc liên quan đến vấn đề người Duy Ngô Nhĩ.

Cũng vào mùa hè năm ngoái, khi trả lời phỏng vấn South China Morning Post, ông Zelensky đã kêu gọi Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng kinh tế và chính trị để yêu cầu Nga chấm dứt xung đột. “Trung Quốc là một siêu cường kinh tế, một nước có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ. Vì vậy, họ có thể gây ảnh hưởng đến chính trị và kinh tế Nga. Thêm vào đó, Trung Quốc còn là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”.

Kỳ vọng của Ukraine vào Trung Quốc

Tháng trước, Trung Quốc đã đưa ra đề xuất giải pháp chính trị 12 điểm để giải quyết xung đột Nga – Ukraine. Bản đề xuất này chủ yếu nhắc lại các luận điểm của Bắc Kinh về xung đột ở Ukraine với lời kêu gọi đối thoại, tôn trọng chủ quyền của hai bên và chấm dứt các biện pháp trừng phạt kinh tế, kêu gọi tất cả các bên tránh leo thang hạt nhân…

Các quan chức ở Washington và đồng minh của họ cho rằng, đề xuất hòa bình của Trung Quốc sẽ hợp pháp hóa việc Nga giành lãnh thổ Ukraine thông qua vũ lực, đồng thời cho Moscow thêm thời gian để chuẩn bị cho các cuộc tấn công mới.

Đáng chú ý, “người trong cuộc” – Tổng thống Ukraine Zelensky lại tỏ ra kiềm chế hơn. “Tôi tin rằng việc Trung Quốc bắt đầu nói về Ukraine không phải là điều xấu. Nhưng câu hỏi là điều gì sẽ xảy ra sau đó”, ông Zelensky nói với phóng viên sau khi Trung Quốc công bố đề xuất hòa bình.

“Tôi nghĩ rằng một số đề xuất của Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế và tôi nghĩ chúng ta có thể làm việc với người Trung Quốc. Tại sao lại không? Mục tiêu của chúng tôi là tập hợp nhiều người hơn đứng bên chúng tôi để cô lập Nga. Chúng tôi muốn có cuộc gặp với phía Trung Quốc”, nhà lãnh đạo Ukraine cho biết.

Nhưng cũng kể từ đó, Kiev đã tách mình ra khỏi kế hoạch hòa bình bằng cách nhắc lại lập trường chính thức rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng sẽ phụ thuộc vào việc khôi phục hoàn toàn lãnh thổ của Ukraine.

“Công thức thực hiện thành công ‘Kế hoạch hòa bình’ của Trung Quốc. Điểm đầu tiên và quan trọng nhất là Nga phải đầu hàng hoặc rút toàn bộ lực lượng chiếm đóng”, ông Oleksiy Danilov, thư ký của hội đồng quốc phòng và an ninh quốc gia Ukraine, viết trên Twitter hôm 20/3.

Bất ngờ đến ngày 22/3, Ukraine lại thông báo đã chuyển kế hoạch hòa bình tới Trung Quốc một cách công khai và qua các kênh ngoại giao cũng như đang chờ đối thoại.

"Chúng tôi đã chuyển kế hoạch hòa bình của mình và gửi lời mời tham gia vào kế hoạch này tới Trung Quốc cả công khai và qua các kênh ngoại giao. Chúng tôi đã mời Trung Quốc đối thoại và đang chờ câu trả lời", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida.

Giờ đây, các nhà quan sát sẽ theo dõi chặt chẽ xem liệu cuộc gọi theo kế hoạch của ông Tập với ông Zelensky có diễn ra hay không.

Trong một diễn biến đáng chú ý, tờ Nhân dân nhật báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc tuần này đã nhắc đến Tổng thống Ukraine Zelensky lần đầu tiên kể từ tháng 10/2022, theo nhóm nghiên cứu Dự án Truyền thông Trung Quốc.

“Ukraine vẫn hy vọng rằng Trung Quốc có thể đóng một vai trò nào đó trong tương lai”, một nhân vật thân cận với chính quyền Kiev cho biết. “Đó là người chơi chính duy nhất vào thời điểm này có đòn bẩy thực sự đối với Nga. Sẽ là khôn ngoan nếu giữ cho cuộc đối thoại này cởi mở”./.

Hùng Cường

Nguồn: vov.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC