Dịch sách để giữ gìn tiếng Việt Dịch giả Lê Chu Cầu, hiện sống và làm việc ở Đức, tâm sự, việc chuyển ngữ nhiều tác phẩm văn học lớn của thế giới đơn giản là cách để ông chia sẻ thú vui thưởng thức những cuốn sách đáng đọc và giữ tiếng Mẹ đẻ cho mình. 

- Nhiều năm trở lại đây, độc giả được làm quen với nhiều tác phẩm văn học nước ngoài do dịch giả Lê Chu Cầu chuyển ngữ. Xin ông cho biết, ông bắt đầu công việc này như thế nào và điều gì khiến ông say mê như vậy?

- Việc dịch sách của tôi cũng ngẫu nhiên thôi. Giữa những năm 1980, biết tôi thích đọc truyện, một đồng nghiệp đã giới thiệu quyển Das Parfum của nhà văn Đức Patrick Süskind. Một tác phẩm thật độc đáo. Tôi đọc say mê và mong sẽ có dịp giới thiệu với độc giả trong nước. Năm 1999, nhờ có anh bạn ở Đức về làm việc tại TP HCM giới thiệu, NXB Đà Nẵng nhận giúp xin giấy phép, phần chúng tôi lo chi phí và tìm cơ quan in ấn, sau đó nhờ bè bạn đem ký gửi, bản dịch Mùi Hương mới được ra mắt bạn đọc. Không rõ bấy giờ quyển này có tiếng vang nào chăng, riêng tôi được bè bạn khuyến khích, bèn hứng khởi dịch nữa. Sau này, nhờ liên hệ với anh Đoàn Tử Huyến ở Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, nơi có chương trình giới thiệu văn học Âu Mỹ đương đại, nên đôi ba bản dịch tiếp theo của tôi được thuận buồm xuôi gió. Nếu không có sự hỗ trợ này hẳn duyên nợ của tôi với việc dịch sách chỉ phù du thôi. Còn điều gì đã khiến tôi say mê công việc này ư? Đơn giản lắm: để nhiều người cùng chia sẻ thú vui được thưởng thức một tác phẩm văn học đáng đọc, dù cổ điển hay đương đại.

- Ông dịch sách không chỉ từ một thứ tiếng, nhờ đâu ông có được vốn ngoại ngữ đặc biệt này?

- Sinh ngữ chính lúc tôi học trung học ở Việt Nam là Pháp văn, nay vẫn còn nhớ đôi chút. Anh văn là sinh ngữ phụ, nhưng phải dùng khá thường trong công việc chuyên môn nên tôi tự học thêm qua sách báo. Vả lại khi dịch, thỉnh thoảng tôi vẫn phải tra cả ba từ điển Đức, Anh, Pháp để tìm được nghĩa vừa ý. Thế cũng là một cách hay để trau dồi.

- Nghề nghiệp chính của ông là kỹ sư công nghiệp, vậy hoạt động dịch thuật đóng vai trò như thế nào trong cuộc sống của ông hiện nay?

- Là  kỹ sư công nghiệp nhưng tôi thích đọc sách, đủ loại, chứ không riêng văn học. Khi thử dịch quyển truyện đầu tiên, Mùi hương, gặp vô vàn khó khăn vì thiếu vốn từ vựng về tên các loại thảo mộc, thiếu kinh nghiệm chuyển đổi từ cú pháp ngoại ngữ sang cú pháp tiếng Việt, tôi mới nghiệm ra rằng cứ tưởng đã  nắm vững tiếng mình tiếng người, nhưng thực ra không phải thế. Số lượng từ cần để sử dụng trong cuộc sống thường ngày vốn khá giới hạn, mà từ vựng trong văn chương sách báo thì phong phú, nếu không trau dồi e tiếng mẹ đẻ sẽ què quặt, còn vốn liếng tiếng người nếu ít dùng cũng sẽ rơi rụng ít nhiều. Việc dịch do đó với tôi còn là một cách giữ gìn tiếng mẹ đẻ cho riêng mình trong hoàn cảnh sinh sống ở nước ngoài.

- Trong các cuốn sách đã dịch, ông thích nhất cuốn nào, và tại sao?

- Là người dịch, thật khó trả lời thích quyển nào nhất, vì mỗi bản dịch đều mang công sức của mình, dù nó được dư luận hoan nghênh nhiều hay ít. Song, trong số những quyển đã phát hành, có thể kể tới: Mùi Hương vì nó độc đáo, Nhà Giả Kim vì triết lý của nó, Người Thầy, quyển tự truyện về 30 năm giảng dạy của một nhà giáo Mỹ, đáng được các nhà giáo mang sứ mạng "trồng người" cao cả ở nước ta để mắt đến và Cuộc Chiến Khuy Cúc vì sự hồn nhiên của các cậu bé trong truyện.

- Có những dịch giả chỉ dịch được một số loại sách tự cảm thấy phù hợp với mình, nhưng sách dịch của ông rất đa dạng, từ sách trẻ em cho đến sách người lớn, từ những cuốn sách viết theo lối rất hiện đại đến những cuốn có màu sắc cổ tích... Khó khăn của ông khi dịch những tác phẩm viết theo nhiều xu hướng khác nhau này là gì?

- Người ta ví von văn học, nghệ thuật là món ăn tinh thần. Như thế đương nhiên có người thích "món" này, kẻ chuộng "món" khác. Tôi tham nên ôm đồm, thế thôi. Còn về khó khăn khi dịch, chắc chắn có chứ. Song không phải do nhiều xu hướng khác nhau của các tác phẩm, mà vì vốn liếng ngoại ngữ lẫn tiếng Việt của tôi hạn chế.

- Được biết bản dịch mới đây của ông là Siddhartha của tác gia Đức đoạt giải Nobel Văn học Hermann Hesse. Tác phẩm này từng có bản dịch tiếng Việt trước năm 1975, xin cho biết tại sao ông chọn dịch và bản dịch mới này có gì khác so với bản dịch đã có?

- Việc dịch lại Siddhartha của Hermann Hesse không phải do tôi đề xuất. Ở miền Nam, tác phẩm này được nữ dịch giả Phùng Khánh chuyển ngữ từ tiếng Anh năm 1965, mang tựa đề Câu Chuyện Dòng Sông. Một bản dịch nổi tiếng, đã tái bản nhiều lần, ngay cả những năm gần đây! Năm 2004, trên một trang Web, chị Thái Kim Lan, một dịch giả ở Đức, cho biết được cố ni sư Thích nữ Trí Hải (pháp danh của dịch giả Phùng Khánh khi xuất gia) ủy thác hiệu đính quyển Câu Chuyện Dòng Sông từ nguyên tác tiếng Đức, bổ khuyết những chỗ dịch giả Phùng Khánh đã tự ý bỏ vì thấy "không hợp, không hay". Tháng 11-2008, được Nhã Nam đề nghị, tôi giới thiệu ngay tới chị Kim Lan. Song có lẽ vì bận rộn, chị chưa thực hiện được việc hiệu đính hằng ấp ủ này. Nên tôi mới nhận lời. Bản dịch mang tên Siddhartha của tôi hẳn phải khác Câu Chuyện Dòng Sông. Có bao nhiêu bản dịch từ cùng một tác phẩm gốc hẳn có bấy nhiêu dị bản, vì cách hiểu, cách diễn đạt và câu chữ khác nhau. Bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu chỉ tám câu mà đã có bao cách hiểu và dịch. Điểm khác nữa: tôi thêm phần chú thích giản lược, mong giúp bạn đọc nào còn xa lạ với đạo Phật có được đôi chút ý niệm về một số điều của tôn giáo này. Song, điều chính yếu: tư tưởng của Hesse vẫn là tư tưởng của Hesse.

- Ông chuẩn bị cho việc dịch Siddhatha thế nào?

- Mươi năm qua, tôi đã đọc bản gốc Siddhatha lẫn Câu Chuyện Dòng Sông không biết bao nhiêu lần. Nó là một trong vài quyển tôi thường đọc đi đọc lại. Gần gũi với người Á Đông mà. Cho nên khi nhận dịch lại tác phẩm này tôi không gặp khó khăn mấy. Câu Chuyện Dòng Sông đã giúp tôi rút ngắn được rất nhiều thời gian: đỡ phải mầy mò với một số thuật ngữ Phật học. Tất nhiên vẫn phải tìm thêm, vì đôi chỗ tôi hiểu hơi khác cố dịch giả Phùng Khánh. Còn phần chú thích nữa. Nếu không tìm được trong tủ sách gia đình hay trên mạng, tôi nhờ anh bạn cư sĩ Nguyễn Tường Bách. Tôi gửi anh Bách bản thảo nhờ góp ý về những thuật ngữ - nếu không chính xác – và viết lời giới thiệu. Anh Bách là nhà nghiên cứu Phật học, đồng tác giả quyển "Từ điển Phật học", đã trước tác và dịch nhiều tác phẩm liên quan đến đạo Phật. Tôi dịch quyển này hết bao lâu ư? Khoảng ba tháng gì đấy. Được thế là nhờ những điều vừa kể.

Anh bạn Nguyễn Tường Bách đã nhận xét trong Lời giới thiệu rằng "với Siddhatha người ta sẽ cảm nhận như đọc một cuốn kinh Đại thừa". Còn gì thú vị hơn nếu qua tác phẩm này của Hesse ta có thể "thấm" kinh Phật một cách nhẹ nhàng và sâu lắng hơn bao bài giảng khô khan thường khó lĩnh hội!

- Ông có dự định gì cho việc dịch thời gian tới?

- Bao lâu tôi còn ham thích dịch và còn được in thì cứ dịch. Mới đây tôi được đề nghị quyển Lord of the Flies, sáng tác năm 1954 của nhà văn Anh William Golding, Nobel Văn học 1983, trăn trở quanh hai chữ Thiện-Ác của con người.

- Ông và dịch giả Bùi Văn Nam Sơn là bạn thân. Dịch giả Bùi Văn Nam Sơn đã nổi tiếng là người chuyển ngữ những tác phẩm triết cổ điển Đức quan trọng. Còn số lượng dịch phẩm của ông, đa số là văn học, cũng đã đạt đến một số lượng lớn với chất lượng không thể nghi ngờ. Đều dịch tiếng Đức là chính, lại là bạn thân, hai ông có phải là một "cặp bài trùng" ở hai lĩnh vực, và có đặt ra một "sứ mệnh" nào đó trong nghiệp dịch thuật?

- Như đã nói, tôi đến với việc dịch thuật là do lòng yêu tiếng Việt và văn chương nói chung. Do hoàn cảnh sống ở nước ngoài nên yêu thêm văn học thế giới. Do hay đọc sách đủ mọi thể loại nên muốn đóng góp phần mình vào việc phổ biến tri thức nói chung.

Trường hợp anh Bùi Văn Nam Sơn thì khác, anh học và nghiên cứu triết từ sau Tú tài, kết quả nhiều năm dùi mài "kinh sử" của anh là một công trình đồ sộ đầy tâm huyết. Đúng là một công trình để đời, nhất là phần chú giải, thật sự làm giàu cho nền học thuật nước nhà. Anh Sơn chắc chắn có kế hoạch cho cả đời, tôi nghĩ thế. Mong anh bạn tôi đủ thì giờ và sức khoẻ để dịch và chú giải hết bộ sách mười mấy, hai chục quyển của Hegel, và vài triết gia khác nữa. Anh Sơn là một người uyên bác trên nhiều lĩnh vực, lại thông thạo cả chữ Hán, nên tôi vẫn thường tham vấn để tránh chữ "tác" đánh ra chữ 'tộ'".

Riêng tôi không tự đặt ra một "sứ mệnh" nào để gánh vác mà chỉ mong đóng góp phần khiêm nhường của mình vào việc bảo tồn và làm phong phú ngôn ngữ cũng như sinh hoạt văn học của người Việt.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Kiều Mai

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC