Ông Toản nóng ruột chờ tiếng then cổng kêu lạch xạch. Bình thường, chừng mười giờ sáng là con gái ông đã tới, thay giặt cho mẹ, chợ búa và nấu nướng cho cả hai ông bà. Chừng độ hai tiếng mới về tiếp với chồng chuyện hàng họ.

Hôm nay cô con gái đến có phần chậm hơn mọi lần. Thế nhưng lúc cô con tới ông Toản chẳng hề lộ vẻ vui mừng, vẫn giữ vẻ mặt lầm lầm sẵn sàng nổi cáu y như mọi ngày. Ông đi ra đi vào, lúc cảu nhảu con gái không chịu mạnh tay vặn chặt vòi nước để nước rỏ tong tỏng, lúc lầm bầm vì xoong thịt kho bị trào. Cô con gái loay hoay bên giường mẹ không đáp lời bố. Chỉ có đứa cháu gái ông Toản mới sáu tuổi chơi một mình ngoài sân là bối rối. Mọi hôm, tụt từ trên xe xuống là nó rađứng áp mặt vào song chắn hàng rào nhìn xe chạy từ Hùng Vương lên từ Tao Ðàn xuống. Như nước. Suốt ngày. 

Sát lề đường là một con bé bán thuốc lá chắc chỉ gấp đôi tuổi nó. Dựa lưng vào hàng rào là bà bán chôm chôm nhà trong hẻm. Từ đầu mùa bà đã có lời với ông Toản xin ngồi nhờ lấy chỗ cho xe từ Lái Thiêu lên đổ. Thấy con bé to hó mắt nhìn ra, bao giờ bà cũng dúi cho nó vài quả. Chẳng biết vì nó xinh ngoan hay vì ông nó tuy bằng lòng cho bà ngồi nhưng mặt lúc nào cũng như đâm lê. Hôm nay, thấy hai mẹ con con bé phóng xe ào vào sân, nhưng không thấy gương mặt nhỏ và cái mũi chun áp giữa hai song chắn. Con bé một mình trong sân phát hoảng vì vẻ cáu bẳn hơn mọi ngày của ông, cứ lân la bên cửa chờ mẹ ra để gạ mẹ về. 

Nó không biết rằng ông nó cũng sốt ruột y như nó. Thế nhưng lúc con gái bê chậu quần áo mới thay cho mẹ ra thì ông Toản lại lúng túng. Tới tận lúc đứa cháu đã trèo tót lên xe ngồi sau lưng mẹ, mặt mũi tươi tỉnh, mau mắn "cháu chào ông cháu về", ông Toản mới bảo con: "Mai mày về sớm làm cho bố một mâm cơm cúng." Quen với trái chứng của ông Toản từ thời ông còn mạnh chân khỏe tay, còn chưa hưu, vậy mà cô con gái cũng phải ngạc nhiên. Bố mẹ cô có hương khói bao giờ. Lông mày cô con nhướn lên. Ông Toản vội vàng: "Chiều mai bố sang bên chị Mai chị Hạnh. Các chị ấy vừa qua mời... Bố muốn thắp hương trước cho bác." 

Cô chỉ có một ông bác. Anh ruột bố cô. Cô gặp ông nhiều lần sau giải phóng. Rồi ông đi Mỹ. Và chết sau khi tới Mỹ ít ngày. Cái chết ấy phần nào cũng đã được báo trước nên cũng không gây xáo trộn gì đáng kể trong gia đình cô. Bà bác gọi điện về. Ông Toản buông máy, mặt không biểu lộ gì quay về phía giường vợ nói gọn: "Bác Hiến". Mẹ cô bảo cô giúp bà xoay mình. Từ nhà bố mẹ về, cô rẽ chợ Cũ mua đồ mang tới nhà anh chị thắp hương cho bác. Cô biết rằng đó là việc bố mẹ không quen làm. 

Thế nên cô ngạc nhiên khi về nhà bố mẹ vào hôm sau. Cái bàn viết đặt ở đầu giường ông Toản đã được dọn sạch. Sách báo chồng đống dưới gầm. Cả cái rađio. Cả telephôn. Ông Toản ra đỡ xe cho con bỏ đồ ra khỏi giỏ, bảo: "Mày lo cho mẹ rồi làm cơm hộ bố. Hoa quả để đó bố rửa cho." Ông Toản chỉ bình tĩnh được khi có mặt con gái. Lúc bê đĩa hoa quả đặt lên bàn, ông lính quýnh đánh đổ làm dập mất mấy quả na. Con gái ông nhanh trí mua về một bát hương đổ đầy gạo đặt lên bàn cho bố. Ông Toản thắp hương rồi đứng lặng. Cả đời ông chưa một lần cúng bái đúng kiểu. Ông không biết hồn anh có về? Cái mà ông cảm nhận rõ nhất là mùi thức ăn mới nấu lẫn trong mùi khói hương. Thân thuộc quá. Xa lạ quá. Ông lầm rầm khấn: "Anh về với bố mẹ rồi. Em với nhà em chắc cũng sắp theo về. Hôm nay các cháu làm giỗ anh bên nhà. Anh sống khôn chết thiêng về với các cháu... về với vợ chồng em." 

*** 

Nhà ông Toản có ba chị em. Bà chị đầu lấy chồng sớm, hồi kháng chiến vẫn ở Hà Nội làm ăn. Ông Hiến lúc đó cũng đã vợ con đi Nam tiến. Mình ông Toản lên Việt Bắc. Chín năm sau cả nhà gặp lạI nhau. Bà cụ mừng vì thêm cháu, tủi vì con trưởng biệt tăm tích. Bà chị dâu một tối đến tìm ông Toản cuống quýt: "Chú ơi, có tin anh. Anh đi tập kết ra tới Huế thì ốm nặng." Hai chị em tính toán một đêm. Ông vào phòng trong bảo vợ đưa hết tiền có trong nhà cho chị. Và hôm sau lên nhà đón mẹ với hai đứa cháu gái về. 

Ðứa út sáu tuổi bà Hiến đặt ngồi trong một cái thúng. Cái thúng kia bà để quần áo gạo mắm và cả bảy thang thuốc bắc cho chồng. Rồi ghé vai quảy hai cái thúng lên đường. Ðưa con dâu đi, bà mẹ ông Toản khóc. Nhưng ông Toản không thấy bùi ngùi. Ðỡ chị đưa cháu lên tàu xuống Hải Phòng, ông về thẳng cơ quan. Không có một điềm gì báo trước cuộc chia ly đó sẽ kéo dài. 

Sau này ông Toản biết bà chị vào tới Huế không trắc trở gì. Nhưng ông Hiến thì đuối lắm. Chồng phảI chăm hơn chăm thằng con út lên sáu. Bà Hiến không bối rối lâu. Chín năm gồng gánh mẹ già con dại đi tản cư đã biến đổi bà. Cô gái Hà thành xưa tóc cặp lửng sau lưng đi guốc phi mã mặc áo kép bên ngoài áo dài Lơ Muya theo chồng đi cầu lộc ở Trấn Ba Ðình đêm giao thừa đã thành người vợ tảo tần và quyết đoán. Bà mặc áo cánh, búi tóc cho gọn, dồn vốn xoay xỏa thuê một chái nhà ngồi tráng bánh cuốn nóng, nuôi chồng, nuôi con, nuôi mình, chờ ngày chồng khỏe để theo chân anh em ra bắc với hai đứa con còn để lại. Chất Hà Nội năm xưa bà chỉ còn cố giữ qua lối búi tóc lộn trễ đằng sau gáy nom dịu dàng uể oải. Ngày bà Hiến mong chờ không tới kịp. Ðến lúc ông Hiến khỏe lại, ông chỉ còn có thể đưa con với vợ ngược vào Sài Gòn. Vốn liếng to nhất là thằng con lúc đó đã mười tuổi và hy vọng vào tình người di cư đồng cảnh. 

*** 

Hai mươi năm sau gặp lại, ông Toản biết về gia cảnh ông anh chủ yếu qua bà chị dâu. Ông Hiến không trở lại được đời công chức như thời còn ở Hà Nội. Ông bà buôn tần bán tảo, có một xưởng dệt len. Những cái áo len Sài Gòn hàng chợ mơ ước của bao nhiêu đứa con gái Hà Nội như hai đứa con gái ông Toản sau bảy lăm đã là đầu mối của những ngần ngại và sau đó là những cãi vã giữa hai anh em. Ông Toản không đến thăm anh chị ngay mặc dù ông được biệt phái vào Sài Gòn từ những ngày đầu sau giải phóng. Ông mừng vì anh chị và các cháu lại được sum vầy. Nhưng ông ngại anh chị cho mình ngõi của ngõi nả. Ông ngại vì ngần ấy năm sau khi đứt thư từ ông không biết anh chị sống thế nào. Chính bà Hiến đến tìm ông: "Chú! Sao chú vào mà không đến anh chị?" Bà khóc: "Chú đừng ngại gì chú ạ? Chị ở Hà Nội gần hết thời kỳ tiếp quản chị biết. Nhưng anh thì buồn lắm. Các cháu vào bố mẹ con cái tìm lại được nhau, nghe các cháu nói... Anh cứ ngóng chú hòai. Anh chị ngày ấy tắc lại trong này cũng chỉ lo làm ăn nuôi các cháu thôi, không làm gì "ảnh hưởng" đâu chú ạ" Bà vội vàng sửa lại khi bắt gặp một thoáng rung động trên gương mặt em chồng: "Chú phải đến ngay. Anh em xa nhau từ bốn sáu (1) tới giờ. Chú đi luôn với chị về. Cho anh chị cảm ơn chú thím về các cháu!" Hai anh em nhìn nhau, khóc. "Anh chị ở xa, em chu toàn với mẹ. Mẹ mất sau khi đi sơ tán lần thứ hai về. Hồi bom đạn không có mẹ thì chúng em chết dở. Hai cháu nhà anh với thằng đầu nhà em đẻ trước hòa bình lập lại... hồi chị còn ở ngoài ấy đấy... lúc đó theo trường. Hai cháu đẻ sau thì theo bà. Chứ bọn em cơ quan có được đi sơ tánđâu."

Ông Toản vui vẻ kể về bà chị cả: 

- Chị ấy vẫn đáo để như hồi còn con gái buôn bán với mẹ nuôi anh em mình. Hồi khó khăn, có chính sách cấm bán các mặt hàng làm từ lương thực, dẹp các quán chè chén (2), chị ấy vẫn bình chân như vại. Bên này đường là quán của chị ấy. Bên kia là đồn công an. Lại ở chỗ quan trên ngó xuống người ta trông vào, đường lên Ba Ðình Mai Dịch của người ta, người xe lúc nào cũng nườm nượp... Công an sang dẹp, chị ấy cầm cái quạt nan rách phẩy xuôi phẩy ngược: "Giang sơn nào cửa nào nhà - Bần cùng tôi phải lê ra vệ đường..."Thế mà mấy chú áo vàng (3) nhà em chịuđấy anh ạ. 

Ông Hiến ngớ ra: 

- Sao lại bần cùng lê ra vệđường? Chị ấy không ở với các cháu à? 

Ông Toản ngần ngừ. Ông không muốn kể bà chị biết bươn chải ở mọi thời đã mừng rỡ khi con trốn nghĩa vụ (4), đã chẳng nề hà bất kể việc gì, đã làm phiền vợ chồng ông không ít vì đủ thứ chuyện liên quan tới khối phố và lúc nào cũng dấm dúi cho mấyđứa con ông tiền. Tự dưng ông bối rối: 

- Con nào nuôi được mẹ hở anh? Chị ấy vẫn ở đó, trên cái phòng nhìn thẳng ra Cửa Nam ấy đấy anh chị. Tất tật cửa hàng tầng dưới nhà nước trưng thu hồi tiếp quản Thủ đô. Về sau thành cái cửa hàng xe đạp quốc doanh to nhất Hà Nội đấy. Tầng trên giữ được hai phòng. Các cháu lớn lên... Thằng Ngọc tuột xích (5) tha lôi về một con bé chỗ nó đóng quân cũ, hiền nhưng đụt lắm, lại còn bị cái tộiđẻ khỏe. Con Ngà bỏ chồng cũng lại bò về với mẹ. Nhà cửa chật chội, tới cái lúc chị ấy nằm liệt, khổ lắm. 

Câu chuyện chệch choạc hẳn. Bà Hiến làm bánh trôi tàu. Nước ngọt vừa miệng đúng vị đường phên và nóng rẫy. Lạc rang không khét. Gừng thơm và không qúa cay. Nhưng ông Toản ăn không thấy ngon. Có thể là thức qùa ấy không hợp với trờiđất Sài Gòn mà chỉ hợp với những cơn mưa phùn gió bấc của phố phường Hà Nội. Cũng có thể... 

Ông Hiến bật nói đúng cáiđiều ông Toản không dám hỏi: 

- Hồi tháng tư thằng Quân ở Mỹ về đón vợ con đi. Cứ giục vợ chồng tôi. Nhưng tôi và bà ấy không đi. Gần một đời xa quê nhưng vẫn là trên đất nước mình. Nay đến tuổi về với ông bà được rồi, chẳng về lại Hà Nội được thì đành, chứ không thể... Nhưng điều làm tôi canh cánh nhất là hai cháu chị gửi lại ngày ấy. Vợ chồng tôi đành đoạn xa các cháu, dẫu có bà với chú thím trông nom cho thì vẫn không yên dạ về phần mình. Thằng Quân chị mang đi ngày ấy còn bé, mấy cháu sinh sau... biết còn có chị nhưng chưa sống với nhau bao giờ... Cũng không thể hiểu hết lòng bố mẹ. Mấy chục năm qua, các cháu còn bố mẹ mà cũng như là mất. Nay bỏ đi, các cháu vào tìm bố mẹ mà không gặp thì chúng tôi có tội với con. Thằng Quân với ba đứa sau nàyđi cả rồi. Giờ chúng tôi chỉ còn biết bù trì cho hai cháu chú thím với bà trông nom cho ngày ấy. Nhưng chú này, chẳng biết tôi già lẩm cẩm hay sao mà tôi không hiểu chúng nó?! 

Ông Toản không nhìn anh, quay sang chị dâu cười vui vẻ: 

- Anh đúng là lẩm cẩm thật chị ạ. Hai đứa chúng nó giỏi lắm. Thằng chồng hai đứa lại càng giỏi. Nhất là vợ chồng con Mai. Em và nhà em một đời theo Cách mạng, là người Hà Nội, là người của cái thời Tân Trào Bình Ca Sơn Dương xuôi về Hà Nội, cũng bìa B (6) rồi mà đời sống không được như vợ chồng chúng nóđâu. 

Nói thế, ông Toản giật mình. Ông tới thăm anh chị. Là em. Nhưng ông còn là một cán bộ nhà nước vào tiếp quản thành phố. Nhưng bà Hiến thì mừng, xoắn xuýt: 

- Chú nói tôi mới dám hỏi. Vợ chồng tôi có thể giúp gì chú thím với các cháu? Vừa rồi chồng con Mai vào, bảo con Mai con Hạnh muốn gì là chúng tôi làm nấy. Cốt đỡ được con. Cốt cho con đỡ tủi. Tôi và anh mấy mươi năm qua lúc nào cũng xót xa vì các cháu được bố mẹ sinh mà không được bố mẹ dưỡng. Vừa giật mình đạn nổ ở Sài Gòn. Lại giật mình vì bom rơi ở Hà Nội. Nhất cái đận bảy hai... Hai nước mà vẫn một nhà chú ạ. Giờ giúp được con giúpđược em cái gì là chúng tôi mừng. 

Ông Toản luống cuống: 

- Nhà em chẳng cần gì đâu bác. Hết bom đạn, sống được mà tìm lại được nhau thế này là nhà mình có phúc lắm rồi. Em bìa B, nhà em bìa C, các cháu cũng có tem phiếu cả. Ngoài đó thế là nhà em khá giả lắmđấy anh chị ạ... 

- Tôi biết rồi. BC gì thì cũng là bìa phân phối, là thiếu thốn. Tôi với anh có bàn nhau. Xe hiến rồi. Nhà hiến rồi. Giữ có cái này thôi. Thằng chồng con Mai vào cứ tiếc hùi hụi bảo vợ chồng tôi vội vàng qúa. Nay còn ba mươi mấy cái máy dệt len - Bà Hiến 

ngần ngừ rồi nói một hơi - Tôi vẫn còn ở Hà Nội hồi rục rịch cải tạo tư doanh. Tôi đoán thế nào rồi các ông Giải phóng cũng làm thế ở trong này. Tôi tính chia cho các cháu nhà tôi và các cháu ngoài đó. Toàn của mồ hôi nước mắt không lừa gạt cướp đoạt của ai đâu mà chú ngại. Ðứa nào khéo ra thì có cơ phất. Tôi để ý vàođây ai cũng mua áo len dệt hoa mang ra. ở Hà Nội chưa có nghề này... 

Ông Toản bối rối nhưng cương quyết: 

- Anh chị giao hai cháu cho vợ chồng em, chúng em đã làm hết phận. Nuôi các cháu ăn học đến đầu đến đũa. Gả vào nơi tử tế. Ðấy là phận sự của bọn em. Bây giờ em "bàn giao " chúng nó lại cho anh chị, Anh chị với các cháu trong nhà bàn tính thế nào em không biết. Tùy anh chị. Phần nhà em em thưa với anh chị rồi. Chúng em không cần gì cả. Em và nhà em đi làm có lương. Thằng đầu nhà em cũng đã có lương. Hai cháu gái các bác cũng sắp xongđại học... 

Ông thấy ông Hiến bà Hiếnđưa mắt nhìn nhau. Ông càng thêm bối rối và cương quyết: 

- Hai bác có lòng thì em xin ba cái áo len cho ba mẹ con nó mặc tết này. Phần em thì em xin anh bộ quân cờ bằng ngà với lại bộ Ðông Chu và Tam Quốc. Anh chị đừng lo chúng em để các cháu khổ. Vả lại... Sướng khổ gì thì cũng là nhìn ngang. Thấy người ta sướng hơn mình, thế nghĩa là mình khổ. Ðằng này ngoài ấy ai chả như ai... 

*** 

Ông Toản đã không nghĩ rằng lối nghĩ ấy chỉ đủ để mỗi người tự an ủi mình khi không còn cách bươn chải nào khác. Và cũng chỉ có ích cho thế hệ ông - thế hệ "người ra đi đầu không ngoảnh lại - sau lưng thềm nắng lá rơi đầy..." (7) Với con ông, cháu ông, lối nghĩ đó chỉ thêm bận. 

Ðầu tiên hai đứa cháu ông thay anh chị nuôi nấng ngày nào xin chuyển công tác vào Sài Gòn. Thành phố mới giải phóng. Bao nhiêu nhà chủ di tản. Hai đứa cháu xin luôn được hai cái nhà không bao giờ có mặt trong ước mơ của ông bà. Rồi con trai ông chuyển. Xái nhì, cũng xin được một căn trong cư xá Thanh Ða. Rồi con gái ông chống quyết định phân công công tác, tự ý vào Sài Gòn xoay xoả sau một buổi chiều thì lì mặt trước bố mẹ cho đến lúc khóc rống lên vì ông cho một cái bạt tai. Ông Toản không nghĩ đất lành chim đậu. Ông làm ầm ỹ nhà cửa vì "chúng nó chỉ biết hưởng thụ". Bà Toản lúc đầu im lặng. Rồi phát cáu: "Chúng nó lớn rồi. Mặc xác. Ðời cua cua máy đời cáy cáy đào. Ông lo được cho chúng nó mãi không. Hay là chúng nó sẽ biến cái nhà này thành lô cốt vì không bao giờ đến lượt phân nhà? Ông có biết một tháng gạo tiêu chuẩn kỹ sư như chúng nó được mấy cân không? "Mười ba cân rưỡi" - Ông Toản mau mắn. Bà Toản cười khẩy: "Ông mê đấy à? Cái rưỡi đấy năm nào cũng bị cắt ủng hộ đồng bào lũ lụt rồi. Con Thảo cắt hộ khẩu lên trường, chống quyết định công tác rồi là hết. Phần ông phần tôi tiếng bìa B nhưng có đủ nuôi chúng nó mãi không? Hay bảo chúng nó đừng yêu đương cưới hỏi gì ở nhà đói no cùng bố mẹ. Thời buổi này... Có phải chiến tranh nữa đâu mà bắt con người ta thắt lưng buộc bụng mãi”. 

Ông Toản nhìn vợ. Ngỡ ngàng. Vẫn là gương mặt ấy. Vẫn là mái tóc hơi dợn sóng cuộn trễ sau vai như thủa nào đưa nhau lên Việt Bắc. Vẫn dáng người nhỏ nhắn, qúa thanh tú so với tuổi. Nhưng giọng nói khác. Không âu yếm và uể oải...Ông Toản vẫn tiếp tục gầm gừ nhưng không lấy gì làm quyết liệt. Dù gì thì bà cũng ngang cấp với ông. Và bà hình như mới là chủ gia đình. 

... Cái bệnh hen bị từ bé đến tuổi già quật lại buộc ông Toản phải nghĩ tới những miền mùa đông nhiều nắng. Ông xin chuyển hẳn vào Sài Gòn. Những ngày đầu mới vào, hai anh em gặp nhau đều. Rồi bắt đầu va chạm. Ông Toản thực sự điên giận khi biết chính ông anh khuyên con gái ông bỏ chỗ làm ôngđã cạy cục xin cho, tiếp tục buôn gian bán lậu với mấy con mẹ có chồng nằm trong Chí Hòa. 

- Chú cáu bực làm gì. Nó chỉ làm cái việc... cái việc... người ta gọi là gì nhỉ? Cái việc tất yếu thôi. Nếu cuộc sống đủđầy thì những người như nó cũng sẽ tất yếu bỏ cái trò buôn quẩn ấy. 

- Anh đừng ngụy biện. Nó có thể làm nhiều việc có ích hơn với cái bằng kỹ sư mà nóđã bỏ. 

- ích cho ai? Tôi nghĩ là nó đang làm tốt với cái bằng đóđấy. 

- Ðể rồi... để rồi ba chân bốn cẳngđem hiến cho nhà nước hả? 

Không kịp rồi. Bà Hiến nghe ồn ào không đừng được phải chạy từ phòng trong ra,đứng thẫn thờ. Ông Hiến lặng phắc, mãi mới thì thào: 

- Ðể cứu mạng sống, có mà hiến là quý. Tôi nói cho chú biết để chú khỏi mất công tự hào. Tôi hiến tất cả những gì còn thuộc về tôi chỉ để yên thân mà sống nốt tuổi trời cho ở đất này. Nhưng hình như không được nữa. Thằng Quân chết rồi. Tôi và mẹ nó sẽđến chết bên cạnh nó. 

*** 

Ông Hiến mất đã mười lăm năm. Càng ngày ông Toản càng xót xa vì biết không khi nào có thể đến viếng mộ anh. Ông cũng đã về hưu. Gần hai mươi năm nước nhà thống nhất làm cuộc sống thay đổI còn nhanh hơn cả hai cuộc chiến tranh dài. Nhất là mấy năm gần đây. Thay đổi đến mức ông Toản không hiểu nổi. Càng ngày càng ngỡ ngàng. Càng ngày càng hay cáu bẳn. 

Ðứa con gái giữa ngày xưa làm ông điên đầu nhiều nhất thì giờ lại làm ông bực bội nhất. Và ông biết vì sao. Ông bà đang sống nhờ vào nó. Từ hồi hết bao cấp, hai vợ chồng nó nuôi ông bà, nuôi luôn thằng anh bị giảm biên bỏ vợ. Còn nuôi những ai nữa ở bên nhà chồng nó, ông không dám hỏi. 

Bảy mươi tuổi, lần đầu ông Toản tự tay thắp một nén hương. Ngày trước, ông chu toàn mọi việc từ lúc mẹ nằm đấy rồi đi. Nhưng những việc cúng giỗ, ông khoán trắng cho bà chị tháo vát và đáo để, mặc bà bày vẽ, xoay xở, sai phái. Không phải ông ngại. Ông ngượng. Vợ ông tuy không nói ra lời với chị chồng nhưng chắc cũng vậy. Chỉ đến đời con ông. Không hiểu chúng nó học đâu cái thói mê tín dị đoan. Cái gì cũng tin. Cái gì cũng sợ. Cái gì cũng xuýt xoa van vái. Con út nhà ông ngày trước thi môn gì cũng thắp hương ở bàn học và cứ rằm mùng một là hai chị em mắt trước mắt sau rủ nhau đi chùa. Khi ông nổI khùng, nó cau mặt rồi lại cười khì khì: "Bố bôn sệt thế thì phải tuyên dương con mới phải.Con theo gương Người Mẹ Cầm Súng (8) mà bố. Lạy Trời lạy Chúa lạy Phật lạy Bác. Con tin thế thì có mất gì đâu nào. Việt Nam chắc không có thánh chiến. Tin như bọn con là rẻ nhất đấy bố." Quả là nó tin vậy thì chẳng mất gì. Ông cáu mà chẳng biết phải răn dạy thế nào. Chỉ bà Toản là nhạy cảm và dễ dãi: "Cha bố nhà con với cái. Chị nói thế là bảo bố mẹ nửa đời người tin xằng đấy phải không?"... 

Ông Toản hốt hoảng khi thấy mình đã lạc rất xa khỏi ý nghĩ về anh. Chợt ông nghe tiếng thở dài rất nhẹ bên giường vợ. Bà nằm đấy đã mấy năm nay, chịu đựng sự bất lực của chính mình, chịu đựng sự bất lực của chồng. 

Có cái gì xôn xao lắm làm ngực ông Toản nghẹn thắt. "Anh Hiến ơi! Ngày xưa anh đã làm thơ ... Xa một phút mà dài hơn vạn thủa... Ai hờ hững để cho lòng ai lạnh... Cô ấy không bao giờ biết... Anh độ lượng với em như thế. Sao đến tuổi này anh không bao dung nổi với em. Em đã đi con đường ngày xưa chính anh cũng chọn. Ði hết một đời..." 

Ông Toản không dứt nổi mình ra khỏi miên man. Ông không để ý tiếng thở bên giường vợ gấp dần lên. Ông không để ý con gái cầm tay đứa cháu nhỏ đứng lấp ló bên cửa không dám bước vào nhắc bố hương sắp tàn. 

06/1997 

Chú thích: 

1: Năm bốn sáu: 1946 - Toàn quốc kháng chiến. 

2: Quán chè chén: quán bán nước, thường là chè mạn uống bằng tách (chén). Chè tươi thường uống bằng bát nông lòng, sau này bằng cốc. 

3: Sắc phục cảnh sát trước 1975 ở miền Bắc. 

4: Trốn lính. 

5: Từ thông dụng chỉ sựđào ngũ. 

6: Loại tem phiếu dành cho cán bộ trung cấp, mua tại cửa hàng Nhà Thờ. Bìa A dành cho cán bộ cao cấp, mua tại cửa hàng Tôn Ðản, ngoài ra còn được mua trong cửa hàng Giao tế dành cho người nước ngoài ởđường Lý Thái Tổ. 

7: Trích từ Ðất nước - Nguyễn Ðình Thi. 

8: Người mẹ cầm súng:Tên một tác phẩm của Nguyễn Thi viết về một phụ nữ Nguyễn Thị út - anh hùng quânđội của lực lượng Giải phóng. 

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC