Một đêm, con Hands nhổm dậy cắn riết. Tôi tỉnh giấc im ắng nghe. Một lát sau, thấy có tiếng rên nhẹ rồi tiếng gọi tên tôi khe khẽ. Vừa mở cửa ra thì một thân người đổ sập vào. Trời ơi, hóa ra thằng Tám. Hắn bị thương, bả vai, ống tay áo bên phải sộc lên mùi máu.

Mấy năm sau khi bức tường Berlin đổ, đám “giặc cỏ“ người Việt từ mọi nơi dồn về quanh vùng Berlin và phụ cận hoạt động ráo riết, liều lĩnh. Như tôi nhận định, nếu tập trung đông người sống bên nhau mà không có chỉ huy thì chỉ làm mồi cho tụi cướp. 

Một đêm, khu tập thể gần 30 gia đình, nguyên là anh em lao động xuất khẩu nghề xây dựng, ở cạnh lâu đài Cecilienhof Palace thuộc tỉnh Potsdam đã bị tấn công, và số đông gần 50-60 người đã thua thảm hại trước tụi cướp chỉ chục tên. Dầu đa số anh em ở đây đều là cựu quân nhân, dăm anh biết võ, nhưng do không có chỉ huy, mạnh ai nấy sống nên đông mà không mạnh. Tụi cướp đã theo dõi đường đi lối lại, quy luật đi về, cứ tối tối ai ở nhà nấy. Chúng bèn chui vào khu nhà qua cửa sổ thông khí tầng ngầm, từ đó tỏa đi hai hành lang. Cứ ba bốn thằng tay dao tay gậy có gim đinh sắt nhọn, đạp cửa xông vào từng nhà và khống chế, dồn mấy anh em vào góc nhà trói lại, tha hồ lục lọi, thu hết tiền cất giấu. 

Trong một căn hộ, có một tay nổi tiếng giỏi võ thuật từ Leipzig tới thăm em trai sống ở đây. Người này từng tay không đánh bại năm sáu thằng đầu trọc, vậy mà khi tụi cướp vào, vừa có ý định chống cự đã bị tụi cướp xô vào bếp, ba bốn thằng ranh con cứ thế kiếm Nhật chém phứa. Sao có thể giở võ ở nơi hẹp có hơn một mét chiều ngang. Người thanh niên có võ này bị tụi cướp chém bay một bên tai và nhiều vết thương trên người khiến máu chảy lênh láng, gục xuống tại chỗ. Tụi cướp lấy đi hơn 200 ngàn D.m của ba chục nhà rồi bỏ đi. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu thoát chết nhưng vô cùng hoảng loạn, liền bỏ về nước ngay sau đó.

Những vụ cướp như thế thi thoảng vẫn xảy ra trong vùng. Cũng có lần chúng mò vào khu vườn tôi ở. Đang đêm, con Hands giống chó nòi Đức nhổm dậy rít lên rồi gầm gừ gọi. Tôi tỉnh phắt, lấy súng hai nòng, đẩy hai viên đạn vào nòng và ngồi chờ. Lắng tai nghe thấy rậm rịch có tiếng cành khô gãy bên ngoài, tôi khẽ tay nâng cửa sổ hẹp như lỗ châu mai lên, đẩy nòng súng bắn đại một nhát lên trời. Nghe rõ tiếng chân thình thịch chạy. Sớm sau, thấy ba bốn vết giày khác nhau hằn sâu trong tuyết. Cũng từ đấy không có tụi trộm đêm nào dám mò tới nhà tôi. Nhưng thằng Tám thì tuyệt nhiên không gặp. Cũng nghe giang hồ đồn, hắn trấn giữ một khoảnh trên một quận ở Berlin. Có người nói, thi thoảng vẫn thấy “cái thằng có lá bùa treo ở ngực“ ấy có mặt ở quán bà Sáu với hai thằng vệ sĩ.

 

Tên tướng cướp và câu chuyện về lá bùa nhiều lần cứu mạng (Kỳ 3) - 0

Có người nói, thi thoảng vẫn thấy “cái thằng có lá bùa treo ở ngực“ ấy có mặt ở quán bà Sáu với hai thằng vệ sĩ

Năm ấy tôi có cô em họ từ Tiệp sang. Việc buôn bán khi ấy tôi chẳng cần hai nhân lực, nhưng cũng không thể bỏ họ hàng, thành ra đành giữ cô em ở nhà phụ giúp, mong chờ cơ hội. Ngày ngày hai anh em vẫn đi chợ, tôi giúp cô em làm quen với việc buôn bán để sau này chờ cơ may làm ăn. Nhưng không may cho cô em họ, mùa thu năm ấy mưa nhiều nên việc đi chợ cũng buổi đực buổi cái. 

Cuối mùa thu năm ấy mưa cả tuần, tôi nghỉ chợ. Một đêm, con Hands nhổm dậy cắn riết. Tôi tỉnh giấc im ắng nghe. Một lát sau, thấy có tiếng rên nhẹ rồi tiếng gọi tên tôi khe khẽ. Tôi cảnh giác lấy đèn, tay cắp súng găm sẵn đạn và hé cửa. Vừa mở cửa ra thì một thân người đổ sập vào. Trời ơi, hóa ra thằng Tám. 

Suýt nữa con Hands cắn đứt cổ họng Tám khi tưởng hắn tấn công tôi. Tôi gọi cô em họ dậy và chúng tôi kéo Tám vào nhà. Tám bị thương, bả vai, ống tay áo bên phải sộc lên mùi máu. Tôi để Tám ngồi tựa lưng vào cái ghế bành, cho thêm củi vào lò sưởi, sai cô em đi đun nước sôi pha muối để rửa vết thương cho hắn. Mùa cuối thu, lại mưa vào đêm khuya nên căn nhà gỗ giữa vườn rộng khá lạnh.

Khó khăn lắm tôi mới cởi được áo của Tám ra. Cắt ống tay áo phải ra thì thấy một viên đạn xuyên chéo trên bắp vai. Có lẽ trên đường tới đây hắn đã mất rất nhiều máu. Máu chảy xuống qua lưng ướt hết cả quần, may mà không chạm vào xương. Tôi tính rất nhanh như trong chiến tranh, phải sơ cứu cho hắn đã. Pha một chậu nước muối đặc, tôi lấy bông băng sẵn trong nhà rửa sạch vết thương rồi băng lại. Cô em sợ lắm nhưng có tôi  nên cũng yên dạ, đi pha cho Tám một ly sữa nóng. Tôi để hắn nằm dài trên đệm, kê đầu cao lên.

Thì ra đêm qua hắn đụng độ với một băng khác khi tranh giành quản lí những địa điểm bán thuốc. Tụi kình địch chắc đã rình hắn từ lâu, chờ sẵn ngoài cửa một tiệm ăn mà Tám và hai tên vệ sĩ hay lui tới. Cuộc đọ súng trong đêm tối khiến hai bên đều có người chết. Chỉ khi có tiếng cảnh sát hú còi, tụi phục kích Tám mới lên hai chiếc xe chạy mất. Tám bị thương vẫn cố lái xe, chạy qua đây thì nhớ tới tôi. Sau này tôi hỏi, sao cậu lại dám vào đây? Hắn thản nhiên bảo, ngày xưa gặp anh thấy cũng tử tế với tụi em, vả lại anh là đồng đội của anh ruột em chắc chả nỡ không cứu em.

 

Cũng hôm đó, tôi không chờ tới sáng, nửa đêm ra vườn tìm chiếc xe của Tám. Chiếc xe đỗ chềnh ềnh ngay cửa ra vào vườn. Mở cửa xe ra, tôi thấy nơi ngồi lái có một vũng máu lớn, cửa kính hai bên vỡ vụn. Tôi đánh lái chiếc xe chi chít vết đạn ra gần chợ biên giới, vứt ở ven rừng. Thây kệ nó với sự nghi vấn của cảnh sát, phải cứu Tám trước đã.

Thực ra những vết thương chiến tranh tôi đã từng va chạm. Vấn đề là Tám không có bảo hiểm, không thể đưa tới khám bác sĩ. Hơn nữa báo Đức sớm sau cũng đưa tin, có vụ va chạm đọ súng giữa hai nhóm mafia Việt tại một quán ăn ở bên vùng kế tôi ở, nên càng không thể đưa Tám đi viện. 

Ở nhà của người Đức bao giờ cũng có hộp cứu thương. Hôm sau, tôi tìm cách đến hiệu thuốc của người Thổ mua ít chỉ khâu vết thương và ít thuốc đề phòng hắn bị nhiễm trùng. Thực ra tôi cũng chờn chợn và đắn đo việc để hắn ở lại chỗ tôi. Nhưng chả nhẽ lại đuổi hắn đi khi bị thương như thế. Dầu sao hắn cũng là người máu đỏ da vàng, lại là em ruột của một người đồng đội đã hy sinh.

Phải nói là Tám cực khỏe, dù chỉ được khâu rửa tại nhà nhưng chỉ vài ngày sau vết thương đã khô miệng mà chả cần kháng sinh gì. Hơn tuần sau, Tám đã có thể đi lại trong vườn. Những ngày này mưa vẫn triền miên. Ngồi trong căn nhà gỗ, hắn kể cho tôi bao chuyện nguy hiểm mà hắn đã trải qua trong hơn hai năm. Có kẻ trung thành cũng có kẻ bán hắn cho băng khác. Tôi cũng thẳng thừng lên án việc hắn tham gia vào công việc không lương thiện vừa qua. Tám nhìn đi nơi khác, thủng thẳng nói, tụi em đến muộn, lại không thể kinh doanh được, làm sao mà có tiền. Vả lại nơi nào buôn gian bán lậu thì đều sinh ra tội ác anh ạ. Hắn có lý. 

Tôi cũng kể cho hắn đời sống ngày xưa trong quân ngũ của chúng tôi ra sao. Những khao khát được sống hòa bình và lương thiện. Tôi cũng kể cho hắn về sự đùm bọc chở che cho nhau của những người lính nơi chiến trường. Tám im lặng ngồi nghe không nói gì. Một đêm hắn bảo, thực ra em cũng ao ước được làm người tử tế và lương thiện. Nói rồi hắn khóc. Kỳ lạ là Tám rất dịu dàng với cô em họ của tôi, mà hình như cô em cũng quý hắn lắm. Khỏe lên, Tám giúp tụi tôi việc vặt quanh nhà, nhặt rau rồi phụ giúp cô em nấu cơm những ngày tôi ra chợ.

Hóa ra ai cũng vậy, trong mỗi người đều có cái thiện và ác. Gặp thời thế ra sao, điều kiện thế nào để niệm thiện khởi lên mà thôi.

 

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC