NSƯT Tạ Minh Tâm: "Trời cho tôi cái số không chấp nhận đầu hàng"Ba mươi hai năm trôi qua kể từ ngày đầu tiên Tạ Minh Tâm từ An Giang bước chân vào Nhạc viện TP. HCM, trong quãng thời gian dài tính chừng như nửa đời người ấy, số nghệ sĩ hát nhạc cổ điển rất ít ỏi.

Cả trung tâm đào tạo chính quy lớn nhất miền Nam nhưng số người bám trụ không nhiều. Tạ Minh Tâm thì chỉ thật sự được nhiều người biết đến khi anh xuất hiện trong bộ phim truyền hình "Blouse trắng" và sau đó là một MC lịch lãm, hoạt bát trên các game show truyền hình. Làm việc không ngơi nghỉ, nhưng anh vẫn luôn hoàn thành tốt trách nhiệm của một trưởng khoa Thanh nhạc tại Nhạc viện. Giọng nói trầm ấm, đôi mắt kiên nghị luôn nhìn thẳng cùng nụ cười ấm áp, đôi khi cười rất to đầy nồng nhiệt và ân cần, Tạ Minh Tâm mở lòng về những trăn trở với nhạc cổ điển và của nghề giáo theo anh suốt nhiều năm nay...

 NSƯT Tạ Minh Tâm:

- Nghệ thuật hàn lâm nói chung và opera nói chung vẫn còn nhiều khó khăn khi tiếp cận công chúng Việt Nam. Ở Nhạc viện nhiều năm nay, chắc anh thấy rõ điều đó hơn ai hết...

- Tôi có cái nhìn lạc quan hơn với nền nghệ thuật nước nhà, nhất là tại TP. HCM, mọi thứ đều đi lên đấy chứ. Tất nhiên nếu nhìn qua lăng kính của nhạc nhẹ, nhạc trẻ thì cả thế giới đều như vậy, chẳng riêng gì Việt Nam. Nhạc nhẹ có lớp công chúng trẻ, dư thừa năng lượng, nên sẽ sôi động hơn. Nhưng đến một độ tuổi nào đó, người ta sẽ có nhu cầu giải trí chọn lọc hơn, thiên về thưởng thức những loại nghệ thuật nghiêm túc, chất lượng cao hơn.

Nhạc cổ điển và một số nghệ thuật nghiêm túc khác khá kén khán giả. Số lượng tuy ít hơn nhưng là khán giả chất lượng cao. Tôi nghĩ nghệ thuật cổ điển Việt Nam đang ngày càng được chú ý, những buổi biểu diễn nhiều hơn, nhiều chương trình hoành tráng, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đến Việt Nam để biểu diễn, như vừa rồi là dàn nhạc giao hưởng NewYork và dàn nhạc thính phòng Praha.

- Thực tế, những buổi hòa nhạc tại TP. HCM khán giả đa phần là người nước ngoài, người lớn tuổi, dân trong nghề và một số ít sinh viên. Công chúng chưa biết đến rộng rãi hoặc có chăng chỉ nghe loáng thoáng hình như có chương trình hòa nhạc nào đó. Anh nghĩ đâu là nguyên nhân?

- Hiện các sinh viên Nhạc viện đa phần cũng thực dụng, thích lao ra biểu diễn các loại hình âm nhạc dễ dãi và có công chúng rộng rãi để nổi tiếng nhanh hơn, kiếm tiền nhiều hơn. Chỉ có một số ít đam mê thật sự để theo đuổi nghệ thuật hàn lâm. Việc khán giả của âm nhạc cổ điển ít hơn và giới trẻ ít quan tâm hơn là điều tự nhiên.

Nguyên nhân thứ nhất vì bản chất của nghệ thuật hàn lâm không ồn ào, không thường xuyên, nên ít lôi kéo khán giả. Nguyên nhân kế tiếp, cũng từ bản chất nghệ thuật - do ảnh hưởng sự đề cao về giá trị nghệ thuật chân chính, nên tư duy về tiếp cận công chúng của giới nghệ sĩ cổ điển cũng khác. Họ nghĩ làm nghệ thuật là cho riêng mình, những người nào đến với mình như là sự tri kỷ, chia sẻ là chính, chứ không phải tự đi tìm khán giả, đánh bóng tên tuổi để kiếm tiền tài danh vọng... Tư duy đó không hợp thời nữa. Thế giới người ta đã thực tế hơn nhiều rồi. Người ta đi trước thì thoát ra trước, chúng ta đi sau thì thoát ra sau. Nếu cứ đắm chìm trong tư duy hữu xạ tự nhiên hương, "Tôi làm giỏi thì người ta phải biết đến tôi chứ tôi không phải quảng cáo gì cả", thì sẽ làm hạn chế lớp khán giả trẻ. Nghệ sĩ nhạc cổ điển cũng phải biết tiếp thị để quảng bá nghệ thuật hàn lâm tới giới trẻ.

- Vậy có nguyên nhân nào đến từ lượng tác phẩm hạn chế, các nghệ sĩ phải tập luyện vội vàng, gấp gáp cho kịp diễn?

- Theo tôi, đó là đương nhiên, nhưng nếu có một nhà hát tư nhân về nhạc cổ điển, mọi chuyện sẽ khác. Đảm bảo sẽ có đầy khách! Trước đây từng có một người Anh từng tự tổ chức chương trình, tự bán vé (rất cao) mà chương trình nào cũng cháy vé. Thuần túy cổ điển và hút khách. Do họ đầu tư nghiêm túc và biết cách tiếp cận với công chúng. Thử hỏi nhé, thành phố cả chục triệu dân mà không tìm đâu ra 500-600 khán giả đi nghe nhạc cổ điển? Điều đó hết sức vô lý. Chỉ có hai nguyên nhân" một là diễn dở, đàn dở, hát dở, hai là tổ chức quá kém.

Cách đây không lâu, tôi mời một người bạn chưa nghe nhạc cổ điển bao giờ đi xem buổi biểu diễn của dàn nhạc Praha. Cậu ấy vỗ tay như phát rồ và nói chưa nghe buổi diễn nào hay đến thế. Hồi còn là sinh viên, có lần tôi mời một chị tiểu thương đi nghe nhạc cổ điển. Ban đầu, chị ấy từ chối: "Tôi không nghe thứ nhạc này đâu, mở tivi là thấy buồn ngủ, tôi tắt liền à!". Tôi nói, thôi thì em út ra đây mua đồ hoài, chị đi ủng hộ coi cho biết. Hôm sau, vừa gặp từ xa, chị ấy đã la lên: "Trời ơi, cái chương trình đó ngộ lắm nha, hay lắm nha. Lần sau có cho vé tôi đi xem nữa!". Rõ ràng, chúng ta chưa tạo điều kiện cho nhiều tầng lớp công chúng được xem trực tiếp. Thông tin thì chưa đến tai công chúng, một số khán giả  lại không nghĩ rằng mình đủ tiền để bước chân vào một buổi hoà nhạc.

Thực ra, hai buổi hòa nhạc hằng tháng vào ngày 9 và 19 tại Nhạc viện TP. HCM có giá vẻ rẻ nhất thế giới rồi, chỉ 100-200 ngàn đồng. Khi hoạt động liên tục như vậy mà không có lượng khán giả đông là do trình độ nghệ thuật của nghệ sĩ chưa cao. Đó là cái vòng luẩn quẩn. Giống như khi anh mở cửa hàng ăn mà nấu dở thì sẽ ế, mà đã ế ẩm thì khó mà nấu ngon hơn.

- Anh là người thành danh hát opera tại Việt Nam và là một giảng viên thanh nhạc. Ngoài việc truyền tải những kinh nghiệm, kỹ thuật hát cho sinh viên, anh có phương pháp gì để truyền cho họ cảm hứng học, cảm hứng nghệ thuật, đam mê, để sinh viên có một cái gốc vững vàng, khỏi phải sa đà vào những loại hình âm nhạc dễ dãi?

- Làm gì cũng vậy, mình không truyền được cảm hứng cho đối tượng đủ mạnh thì chưa thể gọi là thành công được. Anh lên lớp dạy mà học trò không nghe, không tin thì sẽ không thể tiếp thu. Đó là thất bại. Tôi đã trải qua thực tế bằng hoạt động của mình, nên khi dạy hát, tôi truyền cho sinh viên cả kinh nghiệm, cảm hứng và kỹ thuật. Có bạn cảm thấy hoang mang về con đường phía trước, kiểu "Thưa thầy, em có giải thưởng rồi mà sao chưa nổi tiếng?", tôi sẽ giúp họ bình tĩnh hơn. Hoặc, "Em tập sao lâu tiến bộ quá?", tôi cũng có kinh nghiệm bản thân để cho họ biết mình đang đứng ở đâu, đã đi tới đâu và sẽ đi đến đâu nữa.

Người ta nói, một nghệ sĩ giỏi, nổi tiếng chưa chắc đã là một người thầy giỏi, điều đó đúng một phần thôi. Một người thầy không hát tốt chắc chắn sẽ không thể nào có khả năng và kinh nghiệm dạy tốt được. Có thể anh không nổi tiếng nhưng anh phải hát thật giỏi. Thầy phải thuyết phục được trò, thời nào cũng vậy.

- Là một trong rất ít nghệ sĩ thành danh từ âm nhạc cổ điển, anh có ngộ ra một chữ duyên không?

- Nói từ duyên là đúng. Duyên gặp thầy, duyên số... Nhưng cũng có những người không gặp thầy mà vẫn quyết tâm tìm đến môi trường tốt để tiếp cận, để học, đi từ "âm" lên đến đỉnh cao. Bản thân tôi khi theo nghề hát không hề có một năng khiếu trời cho, cũng không xuất thân từ một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Cha tôi là thợ máy ô tô, mẹ tôi là một viên chức nhỏ ở An Giang. Một người sinh trưởng trong một gia đình nghệ thuật sẽ được hưởng cái gien nghệ thuật, được lớn lên trong môi trường nghệ thuật nên cảm thụ về nghệ thuật thường tốt và sẽ bắt đầu suôn sẻ.

Tôi là trường hợp ngược lại, mọi thứ khó khăn vô cùng. Để phân biệt được các nốt nhạc cách nhau một cung đã khó rồi, chứ đừng nói là nửa cung. Nghe không ra nổi (cười). Có lúc tôi chán nản, tự hỏi tại sao bạn mình nghe và ghi lại rất dễ mà mình không thể nghe được? Nhưng cái duyên ở đây không chỉ là gặp thầy. Trời cho tôi cái số không chấp nhận đầu hàng.

- Anh có thể nói thêm về những kỷ niệm đó được không?

- Tôi nhớ rất rõ là năm 1977, đoàn văn nghệ tỉnh An Giang tham dự Liên hoan Ca múa nhạc không chuyên toàn quốc tại TP.HCM, tôi là diễn viên đơn ca của đoàn. Ngay lần thi đầu tiên đó, tôi đoạt huy chương vàng với ca khúc "Đất nước trọn niềm vui" và Đài Tiếng nói Việt Nam II đã thu thanh bài hát này, nhạc sĩ Vũ Lê Phú là người biên tập chương trình. Nhạc sĩ đánh giá tôi là một giọng ca triển vọng, nên đã khuyên tôi nên thi vào trường Nhạc.

Tôi tự hỏi, có cả trường dạy Nhạc à? Lúc đó tôi mới chỉ bước vào tuổi 17, chưa đủ điều kiện dự thi... Vậy là phải chạy vào trường Nhạc năn nỉ, nhờ thầy Quốc Trụ giúp đỡ. Được chấp thuận, tôi về Cần Thơ - điểm tuyển sinh của khu vực miên Tây Nam bộ, nộp đơn rồi trở về Long Xuyên vừa học vừa chờ đợi. Ngày tháng trôi qua mà chẳng thấy động tĩnh gì. Nóng ruột quá, tôi xếp hàng mua vé xe đò lên Cần Thơ, để nhận được... tin sét đánh: "Đã thi cách đây một tuần..." (!). Lại xe đò lên TP.HCM, vào trường Nhạc năn nỉ thầy Quốc Trụ... Năm đó, cả miền Nam chỉ tuyển 10 sinh viên, riêng TP.HCM được ba chỉ tiêu và tôi được đặc cách nhận đơn cho thi chung với 300 thí sinh nơi đây một tuần sau đó.

Phần kiểm tra năng khiếu, tôi tự tin hát "Tiếng hát thành phố mang tên Người", hát mới được nửa chừng thì giám khảo Quốc Trụ bảo ngừng lại và cho ra khỏi phòng thi! Tôi thất vọng, buồn bã... ra bến xe mua vé về quê. Bây giờ tôi vẫn còn nhớ rõ, 10 giờ sáng ngày 25/10/1997, bà ngoại - người đã nuôi nấng tôi suốt thời thơ ấu - tắt thở sau một cơn bạo bệnh. Đang ôm thi thể lạnh giá của bà thì bác đưa thư xuất hiện, đem theo giấy báo trúng tuyển gọi nhập học của Nhạc viện...

 NSƯT Tạ Minh Tâm:

- Nổi danh trong giới nhạc hàn lâm nhờ hát opera mấy chục năm trước, nhưng phải sau khi anh đi đóng phim, làm MC thành công, khán giả mới biết đến anh nhiều hơn. Phải chăng ở Việt Nam nghệ sĩ cứ phải có thêm một vài nghề phụ để nuôi nghề chính và cũng để đảm bảo cuộc sống tốt hơn?

- Chuyện đó cũng bình thường thôi. Từ thực tế, tôi thấy rõ ràng phải có một chiến lược nâng cao tên tuổi của mình mới dễ làm việc, nhất là nghệ sĩ biểu diễn. Trước đây, tôi không hề nghĩ phải làm sao để nổi tiếng, nhưng khi nổi tiếng rồi thì phải làm gì để nổi tiếng hơn... Nếu không có những hoạt động đóng phim, làm MC, thì số người biết đến tôi không thể nhiều như thế được. Dù có hát hay đến mấy thì cũng chỉ chừng đó người biết và cũng chẳng thể hát hay hơn được nữa.

Chính sự nổi tiếng là động lực để tôi luyện tập nhiều hơn và hiểu rằng nghệ sĩ nào cũng nên biết quảng bá hình ảnh một chút để nhiều người biết đến mình. Nhưng như tôi nói từ đầu, đó không phải là thói quen, tính cách của các nghệ sĩ nhạc cổ điển. Điều đó khác với các nghệ sĩ bên nhạc nhẹ, thậm chí có những người hát chưa ra sao cũng nhảy sang đóng phim, tìm cách làm MC... Riêng tôi, không phải tự nhiên người ta mời tôi đóng phim và làm MC. Vì tôi hát nên họ biết và mời, nhưng điều này hỗ trợ nhau. Chính xác là tương tác với công chúng. Tôi coi đó là bài học sống động để truyền đạt cho sinh viên.

Người ta cứ nói "chỉ theo đuổi nghệ thuật rất khó nuôi sống bản thân", hoặc "nghệ sĩ mà cứ làm nghề nọ nghề kia là làm chưa tới"..., nhưng thực ra làm nghề nọ nghề kia chính là động lực để nâng cao nghệ thuật của mình. Không phải cứ "nhất nghệ tinh" mới "nhất thân vinh"...

- Và khi nhảy qua nhiều lĩnh vực khác, đời sống của anh cũng khá lên rất nhiều?

- Ngày trước vợ chồng tôi và hai cô con gái, bốn người sống trong căn hộ tập thể nhỏ xíu nằm tận lầu 10 của một chung cư trên đường Trần Hưng Đạo. Sau khi tôi đóng "Blouse trắng" và bắt đầu làm MC cho game show "Chung sức" thì chúng tôi mua nhà ở Tân Phú, tuy hơi xa trung tâm nhưng yên tĩnh và mát mẻ. Còn bây giờ, ngôi nhà của chúng tôi nằm ở một vị trí đẹp như mơ ước ở quận 7.

Thật ra, cho dù có lấn sân đi nữa, bản chất tôi cũng giống như những nghệ sĩ nhạc cổ điển khác thôi. Tôi may mắn là số phận đưa đẩy mình vào những lĩnh vực khác để phát huy, chứ không cố tình. Nổi tiếng quá nhiều khi cũng... mệt mỏi. Nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc và biết hài lòng với hiện tại...

- Cảm ơn anh với những chia sẻ này.

Theo DNCT.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC