Điều kiện, những trường hợp đặc lệ và các thông tin cần thiết khi gia nhập quốc tịch Đức.

Về việc xin vào quốc tịch Đức thì trước đây tôi đã từng viết về đề tài này một lần và cũng có một số người đã vào quốc tịch Đức vài năm gần đây ,họ cũng chia sẻ về một số kinh nghiệm của họ khi làm giấy tờ xin vào quốc tịch.

Nếu bạn nào có đủ điều kiện theo luật định thì có thể làm đơn ngay từ bây giờ , vì trong quá trình từ lúc đặt đơn và thời gian chờ đợi để xét đơn cũng như xin từ bỏ quốc tịch Đức là cả một khoảng thời gian cũng khá dài.

Cho nên để cho mọi việc được thuận lợi ,bạn có thể tham khảo một số điều kiện về gia nhập quốc tịch Đức ở dưới đây

1) Đáp ứng về thời gian cư trú ở Đức

  • Phải sống ở Đức hợp pháp 8 năm liên tục trở lên và sở hữu thẻ định cư dài hạn (Niederlassungerlaunis) . Có nhiều người ở Đức hơn 10 năm nhưng sống ở nước ngoài nhiều hơn ở Đức hay sống bất hợp pháp một thời gian dài rồi mới đóng giấy tờ được vài năm, thì cũng coi như không đủ tiêu chuẩn đáp ứng về thời gian cư trú ở Đức .
  • Nếu ai đã học qua khóa hội nhập (Intergrationkurs) thì thời gian sẽ được rút ngắn còn 7 năm .

Có nhiều người hỏi khóa hội nhập là gì ? Có bắt buộc phải học và đăng ký ở đâu ?

Thật ra khóa hội nhập là khóa học dành cho người nhập cư , sở dĩ ai cũng phải học qua là chính phủ Đức muốn để cho họ hiểu thêm về đất nước, con người , cuộc sống và lịch sử nước Đức. Trừ những người là sinh viên , học sinh , đang học nghề hay đang học khóa tiếng Đức cao hơn thì không cần phải học qua khóa hội nhập này.

Còn không thì bắt buộc phải qua khóa hội nhập nếu bạn muốn vào quốc tịch hay muốn được cấp thẻ định cư dài hạn.

Còn học khóa hòa nhập ở đâu thì hãy đến VHS ( Volkshochschule) gần nơi bạn cư trú để đăng ký .

Nếu ai được BAMF(Bundesamt für Migration und Flüchtlinge) hỗ trợ về tiền học thì ngoài việc không phải đóng lệ phí thi mà còn được hoàn lại 50% học phí nếu thi đậu khóa hòa nhập .

Một số điều cần biết khi vào quốc tịch Đức - 0

Sẽ là 6 năm đối với những trường hợp sau đây :

  • Chứng minh đã hoàn thành khóa học tiếng Đức nâng cao từ B2 trở lên
  • Được chứng nhận đã có thời gian dài làm công tác xã hội
  • Những người được phía Đức chấp nhận đơn tị nạn đều có thể làm đơn xin vào quốc tịch nếu muốn

Lưu ý : Trừ trường hợp đầu tiên về tiếng Đức nâng cao , còn hai trường hợp về việc làm công tác xã hội và người tị nạn xin vào quốc tịch, thì cũng còn tùy thuộc ở phía Đức sẽ xét duyệt và quyết định, nhất là về vấn đề tị nạn .

@ Những ai có chồng hoặc vợ có quốc tịch Đức thì thời gian là ba năm , nhưng với điều kiện là người chồng /vợ phải có B1 và có ít nhất hai năm sống chung hợp pháp

2) Chứng minh về thu nhập và tài chính

  • Đủ diện tích nhà ở
  • Không ăn xã hội quá lâu
  • Thu nhập ít nhất 1800 cầm tay trở lên thì việc xét đơn vào quốc tịch Đức sẽ dễ dàng và suông sẻ hơn
  • Còn việc nộp đơn vào quốc tịch Đức mà trong lúc lãnh tiền thất nghiệp , tiền trợ cấp nhà cửa .v..v thì có thể trước đây không có gì trở ngại , nhưng bây giờ có lẽ không còn thuận lợi như trước vì đơn xin vào quốc tịch có thể bị xét duyệt lâu hơn hoặc bị từ chối tùy trường hợp

3) Chứng minh khả năng tiếng Đức

  • Có chứng chỉ B1 hoặc thi đậu trắc nghiệm tiếng Đức (Sprachtest)
  • Nếu là sinh viên, học sinh , học nghề ..v..v thì phải hoàn thành khóa học ở Đức và trường của Đức . Cho nên có một số người sang Đức du học nhưng chỉ muốn vào trường dạy bằng tiếng Anh ( vì không biết tiếng Đức) thì sau này muốn vào quốc tịch Đức sẽ gặp nhiều khó khăn hơn những người khác
  • Đã học qua 4 năm ở trường học được giảng dạy bằng tiếng Đức

4) Không phạm tội ở Đức và ở nước ngoài

Nếu ai phạm những tội nghiêm trọng sau đây như : Giết người , lạm dụng tình dục trẻ em , tham gia băng đảng , buôn bán vũ khí và hàng cấm, giết người hàng loạt , đánh người bị thương nhiều lần, phá hoại kinh tế Đức , trộm cắp thường xuyên , tội phạm chiến tranh ..v. đều bị bác đơn xin vào quốc tịch

5)Thi đậu trắc nghiệm quốc tịch ( Einbürgerungstest)

Theo luật mới về quốc tịch được chính thức áp dụng từ ngày 1.09.2008 , những ai muốn trở thành công dân Đức đều phải thi đậu trắc nghiệm quốc tịch , trong 33 câu hỏi , nếu đúng 17 câu trở lên thì coi như thành công .

Còn nếu ai muốn được miễn thi trắc nghiệm thì phải rơi vào những trường hợp như sau :

  • Sinh viên , học sinh …đã tốt nghiệp hoặc đang học ở những trường công hoặc tư nhân mà được chính phủ Đức công nhận
  • Những người già đã trên 60 , người bị mắc bệnh nan y hoặc tàn tật …..Tất cả đều phải có giấy chứng nhận về sức khỏe và % thương tật của bác sỹ ….thì mới được miễn thi trắc nghiệm quốc tịch

6)Từ bỏ quốc tịch đang có (Verlust , Aufgabe der ausländischen Staatsangehörigkeit )

Luật về quốc tịch ở Đức vẫn không chấp nhận hai quốc tịch , nhưng vẫn có ngoại lệ đối với một số trường hợp sau:

  • Có một số quốc gia không cho phép công dân từ bỏ quốc tịch của mình ( một số nước ở Nam Mỹ )
  • Tiền chi trả cho việc từ bỏ quốc tịch quá cao
  • Đơn xin từ bỏ quốc tịch quá 2 năm không được giải quyết
  • Trẻ em sinh trên nước Đức từ năm 2000 trở lên

7) Thời gian xét đơn là bao lâu?

Thời gian xét duyệt đơn xin vào quốc tịch thì cũng tùy thuộc vào từng trường hợp , nếu không có vấn đề gì thì thời gian chờ chỉ từ 3 tới 6 tháng . Còn nếu hồ sơ đã từng có vết đen dù chỉ là nhỏ hoặc cần phải kiểm tra thêm thì có thể bị kéo dài đến 2 năm

Năm ngoái , có một trường hợp được coi là được xét đơn nhanh nhất , đó là một thanh niên 29 tuổi đến từ Đông Âu , từ lúc nộp đơn đến khi được chấp nhận đơn chỉ hơn hai tháng rưỡi ( vì anh này là bác sỹ) , còn tất cả những trường hợp khác phải chờ đợi từ 3 tới 6 tháng .

Nếu trong thời gian chờ đợi vào quốc tịch, nếu có một số thay đổi như : Ly dị , ly thân, ăn xã hội, thất nghiệp, chồng hay vợ mất đột ngột , chuyển ra nước ngoài làm việc ..v..v đều phải báo cho phía Đức biết để họ giải quyết theo từng trường hợp

Đây là toàn bộ về một số điều kiện gia nhập quốc tịch Đức dành cho những người muốn vào quốc tịch có thể tham khảo. Nếu muốn biết thêm chi tiết về thủ tục và thời gian xét duyệt, thì bạn có thể lên phòng quốc tịch hay vào trang web Hỏi Đáp về Quốc Tịch để tìm hiểu thêm ( Fragen und Antworten zur Einbürgerung)

Nguồn: An Thanh Le

Facebook




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC