Vì những lý do nhất định, một số người quyết định giữ con cái họ ở lại trong các hầm tránh bom ở Bakhmut khi bên ngoài diễn ra cuộc chiến khốc liệt nhiều tháng qua.

1 Nhung Dua Tre Song Duoi Tang Ham Giua Tien Tuyen Khoc Liet O Ukraine

Bức tranh tường trên một tòa nhà đã bị hư hại do chiến sự ở miền Đông Ukraine (Ảnh: Getty).

Đầu tháng 3, chính phủ Ukraine cho phép chính quyền thành phố Bakhmut, tỉnh Donetsk, nơi đang diễn ra một trong những trận chiến dài nhất và đẫm máu nhất trong cuộc xung đột với Nga, thực hiện bắt buộc sơ tán trẻ em. Hiện tại, việc này chỉ được thực hiện ở các khu định cư có nguy cơ bị Nga kiểm soát và chỉ giới hạn trong Bakhmut.

Sasha, bác sĩ tình nguyện ở Bakhmut, nhớ lại lần xuống một tầng hầm mê cung: "Chúng tôi biết đứa trẻ ở đó, chúng tôi đến và được biết rằng cô bé đã không ra ngoài kể từ tháng 9". Mẹ của cô bé cho biết, cô sợ phải ra ngoài và không có nơi nào để đi. Đây cũng là mối quan tâm lớn của các tình nguyện viên. Họ nói rằng cần phải làm nhiều việc hơn nữa để xây dựng các chương trình tái định cư cho người dân.

Dân thường ở Bakhmut đã hứng chịu nhiều tổn thất kể từ khi Nga bắt đầu tiến công vào thành phố này. Cường độ tấn công đã tăng lên đáng kể trong những tháng gần đây. Chính quyền Ukraine cho biết, 4.000 dân thường vẫn ở trong thành phố và không rõ có bao nhiêu trẻ em trong số đó.

Hàng nghìn tình nguyện viên đã tham gia sơ tán dân thường khỏi các vùng tiền tuyến kể từ khi xung đột bắt đầu. Mặc dù nhiều cha mẹ đã rời đi trước khi xung đột xảy ra, song vẫn còn hàng nghìn trẻ em sống ở các khu vực tiền tuyến.

Ignatius Ivlev-Yorke, 27 tuổi, sơ tán người dân ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine gần như hàng ngày kể từ tháng 5 năm ngoái. Nhóm của anh liên lạc với các nhóm khác để đảm bảo những người rời đi được tái định cư. Các video anh đăng lên tài khoản Instagram đã mô tả chân thực cuộc sống của thường dân ở các khu vực tiền tuyến và quá trình sơ tán.

Ivlev-Yorke cho thấy các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe tinh thần mà nhiều người sống dưới tầng hầm ở các khu vực tiền tuyến phải đối mặt. Họ thường ở bên nhau hàng tháng trời mà không có điện, nước, khí đốt hay không khí trong lành vì giao tranh ác liệt bên trên.

Trong một chuyến viếng thăm Soledar, một thành phố phía đông Bakhmut mà lực lượng Ukraine đã rút lui hồi tháng 1, Ivlev-Yorke đã thuyết phục một phụ nữ cùng con sơ tán. Khi họ cùng cô ấy rời đi, một số người ở dưới tầng hầm đã giận dữ và đốt đồ đạc của cô ấy. Ivlev-Yorke cho biết, mỗi tầng hầm giờ trở thành một cộng đồng gắn bó chặt chẽ.

Anh cho biết, mọi người đưa ra nhiều lý do để không rời đi, từ việc có một người họ hàng lớn tuổi không thể đi lại, hoặc một thú cưng mà họ không muốn rời xa, đến việc không tin họ sẽ được sắp xếp chỗ ở. Nhiều người trong số những người anh gặp đã bỏ trốn ít nhất một lần.

Anh nói thêm, những người miễn cưỡng rời đi thường rất nghèo, ít tin tưởng vào sự trợ giúp bên ngoài. "Họ cảm thấy như bị bỏ rơi," anh nói. Chính phủ Ukraine đã cung cấp cho những người sơ tán khoảng 50 USD một tháng và chỗ ở trong một số ký túc.

"Ukraine không phải là một quốc gia giàu có, nguồn lực xã hội không lớn. Vì vậy, khi ai đó đi cùng và nói rằng mọi thứ sẽ ổn thôi, chỉ cần lên xe và bạn sẽ có một tương lai, chúng tôi sẽ cho bạn một ngôi nhà và cho bạn quần áo, thì họ sẽ nghĩ điều đó thật nhảm nhí", Ivlev-Yorke chia sẻ.

Theo Guardian

Nguồn: Báo điện tử Dân trí




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC