Ông Trump dự kiến tránh nguy cơ bị bắt bằng việc ra trình diện trước tòa và tiến trình pháp lý có thể kéo dài đến sau cuộc bầu cử tổng thống 2024.

Đại bồi thẩm đoàn ở New York ngày 30/3 quyết định truy tố Donald Trump, khiến ông trở thành cựu tổng thống Mỹ đầu tiên bị truy tố. Hiện chưa rõ cáo buộc cụ thể với ông Trump là gì vì quyết định vẫn được niêm phong.

Công tố viên quận Manhattan Alvin Bragg là người dẫn đầu cuộc điều tra cáo buộc ông Trump trả tiền "bịt miệng" 130.000 USD cho sao khiêu dâm Stormy Daniels thông qua luật sư thân tín trong giai đoạn tranh cử tổng thống năm 2016, để ém nhẹm mối quan hệ với cô này.

Đại bồi thẩm đoàn là nhóm công dân đến từ nhiều lĩnh vực được lựa chọn để nghe công tố viên trình bày danh sách cáo trạng kèm theo bằng chứng, vật chứng. Nhóm công dân này có trách nhiệm xem xét lập luận của công tố viên và ra quyết định có truy tố bị cáo hay không.

Bragg hồi đầu năm đã gửi các cáo buộc chống lại ông Trump cho đại bồi thẩm đoàn ở New York gồm 23 người. Sau khi xem xét trong nhiều tháng, đại bồi thẩm đoàn đã họp trong tuần này và nhất trí truy tố ông Trump.

1 Ong Trump Doi Mat Quy Trinh Phap Ly Nhu The Nao

Cựu tổng thống Donald Trump tại sự kiện ở Dallas, bang Texas hồi tháng 8/2022. Ảnh: Reuters

Hôm 18/3, ông Trump đã bày tỏ lo ngại ông sẽ bị bắt. Tuy nhiên, ông Trump có thể tránh được nguy cơ này nếu tự nguyện ra trình diện trước tòa. Susan Necheles, luật sư của Trump, cho biết cựu tổng thống dự kiến trình diện vào ngày 4/4.

NBC News dẫn hai nguồn thạo tin nói ông Trump sẽ trình diện thẩm phán tòa sơ thẩm của bang New York Juan Merchan vào khoảng 14h15 ngày 4/4 (1h15 ngày 5/4 giờ Hà Nội). Nếu ông Trump không ra trình diện, các công tố viên sẽ cần gặp quan chức ở bang Florida, nơi cựu tổng thống cư trú, và xin phép dẫn độ ông về New York.

Cảnh sát hoặc các cơ quan thực thi pháp luật khác sẽ chụp chân dung và lấy dấu vân tay của ông Trump. Tại phiên trình diện, bị cáo sẽ nghe các cáo buộc và thường đưa ra phản hồi. Thẩm phán quyết định ông Trump sẽ bị giữ hay được tại ngoại.

Trong trường hợp được tại ngoại, thẩm phán cũng sẽ xác định liệu ông có phải nộp tiền bảo lãnh hay tuân thủ một số hạn chế nhất định trong khi chờ xét xử hay không. Việc tự trình diện sẽ giúp bị cáo tăng khả năng được tại ngoại vì điều đó cho thấy họ không trốn tránh vụ án.

Quan chức Sở Mật vụ phụ trách an ninh của Trump, Sean Curran, hoặc cấp phó của Curran, có khả năng sẽ tháp tùng Trump khi ông ra trình diện.

Khi Allen Weisselberg, cựu giám đốc tài chính của Tập đoàn Trump, bị truy tố ở Manhattan về tội gian lận thuế năm 2021, ông đã tự ra trình diện tại cửa phụ của tòa án trước giờ làm việc. Mục đích là "giảm khả năng động thái trở thành cơn sốt trên các phương tiện truyền thông", theo các luật sư của Weisselberg.

Weisselberg đến vào khoảng 6h15 và được đưa đến phòng chờ, trao đổi về khả năng được tại ngoại và các thủ tục khác. Để giết thời gian, ông mang theo một cuốn sách và được luật sư mang cho bữa ăn nhẹ, khẩu trang, kẹo bạc hà và các vật dụng khác.

Weisselberg trình diện trước thẩm phán và được cho tại ngoại khoảng 8 tiếng sau đó. Tuy nhiên, ông này cuối cùng đã nhận tội trốn thuế.

2 Ong Trump Doi Mat Quy Trinh Phap Ly Nhu The Nao

Quy trình xử lý án hình sự ở Mỹ. Đồ họa: Washington Post

Một câu hỏi được nhiều người quan tâm là liệu ông Trump có nguy cơ ngồi tù hay không. Câu trả lời phụ thuộc vào những cáo buộc đối với Trump và liệu ông có bị kết án hay không.

Nội dung các cáo buộc nhắm vào ông Trump chưa được công khai. Tuy nhiên, truyền thông Mỹ đưa tin cáo buộc có thể liên quan đến sai phạm hồ sơ kinh doanh, như liệt kê sai mục đích khoản chi "bịt miệng", hoặc vi phạm quy định tài chính của chiến dịch tranh cử. Theo luật New York, người phạm tội này có thể đối mặt mức án lên đến 4 năm tù.

Nhưng ngay cả trong trường hợp ông Trump bị tuyên có tội, điều đó cũng không đồng nghĩa ông sẽ phải ngồi tù. Giới quan sát cho rằng việc một người không có tiền án tiền sự bị kết án tù vì một tội không quá nghiêm trọng và không gây ra bạo lực là điều ít xảy ra.

Quá trình xử lý vụ án có thể diễn ra trong thời gian dài. Trong ba quý đầu năm 2022, trung bình một vụ án hình sự ở Manhattan mất hơn 900 ngày từ giai đoạn truy tố đến ra kết luận, theo dữ liệu của bang New York. Giới chuyên gia đánh giá thủ tục đối với ông Trump còn có thể kéo dài hơn do tính chất đặc biệt của vụ án.

Vì vậy, có khả năng phiên tòa xử ông Trump được tổ chức sau ngày bầu cử vào tháng 11/2024, mặc dù nước Mỹ chưa có tiền lệ xét xử một tổng thống đắc cử. Nếu trở thành tổng thống, ông Trump không nắm giữ quyền tự ân xá cho mình vì đây là vụ án ở cấp bang.

Karen Friedman Agnifilo, cựu trợ lý trưởng công tố quận Manhattan, hồi đầu tháng này được hỏi liệu thẩm phán có đưa ông Trump ra xét xử gần ngày bầu cử hay không. "Đây là điều chưa từng có tiền lệ nên tôi rất khó nói. Tôi nghĩ việc này khó xảy ra", Agnifilo cho biết.

Thanh Tâm (Theo Washington Post, AFP, AP)

Nguồn: VNEXPRESS.NET




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC