Các tướng không quân Đức thảo luận về tình hình Ukraine nhưng lại dùng phần mềm hội thảo không mã hóa, khiến thông tin mật bị tình báo Nga chặn thu.

Truyền thông Nga tuần trước công bố đoạn băng gần 40 phút ghi lại nội dung cuộc họp giữa các chỉ huy hàng đầu của không quân Đức ngày 19/2, với nhiều thông tin bí mật quân sự được thảo luận. Bộ Quốc phòng Đức xác nhận các tướng không quân đã bị nghe lén và đang điều tra cách Nga chặn thu nội dung cuộc họp.

Trong bản ghi âm, Tư lệnh không quân Đức Ingo Gerhartz yêu cầu cấp dưới chuẩn bị tài liệu thuyết trình cho Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius về khả năng chuyển tên lửa hành trình tầm xa Taurus KEPD 350 cho Ukraine, cũng như cách Kiev có thể dùng chúng để tập kích mục tiêu Nga.

1 Lo Hong Khien Cuoc Hop Mat Cua Tuong Duc Bi Nga Chan Thu

Tư lệnh không quân Đức Ingo Gerhartz trong sự kiện ở Berlin hồi tháng 6/2023. Ảnh: AFP

Wall Street Journal hôm 3/3 dẫn lời các quan chức cấp cao tại Đức nói rằng cuộc họp được tiến hành trên Webex, nền tảng họp trực tuyến dân sự thông dụng và không sử dụng phương pháp mã hóa nào theo tiêu chuẩn của quân đội. Một trong 4 sĩ quan Đức tham gia cuộc họp bằng điện thoại cá nhân kết nối từ phòng khách sạn tại Singapore.

Dù không áp dụng biện pháp bảo mật nào, các sĩ quan hàng đầu không quân Đức vẫn thoải mái thảo luận những nội dung tuyệt mật của quân đội nước này và cả các đồng minh châu Âu, trong đó có phương án hỗ trợ Ukraine tập kích cầu Kerch, mục tiêu chiến lược nối giữa lục địa Nga và bán đảo Crimea.

Các sĩ quan Đức trong cuộc họp nói rằng họ đã phân tích chi tiết phương án tấn công cầu Kerch, nhận định Ukraine sẽ cần 10-20 tên lửa Taurus để vượt qua lưới phòng không Nga và phá hủy mục tiêu này.

"Không có lý do nào ngăn cản điều đó, tất cả đều phụ thuộc vào lằn ranh đỏ về mặt chính trị", tướng Gerhartz nói trong băng ghi âm, nhưng cũng thừa nhận tên lửa Taurus không thể thay đổi đáng kể cục diện chiến sự, ngay cả khi Ukraine có thể dùng chúng để đánh sập cầu Kerch, còn gọi là cầu Crimea. Các lãnh đạo chính trị Đức đến nay đều phản đối chuyển tên lửa Taurus cho Ukraine vì lo ngại chúng sẽ được sử dụng để tấn công lãnh thổ Nga, đặc biệt là thủ đô Moskva.

Đức nêu lý do không chuyển tên lửa 500 km cho Ukraine

Roderich Kiesewetter, chính trị gia đối lập Đức, cho rằng một người hoàn toàn xa lạ khó có thể kết nối vào cuộc họp bằng Webex khi các tướng thảo luận những thông tin này, nhưng đặc vụ Nga ở Đức có thể đã tìm được cách tham gia cuộc họp và thu lại nội dung thảo luận.

Trong bản ghi âm, một tướng Đức còn nói rằng ông sẽ chuyển thêm thông tin cho đồng nghiệp qua WhatsApp, ứng dụng nhắn tin cũng không được bảo mật.

"Có những dấu hiệu cho thấy các tướng không quân đã sử dụng phương thức liên lạc không bảo đảm tính bảo mật khi thảo luận về những nội dung này. Đây là một trong những vấn đề cần được điều tra thêm", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đức nói với tờ Bild.

Một quan chức am hiểu tình hình cuộc điều tra cho hay sự cố này là "hồi chuông cảnh tỉnh với nhiều người", thêm rằng quân đội và nhiều bộ ngành nhạy cảm của Đức đều dùng Webex như một phương thức liên lạc phổ biến.

Cựu thứ trưởng quốc phòng Anh Alec Shelbrooke mô tả sự việc là "sai lầm nghiệp dư", cho rằng đây là một trong những vụ rò rỉ an ninh lớn nhất của Đức kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

"Câu hỏi đặt ra là liệu đây chỉ là sự cố đơn lẻ hay vấn đề an toàn mang tính hệ thống", nghị sĩ Konstantin von Notz, chủ tịch ủy ban giám sát quốc hội Đức, cho hay.

Eva Hogl, Ủy viên Quốc phòng thuộc quốc hội Đức, yêu cầu quân đội cải tổ sâu rộng sau vụ rò rỉ.

"Những người chịu trách nhiệm trong sự việc cần được lập tức đào tạo về liên lạc bảo mật. Lực lượng vũ trang cũng phải bảo đảm hoạt động liên lạc và chia sẻ thông tin mật được tiến hành một cách an toàn và ổn định", bà nói, đồng thời kêu gọi tăng cường đầu tư cho lĩnh vực chống do thám và củng cố năng lực của Cơ quan Phản gián Quân đội Đức.

Đây chỉ là sự việc mới nhất cho thấy khả năng xâm nhập của tình báo Nga vào nội bộ Đức. Một sĩ quan từng làm việc trong cơ quan phát triển vũ khí Đức và một quan chức tình báo cấp cao nước này đã bị bắt trong năm 2022-2023 với cáo buộc chuyển thông tin cho Nga.

2 Lo Hong Khien Cuoc Hop Mat Cua Tuong Duc Bi Nga Chan Thu

Tên lửa Taurus KEPD 350 trong trạng thái chờ lắp ráp hồi năm 2018. Ảnh: Saab

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng bản ghi âm là "vết nhơ trên mặt" đối với NATO, nhấn mạnh các sĩ quan Đức hiểu rõ rằng họ đang tìm cách tham gia trực tiếp vào xung đột Ukraine. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng yêu cầu giới chức Đức "nhanh chóng giải thích" về nội dung băng ghi âm.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cam kết sẽ điều tra sự việc một cách toàn diện, thận trọng và nhanh chóng, mô tả vụ thông tin bị rò rỉ là "rất nghiêm trọng". Phó chủ tịch ủy ban giám sát quốc hội Đức Koderich Kiesewetter cho rằng có thể Moskva công bố ghi âm để cảnh báo Berlin không viện trợ tên lửa hành trình Taurus cho Kiev.

Đức đang sở hữu khoảng 600 tên lửa Taurus, trong đó 500 quả ở tình trạng sẵn sàng vận hành. Tướng Gerhartz nói rằng Berlin có thể chuyển 100 quả đạn cho Kiev theo hai đợt, thêm rằng Anh và Pháp đang gây áp lực để Đức viện trợ Taurus cho Ukraine vì kho dự trữ tên lửa Storm Shadow/SCALP-EG của hai nước đã cạn dần.

Vũ Anh (Theo Wall Street Journal, Telegraph)

Nguồn: VNEXPRESS.NET




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC