Nhiều người Đức tin rằng đất nước của họ sẽ không còn chủ nghĩa dân tộc cực đoan và phân biệt chủng tộc sau quá khứ đầy ám ảnh về Đức Quốc xã. Nhưng họ đã sai.

Khi tham gia biểu tình chống đảng cực hữu AfD ở Berlin gần đây, Sabine Thonke hy vọng có thể ngăn chặn sức mạnh ngày càng tăng của phe cực đoan.

Sabine Thonke, 59 tuổi, đã theo dõi sự trỗi dậy của đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) với tâm trạng bất an. Khi nghe tin các chính trị gia của AfD đang thảo luận về kế hoạch trục xuất hàng triệu người khỏi nước Đức, bà cảm thấy mình cần phải hành động.

"Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng những ý tưởng vô nhân đạo như vậy sẽ xuất hiện ở nước Đức một lần nữa. Tôi nghĩ chúng tôi đã học được nhiều điều từ quá khứ", Thonke nói.

Giống như Thonke, nhiều người Đức tin rằng đất nước của họ sẽ không còn chủ nghĩa dân tộc cực đoan và phân biệt chủng tộc sau quá khứ đầy ám ảnh về Đức Quốc xã. Nhưng họ đã sai.

Nếu Đức tổ chức bầu cử ngay bây giờ, AfD sẽ là đảng giành được số phiếu ủng hộ lớn thứ hai, theo các cuộc thăm dò. Đặc biệt, đảng cực hữu này nhận được ủng hộ rất lớn ở các bang miền đông kém thịnh vượng hơn của Đức.

Sự trỗi dậy của AfD được thúc đẩy bởi làn sóng phẫn nộ về tình trạng lạm phát và làn sóng nhập cư gia tăng ở Đức. Liên minh châu Âu (EU) đã tiếp nhận 1,1 triệu đơn xin tị nạn vào năm 2023, mức cao nhất kể từ năm 2015, trong đó 330.000 xin vào Đức, chủ yếu đến từ Syria, Afghanistan và Thổ Nhĩ Kỳ. Đức cũng đã tiếp nhận hơn một triệu người Ukraine chạy trốn xung đột.

Nhiều cử tri ở Đức và trên khắp châu Âu ngày càng ủng hộ các đảng dân tộc cực hữu, những người tuyên bố sẽ hạn chế nhập cư, trục xuất người tị nạn và có thể hạn chế cả các quyền tự do dân chủ về tôn giáo, ngôn luận hoặc biểu tình. Các nhóm này đang lớn dần ở Pháp, Italy, Hà Lan và Áo.

Sau khi Đức Quốc xã bị đánh bại năm 1945, người Đức tin rằng chế độ phát xít sẽ không bao giờ xuất hiện trên lãnh thổ nước này lần nữa. Các học sinh Đức thường xuyên được dẫn đi tham quan trại tập trung hoặc đài tưởng niệm nạn nhân diệt chủng Holocaust để ghi nhớ bài học về quá khứ.

Thonke, người làm việc tại một công ty cung cấp nước ở Berlin, lớn lên ở Bavaria và không được ông bà kể nhiều về những gì xảy ra thời Đức Quốc xã, nhưng đã học về sự trỗi dậy của Adolf Hitler và thảm họa Holocaust tại trường.

Bà cho biết phe cực hữu ngày nay sử dụng các chiến thuật tương tự thời Hitler để gieo rắc nỗi sợ hãi cho người dân, nhằm giành được lòng tin và phiếu bầu của họ.

"Tôi hiểu nhiều người cảm thấy kiệt sức với các cuộc khủng hoảng, từ Covid-19, xung đột Ukraine cho tới vấn đề người di cư và lạm phát. Họ sợ rằng mọi thứ sẽ tệ hơn. Nhưng các giải pháp mà AfD đưa ra không thể giải quyết những vấn đề đó", Thonke nói.

Khảo sát dư luận cho thấy AfD đứng đầu ở hai bang miền đông Saxony và Thuringia, với khoảng 35% cử tri ủng hộ ở mỗi bang. Cả hai bang đều tổ chức bầu cử vào mùa thu cùng với bang Brandenburg, nơi AfD dự kiến giành lợi thế lớn.

Đảng cực hữu AfD thực sự thu hút nam giới Đức, với khoảng 2/3 cử tri ủng hộ là nam. Số cử tri trẻ tuổi ủng hộ đảng cũng ngày một tăng. Trong các cuộc bầu cử cấp bang ở Hesse và Bavaria hồi tháng 10 năm ngoái, AfD đã nhận được ủng hộ lớn trong nhóm cử tri dưới 24 tuổi.

Đảng này cũng được hưởng lợi khi cử tri tỏ ra thất vọng đối với Thủ tướng Olaf Scholz. Chính phủ của ông lên nắm quyền hơn hai năm trước với chương trình nghị sự tiến bộ và hiện đại hóa, song bây giờ bị nhiều người coi là gây rối loạn và không có năng lực.

Trong đảng AfD, nhánh Thuringia tỏ ra đặc biệt cực đoan. Lãnh đạo Bjoern Hoecke đã nhiều lần tán thành quan điểm xét lại về Đức Quốc xã. Năm 2018, ông gọi đài tưởng niệm Holocaust ở Berlin là "tượng đài của sự hổ thẹn" và kêu gọi Đức thay đổi hoàn toàn cách họ nhớ về quá khứ.

"AfD là đảng dân tộc chủ nghĩa và những người theo chủ nghĩa này muốn tự hào về lịch sử của họ. Bất kỳ ai muốn tự hào về lịch sử Đức đều cần giảm bớt hoặc thậm chí phủ nhận sự hổ thẹn về tội ác của Đức Quốc xã để có thể kể những câu chuyện vĩ đại của quốc gia", Jens-Christian Wagner, nhà sử học kiêm người đứng đầu đài tưởng niệm Buchenwald, nơi từng là trại tập trung ở Thuringia mà Đức Quốc xã đã sát hại hơn 56.000 người, nói.

Kể từ tháng 1, làn sóng biểu tình chống phe cực hữu đã lan rộng khắp nước Đức, sau khi Thủ tướng Scholz cho hay đại diện các tổ chức cực hữu đã gặp nhau tại một biệt thự ở ngoại ô Berlin vào tháng 11 năm ngoái để thảo luận về kế hoạch trục xuất hàng triệu người nhập cư, trong đó có cả một số người đã được cấp quốc tịch Đức, nếu họ lên nắm quyền.

Kế hoạch này sau đó được nhóm phóng viên điều tra Correctiv phanh phui, dẫn đến làn sóng phẫn nộ trong dư luận Đức, bởi những gì phe cực hữu thảo luận rất giống chính sách trục xuất những người không thuộc chủng tộc Đức mà các phần tử Quốc xã đưa ra trước đây. Thủ tướng Scholz khẳng định Đức sẽ không cho phép bất cứ ai phán xét công dân nước này dựa trên nguồn gốc của họ.

Tham dự cuộc họp bí mật này còn có Martin Sellner, thanh niên người Áo có tầm ảnh hưởng với các nhóm tân phát xít và theo đuổi chủ nghĩa cực đoan bạo lực. Cuộc họp có sự tương đồng kỳ lạ với Hội nghị Wannsee cũng diễn ra tại một biệt thự bên hồ ở ngoại ô Berlin năm 1942, khi Đức Quốc xã nhất trí về "giải pháp cuối cùng", cuộc vây bắt có hệ thống dẫn tới 6 triệu người Do Thái thiệt mạng.

Trước sự phẫn nộ của dư luận, các lãnh đạo AfD tìm cách phủ nhận liên quan, nói rằng họ không tham gia tổ chức hoặc tài trợ sự kiện này, cũng như không chịu trách nhiệm về những gì được thảo luận và thành phần tham dự.

1 Nguoi Duc Thap Thom Voi Su Troi Day Cua Bong Ma Cuc Huu

Người Đức biểu tình chống đảng cực hữu AfD ở Berlin ngày 21/1. Ảnh: AP

Tuy nhiên, hàng triệu người Đức đã biểu tình với các khẩu hiệu như "chống thù hận", "không để quá khứ lặp lại", hoặc "bảo vệ nền dân chủ". Các cuộc biểu tình ở thành phố Berlin, Munich, Hamburg hay Duesseldorf đã thu hút hàng trăm nghìn người tham gia cùng lúc, nhiều tới mức chính quyền buộc phải yêu cầu cuộc tuần hành kết thúc sớm vì lo ngại rủi ro an ninh.

Nhiều người ở các thị trấn nhỏ cũng tổ chức biểu tình hoặc các buổi cầu nguyện hàng tuần trong khu phố để bày nỗi thất vọng với sự ủng hộ ngày càng tăng dành cho chủ nghĩa dân túy cực đoan. Bộ Nội vụ Đức cho biết hơn 2,4 triệu người đã tham gia các cuộc biểu tình chống AfD từ giữa tháng 1.

Thonke, người đã tham gia hai cuộc biểu tình ở Berlin, cảm thấy nhẹ nhõm vì đất nước của bà dường như đang "thức tỉnh".

"Tôi không cảm thấy bất lực như những năm qua nữa", bà nói và thêm rằng chính phủ cần "tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng di cư, nếu không muốn AfD tiếp tục lợi dụng chủ đề này và trở nên mạnh hơn".

Tuy nhiên, AfD vẫn trỗi dậy. Hồi tháng 12 năm ngoái, đảng cực hữu đã đạt bước tiến quan trọng khi lần đầu tiên ứng cử viên của họ chiến thắng trong cuộc bầu cử thị trưởng tại thành phố Pirna ở Saxony.

Mục tiêu hiện tại của đảng là cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6. Nếu Thonke và những người khác muốn đẩy lùi phe cực hữu, họ sẽ phải thuyết phục các cử tri phản đối đảng này và đi bỏ phiếu với số lượng lớn.

Thanh Tâm (Theo AP)

Nguồn: VNEXPRESS.NET




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC