Hội đoàn người Việt ở Đức sẽ đi về đâu?Bức tường Berlin sụp đổ cách đây 25 năm đã mở đường cho việc tái thống nhất nước Đức, đồng thời đánh dấu sự hình thành và phát triển của cộng đồng người Việt ở miền Đông nước Đức trong nước Đức thống nhất. 

Thời CHDC Đức, các đoàn sinh viên, đội lao động đều do Đại sứ quán phối hợp với phía Đức tổ chức và quản lý chặt chẽ. Sau khi nước Đức thống nhất, một số hội lẻ tẻ ra đời: Khoảng đầu năm 1992, Hội người Việt ở Berlin và Brandenburg được thành lập với sự giúp đỡ của bạn bè Đức với mục tiêu đòi quyền ở lại cho công nhân xuất khẩu lao động.

Cùng năm, sau sự kiện bọn cực hữu hành hung người nước ngoài, đốt nhà „Hoa Hướng dương“ ở Rostock-Lichtenhagen, Hội Diên Hồng đã được thành lập ở Rostock cũng với sự giúp đỡ của bạn bè Đức để đấu tranh đòi quyền lợi của mình. Bên cạnh đó còn có Hội VINAPHUNU… Phải tới đầu những năm 2000, khi đời sống dần ổn định, quy chế lưu trú được bảo đảm, con cái lớn lên, tuổi tác dần dần cao lên, người Việt bắt đầu quan tâm tới việc thành lập hội đoàn để gặp gỡ, trao đổi giúp đỡ lẫn nhau.

Khoảng những năm 2010, phong trào thành lập hội đoàn nở rộ. Các hội đoàn mọc lên như nấm sau cơn mưa, tăng vọt lên con số trên 100 hội đoàn. Nhưng sau những trống giong, cờ mở ban đầu, phong trào lại xẹp xuống vì… chẳng biết làm gì nữa. Sinh hoạt của nhiều hội đoàn phần lớn chỉ mang tính hình thức mà thiếu nội dung. Đôi lúc có ai ốm nặng cũng được tới thăm nom. Các hội đồng hương hoạt động có lẽ chỉ có hiệu quả nhất khi có một hội viên chẳng may qua đời, vì khi đó hội cùng với tang chủ tổ chức tang lễ „theo phong tục quê mình“.

Còn nhiều hội đoàn chỉ thường xuyên tổ chức đại hội hoặc gặp mặt hàng năm, dùng tiền hội phí hoặc tiền đóng góp của các thành viên ban chấp hành, hoặc sự tài trợ của một số nhà doanh nghiệp làm ăn phát đạt để ăn uống trong dịp này. Nhiều hội cũng nhân dịp này tặng giấy khen, tặng thưởng mấy chục Euro cho những cháu học giỏi để khuyến khích, nhưng sau đó cả năm chẳng hỏi gì tới… nên được một vài lần cũng nhàm, các cháu và bố mẹ cũng mất hào hứng đăng ký. Nhiều hội lấy theo tên tỉnh cũ, khi sáp nhập tỉnh cho đông hội viên. Nhưng trong sinh hoạt nảy sinh bất đồng, thậm chí tranh cãi gay gắt nên lại tách hội, lấy theo tên tỉnh đã tách ra. Có những hội mới thành lập được vài năm đã mâu thuẫn, tách ra thành mấy hội rồi tranh giành cả „thương hiệu“ với nhau, gây mất đoàn kết, thậm chí căng thẳng. Về những tranh cãi xung quanh Liên hiệp người Việt toàn Liên bang Đức vừa qua, tôi nghĩ rằng các bên không hiểu nhau hoặc cố tình không hiểu nhau.

Trong điều lệ được đăng ký ngày 12.11.2013, ở điều 2 nêu rõ về nhiệm vụ của Liên hiệp là: "Đại diện cho các Hội thành viên và Hội viên cá nhân", tức là không phải là đại diện cho "toàn thể cộng đồng", thế sao cứ phải chụp mũ là họ đòi như vậy? Vậy hướng đi nào cho hoạt động của các hội đoàn nói chung? Thực ra, không thể có một giải pháp chung.

Điều quan trọng là những người trong BCH, đặc biệt là chủ tịch phải „có tâm, có tầm“, không vụ lợi cá nhân trong các hoạt đồng vì tập thể, phải tìm ra một phương thức hoạt động riêng. Các CLB thể thao như bóng đá, bóng bàn, golf… thì có cùng sở thích, dễ tổ chức thi đấu, giao lưu. Các hội đồng hương nên quan tâm hơn nữa đến việc học tiếng Việt của các con. Chúng tôi nhận thấy cơ sở vật chất của các lớp học tiếng Việt ở Berlin khá nghèo nàn. Ví dụ như khi tổ chức hội nghị hàng năm, các hội đồng hương có thể ghi trong giấy mời không nên tặng hoa nhiều vì rất lãng phí. Một bó hoa đẹp phải vài chục Euro, một lẵng hoa đẹp có thể lên tới một hai trăm Euro. Số hoa tặng một hội nghị có thể lên tới hàng nghìn Euro. Nếu số hoa đó được chuyển thành tặng „phong bì“ và lấy số tiền đó để ủng hộ các lớp tiếng Việt mua sắm trang thiết bị dạy học thì rất quý và thiết thực.

Về các hoạt động chung, nên chăng có thể tổ chức các chuyến đi dã ngoại chung, tìm hiểu văn hóa, lịch sử nước Đức để có thể gắn kết các cháu thế hệ thứ hai với nhau? Trên đây chỉ là một vài ý kiến với mong muốn các hội đoàn có nhiều sáng kiến, cải tiến công tác hội sao cho vui vẻ, lành mạnh, thiết thực, có chiều sâu nội dung, tăng cường đoàn kết, gắn bó cộng đồng. Đừng để xảy ra tình trạng „Đầu voi, đuôi chuột“.

Theo Vũ Trung
Thoibao




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC