„Ném đá giấu tay thời @“ trong cộng đồng người Việt ở ĐứcKhông biết thành ngữ „Ném đá giấu tay“ đã được đưa vào sử dụng trong tiếng Việt từ bao giờ. Nó ám chỉ hành động của một người muốn hại một người khác, nhưng không muốn hoặc không dám để người khác biết là mình làm, vì vậy rõ ràng là một hành động mờ ám.

 

„Ném đá giấu tay thời @“ trong cộng đồng người Việt ở Đức_0
Một bức thư „Ném đá giấu tay thời @“ được gửi cho hàng trăm địa chỉ.

Ngày nay, từ „ném đá“ cũng hay được sử dụng để chỉ sự công kích, phê phán đối với một ai đó, hoặc một hành động nào đó được coi là không hay hoặc quá đáng.

Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, sự lan tỏa của Internet, các trang mạng xã hội và thư điện tử (Email), việc „Ném đá giấu tay thời @“ đã có một phương tiện chuyển tải khủng khiếp, chỉ trong giây phút có thể chuyển tải thông tin tới mọi miền trên Trái Đất, gây tác hại không nhỏ cho người bị hại và gây nhiễu thông tin.

Cộng đồng người Việt ở Đức, về cơ bản được đánh giá là một cộng đồng hội nhập tốt và có nhiều hoạt động hướng về quê hương, đất nước. Tuy nhiên, trong sinh hoạt cộng đồng, vẫn còn một số người thuộc diện „Ném đá giấu tay thời @“, soạn những bức thư rõ dài, nói xấu người này, người khác, đưa lên Internet, gửi Email đi khắp nơi, tới hàng trăm địa chỉ, bất kể người nhận được có muốn xem hay không. Quả thực là nhiều người sau khi nhận được những bức thư không mong muốn đó đã phải trả lời, yêu cầu không tiếp tục gửi thư cho họ nữa, vì họ không muốn xem, mất thì giờ. Hoặc trên các trang mạng xã hội, họ dùng cả những lời lẽ thô tục để công kích người này, khích bác người kia, làm như quan tòa để phán xét người khác mà chẳng có bằng chứng gì.

Hầu hết những người „Ném đá giấu tay thời @“ đó đều dùng những Nickname mà người ta không thể biết là ai, hoặc dù có ghi tên có vẻ thật cũng chưa chắc đúng. Với những bức thư và những lời bình trên thực tế là nặc danh đó, họ có thể „chửi cả làng Vũ Đại“, thậm chí họ đã có lần lăng mạ, bôi nhọ cả người đại diện cho đất nước VN ở Đức.

Chúng tôi nghĩ rằng chúng ta nên đối xử với nhau cho đàng hoàng, có văn hóa, nếu có quan điểm khác nhau có thể góp ý, tranh luận với tinh thần xây dựng, tôn trọng lẫn nhau, đừng nên lợi dụng các phương tiện thông tin nặc danh để „cả vú lấp miệng em“, vừa mất thì giờ, tâm trí của mình, vừa mất thì giờ và gây khó chịu cho những người vô can.

 Mi An
Theo Vũ Văn -Thoibao




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC