Những quy định và đạo luật mới từ đầu năm 2015Những sửa đổi về quy định và luật pháp ở Đức có thể gây lúng túng cho công dân và người tiêu dùng. Chúng tôi xin điểm qua những sửa đổi quan trọng nhất trong năm 2015.

 Lệ phí bảo hiểm y tế

 
Kể từ 1/1/2015, lệ phí bảo hiểm y tế theo luật định sẽ giảm từ 15,5% xuống 14,6% tổng thu nhập (Bruttoeinkommen). Chủ thuê lao động và người lao động chia nhau, mỗi bên đóng 7,3%.
 
Nhưng không phải vì vậy mà tất cả mọi người sẽ được giảm lệ phí, bởi vì trong tương lai, các hãng bảo hiểm y tế được phép đòi thêm lệ phí bổ sung theo tỉ lệ phần trăm thu nhập, mà chỉ người được bảo hiểm phải đóng, chủ thuê lao động không phải đóng thêm.
 
Nhìn chung, người ta trông chờ là các hãng bảo hiểm y tế sẽ áp dụng lệ phí bổ sung bằng 0,9% thu nhập để đạt được mức thu lệ phí của năm 2014. Tuy nhiên, tùy tình trạng tài chính mà từng hãng bảo hiểm có thể thu lệ phí bổ sung cao hơn hoặc thấp hơn.
 
Các hãng bảo hiểm chỉ phải thông báo trước 04 tuần cho khách hàng về việc thu lệ phí bổ sung. Ví dụ như muốn thu lệ phí bổ sung trong tháng 1 năm sau, họ chỉ phải thông báo cho khách hàng trước ngày 31/12 năm đó.
 
Luật mới về bảo hiểm nhân thọ
 
Luật cải cách bảo hiểm nhân thọ cũng bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2015. Đối với các hợp đồng bảo hiểm mới, lãi suất được bảo đảm sẽ giảm từ 1,75% xuống 1,25%. Những khách hãng cũ muốn cắt hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trước thời hạn dự tính sẽ bị thua thiệt, bởi vì nếu một công ty bảo hiểm gặp khó khăn về mặt tài chính, họ chỉ phải trả ít hoặc thậm chí không phải trả cho khách hàng tiền chênh lệch từ giá thị trường và giá mua cổ phiếu (Stille Reserven).
 
Hậu quả là chỉ những khách hàng đã chọn một hãng bảo hiểm tốt, có lãi mới chắc chắn rằng sẽ nhận được đầy đủ mức chênh lệch giữa giá thị trường và giá mua cổ phiếu. Đổi lại, luật mới quy định người đóng bảo hiểm được hưởng nhiều hơn từ lợi nhuận của hãng bảo hiểm.
 
Quy định mới tăng tiền cho cha mẹ
 
Quy định cải cách tiền cha mẹ (Elterngeld) cũng bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2015. Những quy định mới trước hết tăng thêm khả năng lựa chọn cho cha mẹ muốn chăm sóc con mình những năm tháng đầu đời như thế nào.
 
Những bậc cha mẹ sau khi sinh con muốn nhanh chóng trở lại làm việc sẽ được khuyến khích vật chất nhiều hơn cho tới nay.
 
Thêm vào đó, nếu hai cha, mẹ chia đều nhau thời gian vừa đi làm và chăm sóc con, họ sẽ được thưởng thêm 4 tháng tiền cha mẹ nữa, gọi là Elterngeld Plus.
 
Chính phủ liên bang chi trả hoàn hoàn Tín dụng sinh viên
 
Từ 1/1/2015, chính phủ CHLB Đức sẽ tiếp nhận hoàn toàn việc chỉ trả cho Tín dụng sinh viên (BAföGs- dịch sát nghĩa là Luật hỗ trợ đào tạo liên bang). Cho tới nay, các bang phải đóng góp 35% vào kinh phí này. Qua đó, các bang tiết kiệm được hàng năm gần 1,2 tỉ Euro. Theo dự luật, số tiền này sẽ được dành cho lĩnh vực giáo dục, đặc biệt cho các trường đại học.
 
Kể từ đầu năm học 2016, mức BAföGs sẽ được tăng lên.
 
Lò sưởi cũ phải thay sau 30 năm sử dụng
 
Những lò sưởi dầu và gas đã tồn tại từ 30 năm trở lên sẽ phải được thay trong năm 2015. Cho tới nay, chỉ những lò sưởi được lắp trước năm 1978 mới phải thay.
 
Có nghĩa là những bình đun nước để sưởi được lắp đặt trước ngày 1/1/1985 sẽ không được phép sử dụng nữa. Trong những năm tới, những bình đun nước để sưởi đã qua 30 năm sẽ phải thay.
 
Ngoại lệ là những chủ sở hữu bất động sản đã tự ở nhà mình hoặc căn hộ của mình từ trước 1/2/2002 thì không phải trang bị thêm bình đun nước nóng để sưởi (Heizkessel).
 
Luật mới về trình báo nơi cư trú (Melderecht)
 
Luật mới về trình báo nơi cư trú sẽ có hiệu lực từ tháng 5/2015 và được thống nhất trên toàn nước Đức.
 
Thông qua việc tiêu chuẩn hóa công nghệ thông tin, việc quản lý số liệu trình báo của 82 triệu công dân ở hơn 5.200 hồ sơ trình báo sẽ được đơn giản hóa. Sẽ không có hồ sơ tập trung, nhưng cơ quan chức năng có thể truy cập trực tuyến tới tất cả các hồ sơ.
 
Quyền tự quyết về cung cấp thông tin trong hồ sơ trình báo cũng được tăng cường. Những thông tin cho mục đích quảng cáo và buôn bán địa chỉ trong tương lai sẽ chỉ được phép, nếu người liên quan đồng ý cung cấp những thông tin trình báo cho mục đích này.
 
Thêm vào đó bãi bỏ nghĩa vụ phải trình báo ở bệnh viện và các cơ sở tương tự và đơn giản hóa nghĩa vụ trình báo ở khách sạn. Đối với giới kinh tế, điều này sẽ cho phép tiết kiệm được hàng trăm triệu Euro.
 
Người cho thuê nhà phải xác nhận người thuê nhà dọn tới ở
 
Luật trình báo cư trú áp dụng lại quy định được bãi bỏ 10 năm trước đây về việc người thuê nhà khi dọn đến hay dọn đi đều phải trình báo nhằm ngăn chặn việc đăng ký cư trú giả, tức là đăng ký cư trú tại một căn hộ nào đó mà người cho thuê nhà chẳng biết gì cả, người đăng ký cũng không tới ở.
 
Trong tương lai, trong vòng 2 tuần, người cho thuê nhà phải xác nhận với cơ quan đăng ký cư trú bằng văn bản hoặc qua điện thoại là người thuê nhà đã dọn đến ở hoặc đã dọn đi. Bản xác nhận có tên và địa chỉ người cho thuê nhà, tên và địa chỉ, thời gian người thuê nhà dọn đến hay dọn đi.
 
Cho tới nay, bọn tội phạm thường dùng đăng ký cư trú giả để có những hành vi phạm tội như lừa đảo thẻ tín dụng…
 
Mai Lan
Theo Văn Long/ Thoibao.



 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC