Lộ mặt "thiên tài" chép tranh Sự lo ngại đang lan rộng trong thế giới hội họa sau khi cảnh sát Đức công bố việc phát hiện những dấu hiệu giả mạo trong số các bức kiệt tác thế kỷ 20 được bán trong những năm qua bởi các nhà đấu giá hàng đầu thế giới.

Bức tranh giả 2,9 triệu bảng Anh

Tháng 11-2006, người chủ Trasteco, một công ty thương mại ở Malta thông qua nhà đấu giá hàng đầu Đức Lempertz mua bức tranh “Red picture with horses” của Heinrich Campendonk, họa sỹ nổi tiếng người Đức với giá 2,9 triệu bảng Anh.

Khi giao hàng, đại diện Lempertz nói như đinh đóng cột rằng bức tranh này không thể có hàng giả, “đến các con của Campendonk cũng đã xác nhận tính chân thực của nó”.

Nhưng vốn tính cẩn thận, hơn nữa, vì giá bức tranh không rẻ chút nào, nên người chủ này vẫn chuyển bức tranh cho Andre Phirnik, một chuyên gia về lịch sử nghệ thuật cùng lời dặn dò “Nhất định phải kiểm tra thật tỉ mỉ”.

Andre Phirnik cũng là một người có thừa thận trọng, cô mang bức tranh đến cho Ralph Jentsh, một chuyên gia có kinh nghiệm mấy chục năm nghiên cứu hội họa giám định. Ngay khi nhìn thấy ký hiệu sưu tầm trên bức tranh, Ralph đã bật cười.

Ông khẳng định, chiếu theo phong cách thời đó, các ký hiệu của nhà sưu tầm không được in trên bức tranh. Khi nghe nói nhà sưu tầm là Warner Kakuji, Ralph cho biết, “Tôi chưa từng nghe thấy cái tên này”.

Cuối năm 2008, người chủ mới của bức “Red picture with horses” lại nghe được một thông tin không mấy êm tai: trên bức tranh đã phát hiện một chất màu mà năm 1914 chưa hề có. Không nghi ngờ gì nữa, bức tranh là giả.

Cặp vợ chồng “nghệ sỹ”

Người bán bức tranh giả cho Lempertz là Helene Beltracchi, một phu nhân giàu có 52 tuổi. Khi đó, Helene và chồng, Wolfgang Beltracchi, 59 tuổi, một nghệ sỹ người Freiburg đang sống trong một biệt thự sang trọng, hưởng thụ cuộc sống sung túc, hoàn toàn không ý thức được về họa pháp đình sắp ập xuống. Tháng 8-2010, khi vừa ra khỏi nhà đi ăn tối, 2 vợ chồng Beltracchi bị bắt.

Trong ký ức của nhiều người, từ nhỏ Wolfgang đã mơ ước về cuộc sống thượng lưu. Được thừa hưởng khả năng nghệ thuật từ người cha, một họa sỹ vẽ bích họa nhà thờ, Wolfgang sớm bộc lộ năng khiếu.

Những người bạn của ông ta từng kinh ngạc nói rằng, Wolfgang “có thể vẽ lại tất cả những gì cậu ấy nhìn thấy”. Dù hay khoác lác, nhưng Wolfgang thực sự có tài thiên bẩm. Tài năng đó “nở rộ” sau khi Wolfgang gặp Helene. Chồng chép tranh, vợ tìm mối bán.

Năm 1995, lần đầu tiên Helene tiếp xúc với Lempertz nhằm bán một bức tranh của họa sỹ Đức Hans Perlman, đương nhiên là do Wolfgang vẽ. Tuy nhiên con mắt tinh đời của thương gia thuộc Lempertz đã phát hiện ra đó là tranh giả. 8 tháng sau, Helene tiến hành phi vụ thứ 2, lần này bà ta nhắm ra nước ngoài, cuối cùng bán được bức “Cô bé và con thiên nga” của Heinrich Campendonk với giá 67.500 bảng Anh.

Để lấy lại lòng tin của Lempertz, năm 1998, Helene bán cho nhà đấu giá này một bức tranh thật, khiến họ tin rằng bà ta thực sự đại diện cho một nhà sưu tầm lớn. Từ đó tới nay, Lempertz còn mua thêm 5 bức tranh khác từ Helene.

Theo kết quả điều tra, việc làm giả tranh ngoài vợ chồng Beltracchi còn có chị gái Helene, Susanne, 57 tuổi. Trong 15 năm qua, lấy danh nghĩa người ông, một nhà sưu tầm tranh, 3 người này đã làm giả và bán 35 bức họa, trong đó có tác phẩm của Max Ernst, Raoul Dufy và Fernand Léger, kiếm được hơn 30 triệu euro.

Riêng bức “La Horde” của Max Ernst được bán cho Wurth Collection với giá 3,5 triệu bảng; “Bateaux a Collioure” của André Berain được bán 2 triệu bảng.   

Thông tin được công bố khiến nhiều nhà buôn tranh trên toàn thế giới bắt đầu kiểm định lại những món hàng mình đã mua bán. Luật sư Friederrike Grafin von Bruhl thậm chí phải thốt lên: “Đây quả là một scandal lớn đối với thế giới nghệ thuật. Tất cả mọi người đều bị sốc”.

Theo Sohu.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC