Sau khi bức tường Berlin sụp đổ một thời gian thì tôi quen biết hắn trong một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt và oái oăm. Chính câu chuyện về đời hắn đã giúp tôi có cảm hứng để viết thiên truyện ngắn “Lá bùa“. Vậy nguyên mẫu thực này ra sao? Cái cuộc sống khốn nạn của hắn ở nước Đức thực tế như thế nào?

Thời ấy, có quá nhiều toán người Việt từ khắp Đông Âu, Ba Lan, Tiệp và nhất là Nga đổ vào Đức. Những kẻ quen đời sống lưu vong ấy tới Đức xưng hùng xưng bá khiến từng tốp cướp mọc lên như nấm, biến Berlin thành một vùng kiếm chác béo bở. Chúng kiếm ăn từ tiền mồ hôi nước mắt của đồng bào mình, của đám thợ khách không công ăn việc làm phải tràn ra hè phố, góc chợ buôn bán vặt như thuốc lá lậu và băng nhạc nhái.

Hắn cũng chỉ là một hạt bụi, lẫn trong các toán giang hồ nhỏ lẻ, trôi dạt từ Nga về theo “cơn gió“ biến động chính trị khi khối CNXH tan vỡ. Hắn to cao hơn tôi, xấp xỉ 1mét 7, vai vuông vạm vỡ, da đen đúa sần sùi. Hắn cùng với một tốp đi trên chiếc hai xe ô tô ùa tới khu vườn tôi ở vào một ngày Chủ Nhật, khi tôi ở nhà vì không có phiên chợ.

Số là sau khi mất việc, đang làm ăn được thì nạn cướp nổi lên khắp nơi. Anh em lao động bấy giờ thường sống tập trung ở những khu tập thể cũ. Không còn đội trưởng, không có đầu lĩnh, họ như đám đông co cụm, chỉ nặng trấn an về tâm lí hơn là tự hình thành một lực lượng tự vệ thống nhất, có chỉ huy, có sức mạnh đoàn kết để chống lại tụi côn đồ.

Tôi là cựu binh, 12 năm đi lính, từng tham gia nhiều chiến dịch nên hiểu cái nhược điểm sinh mầm bất an ấy. Thay vì nhao vào sống trong đám đông hỗn độn, tôi tự tìm một khu vườn rộng của tay người Đức tên là Quynter ở thành phố nhỏ giáp Berlin. Quynter là bạn khá thân với tôi trong nhà máy khi xưa. Vườn của anh có sẵn điện, nước, một ngôi nhà gỗ hai gian có cửa sổ nhỏ được tôi bịt lại. Cách ở này dễ phòng thủ hơn là chui vào một khu tập thể ồn ào, chả kiểm soát được đường đi lối vào, chả kiểm soát được khách lạ. Để rồi ai cũng như “cá“ trong chậu, ngồi chờ các toán cướp tới đạp cửa từng nhà lục soát, gí dao vào cổ, hơ bàn là nóng vào mặt hay trói từng người khi bên cạnh có nồi nước sôi ùng ục hăm dọa, tìm những xấp tiền thấm mồ hôi nhét giấu đâu đó.

Thời ấy tụi du thủ du thực Việt lạ nước lạ cái nên chưa biết cách mua súng của mafia quốc tế ở biên giới quanh Đức. Không hiểu sao, tuy sống ở biệt hẻo như vậy nhưng vẫn có tiếng đồn rằng tôi có hai khẩu súng nên mới có chuyện tụi giang hồ kéo đến vào một chiều mùa hè.

Nhận ra trong toán ấy có một tên là cháu người quen của tôi ở Tây Berlin khi xưa. Tôi bình tĩnh dắt con chó Hands nòi của Đức ra mở cổng cho chúng đánh xe vào vườn và tỏ ra chả sợ hãi gì khi mời chúng ngồi trên thảm cỏ xanh giữa khu vườn hơn một hecta ấy. Tôi vào nhà, quăng ra hai két bia Schulhei trên thảm cỏ,  tay vẫn cảnh giác cắp khẩu hai nòng hỏi: “Ai mách tôi có súng?“.

Tên tướng cướp và câu chuyện về lá bùa nhiều lần cứu mạng (Kỳ 1) - 0

Hắn phanh ngực áo ra, trên cái cổ to như bắp bò đen đen ấy lủng lẳng một sợi dây dù treo một vật ép platics

 

Cái thằng bé tôi biết sơ, cất giọng trơn như lươn, cười toe toét: “Giang hồ đồn mà đại ca. Em biết mà, biết mà. Đại ca bán nhé“. Hắn, nhân vật tôi nhắc đến ở đầu câu chuyện, ngồi lẫn trong đám hơn chục thằng nhóc. Hắn ngồi im như thóc, nhưng nổi lên nhờ cái màu da đen trui trũi và đôi mắt cứ nhìn tròng trọc vào tôi không chớp, ra cái ý rung dọa lắm. Tôi cười, từ tốn nói: “Súng ngắn hay liên thanh như các cậu muốn tớ chả có đâu. Khẩu hai nòng này tớ mượn của anh bạn thân người Đức. Khẩu súng này đăng kí rồi, sao mà bán được. Trong nhà còn khẩu Tz8 thể thao thì bắn phát một, đạn nhỏ như hạt đậu, bắn như gãi ghẻ, không dùng được đâu. Phải biết bắn một nhát trúng ngay trán kẻ thù thì mới tiêu được“. Tôi nói và thong thả khui một chai bia, rồi vẫy tay mời cả tụi. Bia mở đôm đốp bằng răng.

Khi ấy chú chó Đức trung thành vẫn ngồi bên tôi chồm hỗm, nặng tới 40 kí, có thể xô ngã bất kì ai. Nó đang thè lưỡi đỏ trong cái miệng lởm chởm răng nanh, cũng là thứ thêm vào với khẩu súng trong tay, vừa đủ để dọa tụi cướp ngày dám cả gan vào khu vườn nhà tôi.

“Uống đi!“, tôi mời lũ nhóc, đoán chúng tuổi chừng 19-22 là cùng, rồi nâng chai. Khi bia đã chừng mỗi đứa 2 chai, hắn bước ra khỏi đám, lang thang quanh vài gốc cây rồi bất chợt tung người, hai chân đá liền ba cái, nghe “soạt soạt“, làm cả quả trên cây anh đào chiều cao chừng hai mét rụng hết, bắn tung tóe.

“Khá đấy“ - tôi khen – “Cậu đá cao và khá mạnh, nhưng chưa khép đùi lại khi tung cước liên hoàn“. Tôi cười, kéo tay hắn ngồi lại bên thảm cỏ, vẫn thong thả nói: “Tớ thì chả võ vẽ gì, nhưng tớ chỉ cần xì một cái, ngay bây giờ con chó nòi Hands này sẽ lao lên cắn vỡ cổ họng ai định hại tớ. Còn bây giờ các cậu hỏi mua súng thì có đứa nào biết bắn không?“. Tôi nhìn thẳng vào toán cướp, thấy rõ cả bọn đang nhìn nhau sau câu hỏi của tôi.

“Muốn mua súng phải biết sử dụng chứ“, tôi nói tiếp rồi lượm dăm ba cái chai lăn lóc, xếp trên hai ba cái vỏ thùng caton, rồi lùi lại khoảng xa 70 mét. Tôi quay lưng lại đám chai ấy, thong thả bẻ nòng súng, thong thả lấy từ trong túi ra hai viên đạn giấy màu nâu sậm, đít đỏ nạp vào nòng. Chắc chúng cũng như tôi, tai nghe rõ tiếng cách khi súng trở lại tư thế sẵn sàng bắn. Không để tụi nhỏ ấy chờ lâu, chớp mắt, tôi bất ngờ cúi xuống, chọc ngược nòng súng qua giữa háng chĩa về đám chai kia. Một tiếng nổ đanh phát ra, trên người tôi khét lẹt mùi thuốc đạn và chớp mắt tất cả đám chai bia vỡ vụn. Cũng nhanh như cắt, tôi lăn sang bên rồi nhổm dậy ở tư thế quỳ, bắn, ba thùng giấy carton trúng đạn bị tung lên không và xé tan. Tất cả đám trẻ ranh đứng lên, mắt rướn lên tỏ vẻ khâm phục trầm trồ: “Đại ca, đại ca giỏi thế“. Chúng chả thể hiểu sao tôi tài thế, có thể bắn nhanh và trúng đích như vậy.

“Có gì đâu, tớ ở lính 12 năm, đánh nhau vài trăm trận rồi, vấn đề là tớ không cần ngắm mới là tài“. Bấy giờ hắn mới đứng dậy, tiến tới chỗ tôi và rạp mình xuống rất cung cách: “Anh cho phép đàn em này mở cái tiệc nhỏ ở đây“. Hắn quay lại hai thằng ranh khác, nói gì đấy và lập tức hai thằng lâu la kia lao lên xe, chưa đầy nửa tiếng đã bê về một núi thức ăn và rượu.     

Bấy giờ mùa hè mà trời vẫn mát, nhưng hắn phanh ngực áo ra, trên cái cổ to như bắp bò đen đen ấy lủng lẳng một sợi dây dù treo một vật ép platics. Thấy tôi nhìn chằm chặp vào vật đó. Hắn thong thả nói: “Biết anh ở lính là đủ để em phục lắm rồi. Anh ruột  em cũng đi miền Nam như anh và đã hy sinh“. Hắn chậm rãi đưa vật kia cho tôi, nói: “Lá bùa này đã cứu em nhiều lần. Anh có bắn cũng chưa chắc trúng đâu“.

Tôi cầm cái mà hắn bảo là „lá bùa“ trong tay. Nhận ra sợi dây dù Mỹ màu cứt ngựa đã ngả đen đầy mùi mồ hôi. “Lá bùa này là thế nào? Sao lại là lá bùa? Cậu có thể nói cho tôi nghe không?“, cái máu văn chương làm tôi bật ra vài câu hỏi. Thủ lĩnh đen đen của chúng ta, kẻ lạ mặt đột ngột như từ cõi nào rơi xuống khu vườn nhà tôi, ngồi ngửa mặt lên nhìn trời, rồi nhận lại lá bùa từ tôi, quay lại đám đệ tử cũng đang trố mắt nhìn, nói: “Nhân dịp gặp sư huynh đây, anh kể luôn cho chúng mày cùng nghe nhé“.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC