Phần 10

Đến phố xá miền Tây yên tĩnh tới kỳ lạ. Trên vòm trời thăm thẳm dầy đặc những chòm sao lấp lánh. Cô thấy buồn nghê ngớm, nhớ nhà vô cùng. Giá như bây giờ cô được ở Hà Nội, trong ngôi nhà nhỏ ấy và bên mẹ, có lẽ cô sẽ gục đầu vào lòng mẹ khóc thỏa thuê cho vơi đi những nỗi ê chề, đau đớn, tủi nhục của một quãng thời gian tha hương, dù chưa nhiều nhặn gì.

Cô đi đâu bây giờ? Nếu như cô ở lại đây liệu có nguy hiểm nào kéo tới như tình huống đã xảy ra khi ở nhà Phi không? Hay là cô tới trại mới? Không được. Thế nào mai cảnh sát cũng biết, cô đã có mặt bấy nay ở nhà Phi. Tới trại ấy, khi họ thẩm tra về vụ án này, tiếng Đức không biết nửa câu, cô không thể giải thích mọi việc. Vả lại cô làm gì có tiền thuê luật sư. Cô ở lại với Kumar, có lẽ thuận lợi hơn, nhất là thời điểm này. Thời điểm là sớm mai cô sẽ làm như Kumar dặn, trình diện để là nhân chứng, chữa tội cho Phi. Cô cũng không thể bỏ mặc Phi lúc này. Nếu vậy, Kumar rành tiếng Đức, có thể giúp cô và Phi qua cơn hoạn nạn. Nhưng ở lại đây, liệu có xảy ra chuyện gì như đã xảy ra khi cô trú ngụ ở nhà Phi không? Có lẽ không! Ngày trước, cô chốn chạy Kumar, không phải sự chốn chạy một con đực, mà cô bị ám ảnh bởi giấc mơ coi Kumar là ác quỷ, muốn chiếm đoạt đứa trẻ. Nay cô đã cảm thấy, dù mong manh, anh ta yêu thương đứa con cô, chăm sóc nó khi cô hôn mê, lại vô tư bỏ công tìm kiếm cô và nó bấy nay. ừ, mà thân cô thì còn gì nữa để mất? Cô đâu còn là đóa hoa Đỗ Quyên ngậm sương ban mai, trinh nguyên và sang trọng. Cô chỉ là một kẻ bị hãm hiếp tới có chửa, một người vợ bị chồng khinh bỉ, đã từng tự sát không thành, lại nhục nhã ê chề ở nhà Phi… Với cô, bây giờ chẳng có điều gì giá trị, lớn lao hơn đứa con của cô.

Thôi, cứ liều mình ở lại đây đã. Nghĩ vậy, Quyên thấy nhẹ lòng, nhắm mắt cố ngủ.

Đêm ấy không có chuyện gì xảy ra.

Cô không hề nghe bất kì tiếng động nào, ngoài tiếng gió và gần sáng cô nghe thấy có tiếng động ngoài cửa sổ. Nhìn lên, một con mèo rõ lớn, đôi mắt to xanh biếc nhìn cô không chớp. Cô nhìn rõ đôi mắt vàng như hai hòn bi tròn loé sáng trong ánh đèn pin Kumar đưa cho cô hồi đêm.

Hồi cô nằm viện, Kumar có lần bảo, anh chỉ thích nuôi chó, không thích mèo lắm. Vậy đây là con mèo hoang. Mà ở Tây sao lắm mèo hoang thế? “Đêm lạnh lắm. Sao mày cứ lang thang một mình đêm hôm thế này?” Quyên tự xót xa, thầm nghĩ.

Con mèo hoang đưa hai chân khẽ cào vuốt vào tấm kính. Quyên nhỏm dậy, đi tới cửa, vặn chốt, mở hé cửa sổ. Con mèo nhảy phắt xuống nền nhà và đường bệ bỏ đi, ung dung bước từng bước một chậm rãi về phía nhà bếp, như thể ngôi nhà Kumar đã quen thuộc vô cùng với nó.

Quyên thở dài!

Sự gắn bó của Quyên sau đêm gặp gỡ với gã Sri Lanka như số phận bày đặt.

Sáng sớm hôm sau, Kumar trình diện cảnh sát, với tư cách anh là nhân chứng gặp Quyên ngay sau khi cô bước ra khỏi nhà Phi. Khớp nối với giờ Phi gọi điện thoại báo cho cảnh sát rằng mình đã giết vợ, người ta xác nhận điều anh khai báo. Kumar cũng đưa ngay Quyên tới trình diện đồn cảnh sát gần nhất. Theo anh, cô là nhân chứng rất quan trọng của vụ án mạng. Tất nhiên, Quyên cũng sợ, nhưng khi Kumar nói rằng, lời khai của cô có thể giúp Phi tránh được tội cố sát. Quyên đồng ý đi với Kumar tới trình diện cảnh sát.

Đi cùng anh, Quyên vững tâm hơn. Nhất là vài tuần sau đó, trong quá trình cảnh sát thẩm vấn cô, Kumar như một phiên dịch thạo nghề, giúp đỡ cô khỏi sự sợ hãi và lúng túng.

Tháng Giêng, rất ngẫu nhiên, người ta tìm thấy rằng Y trong một lần kiểm tra tìm mấy kẻ không giấy phép lao động, ở khu chợ bán buôn Rihn 100 của người Việt Nam tại Berlin. Vụ án nhanh chóng kết thúc quá trình điều tra, ngay sau khi lấy thêm lời khai của Y. Việc tìm thấy Y cũng làm đám cảnh sát rất khó hiểu. Tại sao ở một góc chiếu, Y là người bị hại mà hắn im lặng, không tố cáo, phát giác, lại lẩn trốn suốt bấy lâu nay? Cảnh sát suy đoán, có điều gì đó ẩn khuất của Y trong vụ án này và khai thác Y gần hai tháng. Cuối cùng họ cũng chỉ nhận được một thông tin đơn giản tới không thể hiểu với người Đức rằng, tôi – Y – không muốn rắc rối.

Đúng là chẳng hiểu được, khi Y khai: “Tôi đã nhìn cái ảnh chụp bà ấy trên báo, nằm chết tại nhà anh Phi. Chết thì đằng nào cũng chết rồi! Nếu tôi khai báo, tôi sẽ mất thời giờ lắm”. Người ta mở rộng điều tra, nhưng vẫn không sáng tỏ hơn điều gì. Cảnh sát chấm dứt tìm hiểu thêm vì nhận ra cộng đồng của Y là một cộng đồng khép kín, nên khó có thể khai thác gì hơn những điều mà máy móc và phương tiện kỹ thuật có thể mang lại thông tin cho họ. Bởi vì, máy gh âm từ xa, chương trình nghe lén điện thoại… chẳng tác dụng gì khi Y đã bị bắt. Tuy nhiên từ các vết tích còn lại của kỹ thuật thu âm lén, họ thừa biết, Y có quan hệ khá rộng với nhiều nhân vật trong nhóm mafia Việt, đang bị theo dõi bấy nay.

Đêm trước ngày tòa xử án, Quyên trằn trọc tới sáng.

Sáng ra, cô và Kumar dậy rõ sớm. Bữa sáng bánh mì và cả sữa tươi cũng giường như đắng ngắt.

Họ có mặt tại phiên tòa rất đúng giờ, phút chờ đợi cảnh sát dẫn Phi tới, Quyên thấp thỏm, đừng ngồi không yên: “Không biết anh ấy bây giờ hình hài ra sao?” Tới khi Phi vừa hiện ra ở cánh cửa nách với hai cảnh sát dẫn giải, Quyên nhỏm phắt dậy và tái mặt.

Kumar ngồi bên nắm lấy tay cô, cô ngục mặt xuống, những giọt lệ từ đôi mắt đẹp lã chã rơi.

Phi đã gầy đi nhiều, hai mắt quầng thâm và mệt mỏi. Rõ ràng Phi đã qua những ngày dằn vặt và đau đớn. Đêm qua nằm nhìn trân trân lên trắng trần nhà. Quyên nhớ lại những hình ảnh, kỷ niệm trong thời gian ở quán ăn nơi Phi đã dành cho mẹ con biết bao điều tốt đẹp.

Kumar im lặng bên Quyên. Khó ai có thể biết anh nghĩ gì. Nhưng nếu quan sát nét mặt ưu tư của anh, khi anh quay sang nhìn Quyên, thì có thể hiểu, lòng anh cũng vò xé khi thấy Quyên xúc động như thế. Anh là loại người từng trải, biết kiềm chế những xúc cảm cá nhân, nhưng cũng không phải là loại người ích kỷ chỉ nghĩ tới mình. Anh không dám chắc, Quyên đã từng nghĩ gì, song những việc xảy ra, kể cả tình cảm của Quyên dành cho Phi như vậy đều có thể hiểu được. Nếu ở trường hợp như Quyên, gặp lại một người đã vì mình mà rơi vào vòng lao lý thì có lẽ anh cũng động lòng. Chỉ có điều, anh là người con trai Sri lanka không dễ dàng nhỏ lệ như Quyên mà thôi.

Phiên tòa kéo dài gần hết năm tiếng đồng hồ trong buổi sáng hôm đó. Điều khó nhất là Quyên phải tường trình trước tòa vài tình tiết trong buổi tối xảy ra án mạng, coi những chứng cứ giúp họ xem xét điều đã đầy Phi vào trạng thái điên khùng, cầm dao chém Y như bản cung. Cô cứ ôm tay ôm mãi lấy ngực. Cuối cùng cô cũng chỉ nói ra một câu đơn giản, đủ để tòa hiểu tình huống trước đó: “Chúng tôi đang nằm bên nhau, yêu… nhau”. Vâng, yêu nhau thì bà ấy và Y xuất hiện. Tôi không hề biết rằng, bà ta là vợ của anh Phi”.

Quyên ý thức rất rõ rằng, dùng hai từ “yêu nhau” là không đúng hoàn toàn. Song Quyên không thể nào tìm từ khác, dù vì trong thâm tâm, cô tự biết cô chưa khi nào yêu Phi cả, nhưng cô không thể nào dùng từ “làm tình”. Với cô, từ ấy nghe xa lạ. Cô cũng không giám sử dụng cái từ “cặp bồ” mà đồng bào cô vẫn dùng. Cô ghê tởm khi nghĩ tới những chữ cặp bồ và làm tình. Thôi thì cô đã thương gã, biết ơn gã và có giờ phút không kiềm chế, thả lỏng cô, như sự trả ơn để cho gã “yêu” cô. Nhưng cô nói ra như vậy thì khó ai hiểu nổi.

Phiên tòa kết thúc. Phi nhận án hai năm từ về tội ngộ sát. Y cũng bị luận tội về cố ý nhục mạ và có hành vi xâm phạm thân thể Quyên. Hắn bị tuyên phạt 3 tháng án treo và phạt tiền 2.000 Euro.

Phi được nói lời cuối cùng. Anh yêu cầu cho anh gặp Quyên một chút, Tòa đồng ý với đề nghị ấy, cho phép Phi gặp Quyên. Việc ấy diễn ra ở phòng bên. Quyên chạy tới, lần đầu tiên từ khi quen biết nhau, cô chủ động ôm lấy Phi, để nước mắt chảy xuống trên đôi vai của anh. Phi nghẹn ngào và lúng túng. Anh đứng yên như cây gỗ. Chẳng nói một lời, bàn tay cứ vuốt mãi lên mái tóc cô, tận tới khi viên cảnh sát nhắc nhở, anh mới buông Quyên ra và bước theo họ. Khi sắp khuất vào sau cánh cửa ngách bên tòa án, anh quay lại. Đôi mắt đau đớn nhìn Quyên. Mãi mãi sau này Quyên vẫn nhớ ánh mắt anh ấy khi ấy và hiểu, Phi yêu cô thật lòng.

Suốt cả buổi xử án, Kumar ngồi bên Quyên, anh hoàn toàn không tỏ một thái độ gì trước mọi biểu hiện tình cảm của Quyên. Lúc Quyên gặp Phi, anh bước ra phòng bên ngồi chờ.

Tự nhiên anh thấy nao nao buồn.

Mùa xuân năm ấy tới muộn.

Hiếm bao giờ, trong cả ba bốn tháng đông trước đó, có một ngày hanh hao xa vắng, để vạn vật se sẽ run rẩy. Bởi lẽ giản dị là, khi qua những tháng dài mùa đông lê thê, với bao ngày đằng đẵng tẻ nhạt, lạnh lẽo, quá đỗi u ám, buồn chán thì dường như người ta càng khao khát, mong chờ tới khắc khoải một ngày không mưa, không tuyết chẳng gió và nắng vàng chan chứa ùa về.

Bữa ấy nắng về đột ngột. Mặt trời từ trong đám mây xám, chói chang hiện ra, làm cả không gian trước đó đang hết sức ảm đạm, bỗng bừng rạng khác thường, như báo hiệu mùa đông sắp giã từ. Những tia nắng đầu tiên tựa màu hổ phách, mang cho người ta cảm giác ấm áp lạ thường. Thoáng chốc nhìn từng chùm nắng chiếu xuyên qua những vòm lá, người ta bất giác nhận ra một thời khắc vạn vật chợt tỉnh thức, hồi sinh và dường như tất cả đều nghẹn ngào đến bàng hoàng trước tia nắng đầu tiên. Và, con người, Quyên, một trong ti tỉ sinh linh, chủ thể chính, đầy nhạy cảm của hành tinh này cũng chợt run lên…

Ấy là khi tháng Ba, forsythia nhoi nhói xé vỏ cây, vùn vụt bật ra những mầm hoa, búp lá để vài hôm muôn vàn bông hoa nhỏ nở bung, bừng lên mầu rực rỡ, tựa như từng đám lửa vàng cháy sáng rực cả góc vườn.

Tuyết sương vừa tan, trong đêm những củ hoa dầm lâu trong băng giá và u tối bỗng cựa mình. Từ lòng đất những chồi trắng xanh thi nhau nảy ra chua chúa, tách khỏi ám củ màu nâu. Đám chồi ấy trong vài đêm kiên trì chọc qua lòng đất lạnh lẽo âm thầm nhao lên, vươn trên mặt đất, chuyển màu xanh nõn, để sau chỉ vài ngày, những đóa tuy-lip chợt hé mở, vụt lớn, rồi nở bung, nom tựa như trăm ngàn ngọn đuốc cháy đỏ rực, nhoi nhói thắp ánh sáng suốt ngày đêm trên các luống hoa năm trước.

Sức sống cuồn cuộn trào lên trông thấy ở khắp nơi trên mặt đất vừa hừng ấm, như tất thảy vạn vật cùng nhau hò hẹn vào xuân.

Tới giữa tháng Tư, hoa lê và hoa anh đào rụt rè khoe sắc trên những cành cây xám đen gầy khẳng khiu. Ai tinh tế sẽ nhận ra vào một sớm mai, trên những cành lê cong queo, khô xác, còn đầy những giọt sương đêm, bỗng xuất hiện vô khối đọt tơ nhu nhú xanh. Và, chỉ sau có hai ngày nồng nàn nắng ấm, đám đọt tơ li ti mong manh ấy thoắt phổng lên, biến thành những đóa hoa lê trắng muốt. Chẳng đợi lâu đâu, nửa tuần thôi, cả rừng lê bừng rộ, chan chứa cả dãy phố, cả cánh rừng ven thành phố, một màu trắng ngàn ngạt, tinh khiết. Mom xa xa, những trảng hoa lê tựa như dải lụa trắng tinh đầy phấn, phủ trên những khoảnh vườn, dải rừng mà tháng trước còn thui thủi choàng khăn màu u xám.

Đám anh đào muộn mằn hơn một chút. Dường như loài cây mà hoa đầy màu sắc lộng lẫy này cần thời gian nhiều hơn để tự nó hút thêm nhụy đất, phan trộn thêm những gam màu diễm lệ cho mùa xuân. Từng vạt hoa tím sẫm, hồng nhạt, nở bung rộn rã cả mắt. Chờ một làn gió nhẹ, muôn ngàn cánh hoa anh đào rụng xuống, chao đi chao lại khắp vườn. Đôi khi có cơn gió lớn, cả khu vườn cây quả lập tức như có ức vạn con bướm tím, hồng la đà, rập rờn bay khắp nơi, khắp chốn.

Cũng còn có hôm tuyết lất phất nửa giờ, – như thể đó là ngày ông trời già muộn nằm giũ chăn màn để cất đi trước mùa hè, – tuyết rải tung tóe xuống khắp thành phố đám tơ trời trắng mong manh, nhỏ, nhẹ, xốp như bông; hệt như những gì còn sót lại của mùa giá băng, xin được lần cuối trút hết, để trả lại nền trời xanh văn vắt.

Rồi cứ nắng. Nắng chan hòa, vàng ấm miên man ngày lại ngày, khi se hanh, khi âm ẩm tràn ngập mặt đất. Rừng sáng rực, phố xá sáng rực, các cánh đồng ngời lên màu xanh miên man. Ngay cả các con sông cũng trở mình, trong xanh hơn và êm đềm hơn. Rồi những ngọn gió trên sông cũng thoát tinh khiết lạ thường và thơm hừng mùi thảo mộc từ những cánh rừng, đồng cỏ bên sông tràn xuống.

Trên cánh đồng, khi mưa ấm lất phất rơi, cỏ cây, hoa dại cũng đua chen nhau mọc, để các khoảnh đất nối liền nhau, bao la một màu rất đỗi dịu dàng, non nõn, xanh mướt, chạy mãi tới tận chân trời cũng xanh ngăn ngắt. Nhìn kìa, quanh ta chẳng thể rạch ròi, đâu là trời, đâu là đất. Tất cả, tạo cho người ta một cảm giác thật là dễ chịu…

Thiên nhiên hớn hở thay đổi như vậy làm cho Quyên thấy dịu đi những đau đớn trải qua.

Tháng sau nữa, Kumar xin được căn hộ rộng hơn. Căn hộ mới có ban-công nhìn ra cánh đồng. Quyên hay bế con ra đó ngồi trong những buổi chiều, dõi tầm mắt ra xa. Tháng Năm, không khí ấm dần lên. Có ngày nhiệt độ tới ba mươi độ mà vẫn thấy dễ chịu. “Cái nắng ở xứ này bao giờ cũng dịu dàng và không khí thì thật trong sạch, tinh khiết đến lạ thường”. Thế mà những khi ấy, lòng Quyên chợt nôn nao buồn. Bởi dù có sự sạch sẽ hay đẹp đẽ tới mấy thì ngay cả nắng và không khí cũng xa lạ và chưa bao giờ thuộc về cô. Cái tâm sự của người tha hương với tâm hồn như Quyên rõ là kỳ lạ! Cảnh sắc có tươi tới mấy, không gian có đẹp xiết bao, cũng chỉ mang lại cho cô niềm vui thoáng chốc để sau đó những miên man suy nghĩ và nhớ nôn nao nơi cô lớn lên, từng sống, dù là vùng sống ấy, nơi quê hương quen thuộc, chẳng có những ưu việt vật chất hơn nơi cô đang sống.

Mùa này Hà Nội qua xuân vào hè đây. Tự nhiên cô nhớ cái nắng hạ chan chứa oi nồng, bứt dứt và dâm dấp mồ hôi… Cô nhớ, đếm lại trong đầu bao nhiêu dãy phố, hoa bằng lăng từng dãy nở tím suốt từ tháng Sáu tới tháng Bảy và phượng chúm chím khoe nụ để có dăm ngày kế đó làm cả một đỏ rực rỡ nom như những mảnh lửa cháy đỏ chập chờn trong hây hây gió đông thổi trên những tàn xanh dịu mát. Cô nhớ từng bữa dạo quanh Hà Nội của cô có màu vàng ấm áp sáng lên mỗi chiều của những chùm hoa hoàng điệp. Ừ, hoàng điệp vàng mà chẳng buồn. Cái sắc màu vàng mơ tươi sáng của những chùm hoa nhỏ này làm cho đường phố mềm đi, bớt đi oi ả hơn, nhất là vào những ngày có gió nhẹ, người đang tâm trạng có thể bâng khuâng chút ít để chợt nhớ thương ai đó, điều gì đó ấp ủ bấy nay… không như loài đỗ quyên, màu đỏ sậm mà mỗi khi ngắm, dù vừa sau Tết, đang vui thế, ồn ã thế đã thấy lòng cô sao trở nên buồn thế. Phải chăng, những tên hoa, màu hoa cũng ẩn chứa, gợi mở một số phận định trước, nếu ai đó đã lấy tên loài hoa ấy đặt tên cho một con người?

Tết vừa qua liệu mẹ có gói bánh chưng như hồi con ở nhà không?…

Căn hộ Kumar mới nhận gồm ba phòng. Tại phòng ngủ lớn, anh đặt một cái giường rộng, màu phớt hồng dành cho Quyên. Cái cũi nhỏ bằng tre, mua ở gian trưng bày triển lãm đồ mây tre Việt Nam, đặt bên giường hồng, làm Quyên thấy vui vui. Theo cô, Kumar là người đàn ông chu đáo và tâm lý.

Hàng ngày đáp lại sự chăm sóc che chở bấy nay của Kumar, Quyên giúp anh những việc trong nhà. Công việc cũng không nhiều nhặn gì, cô thu xếp, lau dọn nhà cửa. Cô giặt quần áo cho cả Kumar, là ủi chúng thơm phừc và sắp xếp cẩn thận. Cô lo bữa sáng và nấu cho Kumar được ăn nóng bữa tối. Những ngày nghỉ, họ được một ngày trọn vẹn bên đứa trẻ và đôi khi cũng bày biện những bữa ăn là lạ, mất nhiều công chế biến, làm cho Kumar có một cảm giác như được sống trong một gia đình ấm cúng. Thi thoảng, có ngày ít khách ở quán, Kumar tranh thủ tạt về ăn trưa ở nhà. Những ngày ấy, anh đều báo cho Quyên trước và vui vẻ bày tỏ: “Em biết không, tôi ăn ở nhà thấy ngon miệng hơn”.

Những việc tương tự như vậy, với người khác thật là nhỏ nhoi, cũng làm cho Quyên vui ra mặt. Cô thường im lặng, tủm tỉm cười.

Thời gian vùn vụt trôi đi. Quyên cảm giác cuộc sống bình thường đang dần dần trở lại.

Quả thật như vậy! Nhìn Kumar thể hiện tình cảm của anh với Thanh Vân, cô cũng thấy vui, ấm áp! Nhất là khi thấy đôi mắt anh sáng rực, cười trẻ trung, hồn nhiên và dễ thương, nhao vào bế Thanh Vân lễ và cõng nó đi tới ba bốn vòng xung quanh gian phòng khách rộng. Cái phòng khách, nơi có bức tranh Kumar vẽ trong suốt mùa xuân vừa mới hoàn thành.

Những niềm vui nhỏ bé ấy, của một kẻ tha hương cứ từng ngày, từng ngày sống trong cô, cho cô cảm giác an bình và chính những niềm vui tương tự như thế làm Quyên dần dần dịu đi cơn chấn động trước đó. Những chấn động đã từng gây cho cô bao mệt mỏi và đau đớn mỗi khi nhớ lại nó.

Tháng Tám, cô viết thư về cho mẹ. Thư kể chuyện chồng cô mất tích và cô đang cố gắng thu xếp cuộc sống ổn định. Thư không kể việc cô đã có con, mẹ cô đã có một đứa cháu ngoại gần một tuổi. Quyên nghĩ bây giờ chưa cần thiết báo cho mẹ tin ây. Cô sẽ phải giải thích rất dài dòng và làm mẹ chỉ buồn lo mà thôi.

Tháng Mười, cô viết một lá thư rõ dài cho bố mẹ chồng. Thư thuật việc vợ chồng cô bỏ nước Nga vượt biên qua Đức, cảnh sống trại tị nạn và việc chồng cô mất tích. Cô xin lỗi bố mẹ chồng vì việc không thể tìm thấy chồng cô, dù đã nhờ cả cảnh sát kiếm tìm hơn một năm nay.

Sau khi thả lá thư gửi cha mẹ chồng vào khe hộp thư bưu điện thành phố, cô thần người ra tới nửa tiếng.

Rõ ràng, sự việc xảy ra với cô ở biên giới không phải lỗi ở cô. Việc Dũng mất tích cũng không phải lỗi ở cô. Nhưng việc cô ở đây với Kumar , hay trước đó ăn nhờ ở đợ nơi Phi, cho cô cảm giác, sau khi gửi lá thư viết cho bố mẹ chồng, hình như cô mắc lỗi với gia đình Dũng. Có lẽ phải đi tìm nhà để ở riêng thôi. Hay là lại đi tới Sở ngoại kiều lấy cái giấy chuyển trại? Tất nhiên, ở Hà Nội, không một ai có thể biết bao nhiêu sự việc đã xảy ra thế nào, cũng như hiện tại cô đang nương nhờ tại nhà của Kumar ra làm sao, nhưng lương tâm cô thì rõ, biết tất cả.

Đêm đó trăng non, lại mây thấp.

Quyên từ ban-công nhìn xuống. Từng quầng ánh sáng đèn đường hắt xuống đám là vừa rụng ngày qua, phản lên một màu vàng lợt.

Trong cuộc đời con người ta, dù muốn hay không, phần đông đều sống theo bản năng mất quá nửa đời người, đó là khi phải ngũ, bài tiết, hấp thu…Sự sống ở trong đó. Mần sống tồn tại khách quan, ngoái ý trí và những giáo lí chủ quan của con người cũng được nuôi dưỡng trong những khoảng thời gian tưởng như vô nghĩa ấy. Cũng để tồn tại, con người ta khi lâm vào con đường cùng, thì bản năng thường là điểm tựa, tỉ như cái bàn đạp, để bật lên, nhao ra, thoát khỏi mọi hiểm nguy, kể cả cái chết.

Mấy đêm liền Quyên trằn trọc suy nghĩ mãi việc đi hay ở.

Cô nhớ lại thời gian ở với Phi, tiếng chân rón rén rồi yên lại bên cửa sổ phòng cô, Cảnh Phi thủ dâm trong ánh sáng phát ra từ cái vô tuyến. Cô nhớ cả những tâm sự, lời tỏ tình và mong muồn lấy cô làm vợ của anh. Còn ở đây, Kumar bao giờ cũng nghiêm túc với cô. Mỗi khi anh đi làm về, Quyên đều biết rất rõ từng bước chân khe khẽ của Kumar bước nhẹ trên sàn gỗ mỏng. Cô hồi hộp, lắng nghe, nghe rõ tiếng Kumar xối nước để ngâm mình trong bồn tắm. Và đôi khi, cô vừa nín thở lại thở dài ngay sau tiếng cửa phòng anh khép nhẹ.

Kumar không hề tỏ tình với cô. Ánh mắt của anh dành cho cô bao giờ cũng là sau ánh mắt dành cho Thanh Vân. Cũng chưa bao giờ anh nắm tay cô như cái nắm tay của Thanh Vân. Cũng chưa bao giờ anh nắm tay cô như cái nắm tay của Phi. Nhưng ai mà tin được điều đó. Cô chẳng đã từng nghe thấy vài lời thì thào của đồng hương ở cửa hàng bán đồ châu Á bữa nào, có một người nom ả quen biết, lân la hỏi chuyện cô và nói vỗ mặt: “Em đẹp thế, đàn ông Việt thiếu gì, sao em lại ăn ở với thằng da đen ấy!”.

Người kia nói thế, Quyên thừa hiểu cái từ tế nhị anh ta dùng. Hai từ ăn ở trong trường hợp này, rõ ràng mang một nội dung chẳng tử tế gì. Nói trắng ra là, họ cho rằng, cô là kẻ lăng loàn, đã ăn nằm với Kumar!

Cô suy đoán, ở cái trại tị nạn Hộp kẽm Goldbeng, thế nào chuyện của cô cũng là chủ đề mang bàn luận trong các ngày nghỉ, bên phòng bếp và phòng giặt đồ. Ừ, ai mà tin được, cô và Kumar vẫn còn ai nấy một phòng riêng.

Đối với Quyên, tình dục không chỉ là khoái cảm, thậm chí là hành vi nhằm sinh con đẻ cái, nối tiếp dòng sinh diệt, cái dòng chảy miên man của tạo hóa. Theo cô, con người khác với vật ở chỗ đó. Hai con người lao lạc mà không có tình yêu, khi chỉ rặt lạc tính, khác gì đám trâu bò, chó, n gựa, thể hiện năng lực nhục dục mà thôi.

Người ta, từ nhận thức tới ý thức, Người hơn ở chỗ có yêu thì mới ăn nằm với nhau. Bởi theo cô, tình dục trong tình yêu, đều có văn hóa của nó. Sự giao hoan của người ta khi có tình yêu, sẽ thăng hoa lên một cấp độ mới, cho người ta hạnh phúc vô biên và gắn kết thêm bền chặt, cả tâm hồn và thể xác, chứ không phải chỉ đơn giản là mang lại khoái cảm như Phi thủ dâm, để sau đó lại chán trường khi anh tâm sự. Tất nhiên bây giờ cô cũng chẳng còn trình trắng gì, nhưng cô không thể chung giường với Kumar, khi cả hai chưa có tình cảm với nhau. Mà Kumar có yêu cô không? Hay với cô, anh chỉ dành tình thương cho cô như thương một đứa em gái hoặc chị gái của anh? Vô duyên thế! Cô tự cười mình. Còn riêng phía cô, hình như có một tình cảm nào đó, dù chưa rõ lắm, khi đứng bên anh và gửi thấy mùi mồ hôi của anh? Có phải cô đang tiến tới dần tình yêu với Kumar không? Hay cũng chỉ là một tình cảm nào đó, na ná như tình yêu mà thôi. Nhưng cô là người muốn mọi chuyện phải rõ ràng, hay đúng hơn là cô không chịu được sự mập mờ, đan xen nhau, không biết đâu là thật và giả, ảo và thực. Với Kumar, sự đối xử vô cùng tử tế bấy nay của anh với cô và bé Thanh Vân, chưa có gì thật rõ ràng, để cô khẳng định: nó xuất phát từ tình yêu Kumar dành cho cô. Tất nhiên bây giờ cô đã là người từng trải. Người từng trải thì phải sống với lương tâm của mình, sợ quái gì dư luận.

Nhưng liệu có thể kéo dài mãi tình cảnh này không? Cô cũng không thể nhờ và Kumar mãi!. Nếu quan hệ giữa cô và Kumar chỉ đơn giản là tình bạn, thì việc chung nhà cũng chẳng nên quá kéo dài. Điều thứ hai quan trọng hơn nữa, là cô không thể chịu đựng mãi sự không rõ ràng của mối quan hệ, khi cô mong cầu Kumar cần thể hiện rõ, thậm trí cần nói rõ bằng lời. Cô yêu Kumar rồi chăng? Quyên kéo theo chăn chùm kín đầu. Cô cười thầm và sợ rằng có ai đó biết cô cười, nắm được những ý nghĩ trong đêm tối của cô.

Có lẽ tuần tới cô sẽ ra Sở Ngoại kiều xin một chỗ ở.

Nhưng sự đời mấy khi đúng dự kiến của Quyên?

Đầu một tuần trong tháng Năm, gió lại thổi mạnh. Những cơn gió ở châu Âu, từ trên biển Bắc áp thấp, tràn về mạnh tới kinh hãi. Gió cứ ào ào, miên man cuồng đảo suốt từ sáng tới trưa hôm sau chưa dứt. Nhìn ra ngoài trời, thấy từng đợt một, những cơn gió lẫn trong mưa tàn nhận giật lên, vật xuống làm cây phong, bồ đề trên đường phố. Gió cuốn theo vài đám lá úa, xác xơ còn sót lại của mùa đông giấu trong các xó xỉnh, trên các ống máng, rồi ném lên trời, quấn tròn mãi lên cao, bay đi xa lắc, cho đến khi không nhìn thấy tăm hơn. Những đám lá ấy, trong gió, đôi khi chợt như đàn bướm ma bay chập chờn ngang sườn những ngôi nhà chọc trời. Về đêm gió mạnh lên, tới mức thổi bạt cả người đi bộ. Từ thứ Ba, giữa trưa gió ngưng, thì bất ngờ mưa dữ dội và lạnh bất ngờ. Thời tiết chuyển lạnh, như mùa đông đột ngột quay về thành phố, cuốn theo từ đâu về dày đặc những đám mây nặng nề, u ám. Có khi mây tản ra, co lại, biến ra trăm hình, vạn trạng. Có đám mây nom giống hệt một khuôn mặt méo mó, giận dữ đang ở lưng trời nhìn xuống mặt đất. Khí lạnh len nhỏ vào các hầm nhà, làm những viên đá chữ nhật trong vách tầng hầm cũng đổ mồ hôi hột.

Bé Thanh Vân viêm họng và ho ngay lập tức từ thứ hai. Gần một tháng trời sau tuần ốm ấy, con bé lại mọc liên tiếp thêm bốn cái răng. Nó quấy triền miên ba tuần. Có hôm đi làm về Kumar thấy Quyên ngủ ngục bên ghế, tay còn cầm cốc nước. Lay dậy, Quyên mở mắt nhìn Kumar vài giây, rồi lại gục xuống. Thực ra cứ ba hôm một lần, Quyên cùng bé đều đặn tới phòng khám. Nhưng ở đây người ta chẳng tống kháng sinh vào người con bé như ở Việt Nam, thành ra nó cứ quấy suốt, lại quấy vào đêm. Phải tới cả tuần sau, khi những chiếc răng đã chọc ra khỏi lợi và đùn ra hết, bé mới chịu chơi như thường. Hai ba ngày thấy ôn ổn, Quyên đã đĩnh thu xếp hôm sau tới Sở Ngoại kiều.

Đêm hôm đó tới tận một giờ mà Kumar vẫn chưa về. Cô gọi điện thoại tới cửa hàng bánh. Không một ai nhấc máy. Lòng Quyên bỏng rát hơn lửa đốt. Cô ngồi yên trong phòng khách, bật ti-vi chuyển bao nhiêu kênh mà không theo dõi nổi một chương trình trọn vẹn. Thiếp đi trên ghế tựa, Quyên bừng giấc khi có chuông điện thoại réo gọi. Tai cô ù lên khi nghe rõ giọng của Kumar yếu ớt báo tin rằng anh đang nằm tại bệnh viện.

Thì ra trong đêm ấy, một người lái chiếc xe tải đâm thẳng vào hông chiếc xe Kumar lái. Xe Kumar lăn đi ba vòng. Cửa kính vỡ hết. Những mảnh kính vỡ, bắn ra đâm vào cổ, vào mặt làm anh mất khá nhiều máu. Lúc tỉnh dậy trên băng-ca xe cấp cứu, anh mới biết mình bị tai nạn. Anh bảo, cái cổ đã bị gông cứng bằng một vòng kim loại có bọc lớp bông vải màu trắng nên khó cử động. Anh giải thích, đã nhờ cô y tá gọi điện thoại về cho mẹ con Quyên, nhưng cô y tá lại bấm nhầm số máy cuối, không báo tin được. Tiến hành xong một loạt xét nghiệm và chiếu chụp, anh mới biết mẹ con Quyên vẫn chưa hay việc anh bị tai nạn và trời thì đã gần sáng.

Quyên buông máy điện thoại, lao vào bếp chuẩn bị bữa sáng cho con ăn. Cô lay con dậy và dỗ mãi cho nó ăn thật nhanh hết ca sữa.

Chẳng chờ sáng hẳn, Quyên mặc vội chiếc áo ấm, quấn thêm khăn, ôm con lao ra đường. Đường vắng. Tay lái taxi rất thuộc đường, chạy cũng nhanh mà cô vẫn cảm thấy chiếc xe đi chậm như rùa.

Cầu tháng máy dường như cũng đóng mở cửa chậm hơn mọi ngày. Ra khỏi thang máy Quyên lao vào phòng nơi Kumar đang nằm.

Cô hốt hoảng và đau sót khi nhìn thấy Kumar bị thương khớp mặt, vai trái và đầu gối cũng quấn băng trắng toát.

Kumar khi đó mặc mỗi chiếc quần trong, nằm trên chiếc giường bệnh trắng tinh. Thân hình đen cuồn cuộn cơ bắp của Kumar nổi bật trên nền ga trắng muốt.

Bình thường, Kumar vốn dĩ lao động từ nhỏ, rừng núi và khí hậu quê hương anh cũng như nòi giống tạo cho anh có thân hình tráng sĩ rất đẹp: vai vuông, bụng thon, ngực nở như hai bát úp. Nhưng chẳng mấy khi anh để lộ thân hình anh trong nhà. Bây giờ cái hình thể cường tráng của Kumar đập vào mắt Quyên, dầu có những viền băng, bông trắng xóa ở tay, ở chân và cả trên cái cổ! Có thể nói, anh xứng đáng làm mẫu cho cánh điêu khắc tạc nên bức tượng đồng hun đặt trong các lâu đài cổ miền Tây nước Đức hay Pháp. Cái hình thể ấy, gợi cho người ta hình ảnh một chiến tướng huyền thoại như Otenloe vừa từ chiến cuộc trở về.

Quyên không xúc động vì điều đó. Dầu là lần đầu tiên cô nhìn thấy vẻ đẹp của cơ thể Kumar. Chiếc áo lấm tấm máu treo trên giá áo làm cô suýt khóc. Thế mà Kumar vẫn tươi hơn hớn khi nhìn thấy mẹ con cô. Anh nhổm dậy định đón lấy đứa bé, nhưng có lẽ cái cổ đang đau, bị cái đai sắt cố định, khôn cho anh dễ dàng cử động. Thấy vậy Quyên đặt con cạnh anh.

Đứa trẻ bò trên bụng Kumar. Nó vươn đôi tay nhỏ xíu rờ vào cằm, vào cái cố định cổ. Kumar vuốt tóc nó, cù vào nách nó và anh cười như thể chưa có tai nạn gì vừa xảy ra. Nụ cười mới tươi làm sao.

Chỉ vậy thôi mà làm cho Quyên nhói đau. Cô chợt nghĩ tới Dũng. Giá như Dũng biết cảm thông và có tấm lòng như Kumar?

Cô nắm lấy bàn tay anh. Chắc Kumar đau lắm. Cô hỏi, Kumar đau đớn ở đâu? Kumar trìu mến mỉn cười nhìn cô và lắc đầu. “Chỉ ngày mai anh khỏe thôi? Em đừng lo lắng gì!” Kumar nói vậy mà Quyên bỗng khóc. Những giọt lệ chảy lăn xuống rơi đúng bàn tay đen có lòng tay trắng của anh. Kumar khẽ kéo Quyên vào sát mình. Anh nắm chặt bàn tay Quyên, như muốn không rời, khi tay kia vẫn ôm lấy con cô. “Em đừng khóc nữa!” Kumar chỉ nói được như vậy rồi im lặng, hết nhìn Quyên lại nhìn đứa bé. Họ im lặng như vậy tới mươi phút.

Chàng trai có làn da đen hơn cả bóng đêm Kumar nắm lấy tay Quyên. Quyên cứ để yên tay mình trong tay anh và trong lòng cô trào lên một tình cảm mà cô cũng chẳng thể hiểu, đó là tình yêu hay tình thương của cô dành cho anh. Giờ đây, cô cảm thấy cũng đau đớn trên thân xác và những vết thương còn tươi trên khuôn mặt đã thân thuộc với mẹ con cô. Cô không hiểu rõ, cắt nghĩa được tình cảm của cô đã phải là tình yêu hay chưa khi trong cô sự gắn kết, chia sẻ, biết ơn ngày một lớn lên để sẵn sàng dành cho anh, sẵn sàng đáp lại tiếng ngân nga đôi lứa, dù chưa rõ ràng, bởi Kumar chưa cất thành lời dành cho mẹ con cô.

Có lẽ mình yêu Kumar rồi! Cô tự thấy xấu hổ mỉn cười ngượng nghịu, khi nhận ra trong sâu thẳm lòng mình ý nghĩ ấy.

Các bác sĩ và hộ lý bệnh viện đều nghĩ họ là một gia đình. Chắc vì vậy mà họ bàn giao cho Quyên những vật dụng cá nhân tìm thấy trên xe Kumar. Cả chiếc ví với đủ loại giấy tờ. Cô cầm lấy và hỏi: “Em mang về nhà nhé!” Kumar gật đầu. Đôi mắt anh nhìn vào mắt Quyên, ánh lên niềm vui, đầy tin cậy, âu yếm.

Kumar vốn có một tố chất phi thường về thể lực. Anh hồi phục sức khỏe rất nhanh và bản thân anh cũng không muốn nằm viện. Anh bảo: “Quyên này, ở viện buồn lắm!” Nhưng cái chính là anh sợ mẹ con Quyên vất vả, khi ngày nào cũng đùm kéo vào thăm anh, vì vậy mới có năm ngày nằm viện mà anh đã nằng nặc xin bác sĩ về nhà.

Bệnh viện cũng không thiếu chỗ để tới mức đồng ý cho Kumar xuất viện ngay. Sáng sớm thăm bệnh, bà bác sĩ Lisa tươi cười gật đầu đồng ý phê giấy xuất viện. Người ta đều thấy rõ khả năng hồi phục phi thường, đầy tố chất thanh xuân trong người thanh niên này. Nhưng Docterin Lisa vẫn kiểm tra lại sức khỏe anh rất thận trọng. Bà bắt anh phải kiểm tra lại máu, tim mạch, chụp lại xương cổ một lần nữa và, quyết định cho anh về với lời dặn dò chu đáo và đặt lịch kiểm tra lại sức khỏe.

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC