Phim mới về Stasi thời Đông ĐứcMột người đàn ông bật khóc sau 50 giờ thẩm vấn của cảnh sát mật Đông Đức, cơ quan Stasi, và ông bắt đầu khai ra danh tính của người hợp tác.
Đó là cảnh ở đầu bộ phim Cuộc đời những người khác, một bộ phim mới mô tả Đông Đức cũ theo một cách u ám hơn những phim hài gần đây.

Bộ phim kể về âm mưu của cơ quan mật vụ Stasi nhằm hạ uy tín một nhà viết kịch, và kết cục ông và người tình phải chết.

Các nhà phê bình phim và bình luận chính trị ở Đức nói bộ phim là bằng chứng cho thấy sự hồi tưởng lãng mạn về thời kì cộng sản đang bị thay bằng cái nhìn hiện thực hơn.

Tuần báo Die Zeit nói: "Đây là phim hay nhất về Đông Đức từ khi thống nhất, một tiểu thuyết điện ảnh đem lại cái nhìn u ám về hành vi của chế độ độc tài."

Một số phim có tiếng gần đây cũng nói về Đông Đức, như Sonnenallee và Goodbye, Lenin! có xu hướng mô tả đất nước này một cách lãng mạn, u hoài.

Trong 15 năm qua, từ Ostalgie - nghĩa là sự hồi tưởng vùng đất phía Đông - đã được dùng để tả hiện tượng xảy ra trên truyền hình, và tạo ra thị trường đồ lưu niệm.


Cảnh trong phim
Nhiều người Đức đồng ý bộ phim mô tả chính xác công việc của cơ quan Stasi

Đạo diễn bộ phim Cuộc đời những người khác, Florian von Henckel, nói: "Con người hiện nay đang sẵn sàng hơn để nghe về những khía cạnh nghiêm túc và chân thật về quá khứ."

Trong phim, nhà viết kịch không chịu chống lại chính quyền, ông muốn im lặng để được yên thân sáng tác.

Nhưng âm mưu chống lại ông đã bắt đầu, chẳng phải vì chính trị mà chỉ vị bộ trưởng văn hóa mê cô bạn gái của ông.

Cô này sau đó phản bội nhà viết kịch để cứu sự nghiệp của mình, trước khi tự sát.

Truyền thông Đức chú ý chi tiết ngoài đời thực, đó là diễn viên Ulrich Muehe, người đóng vai mật vụ Stasi trong phim, đã bị vợ của mình theo dõi do lệnh của Stasi.

Diễn viên này không đồng ý kể lại về cuộc đời ông, nhưng nói bộ phim mô tả chân thật tình hình ở Đông Đức xưa kia.

Trong phim, nhân vật mật vụ của Muehe sau này đồng ý giúp đỡ nhà viết kịch. Nhưng một số người nói đây lại là điểm yếu của phim.

Hubertus Knaabe, giám đốc đài lưu niệm tại một nhà tù cũ ở Berlin, nói: "Chúng tôi không biết có mật vụ Đông Đức nào lại đã chuyển hướng giữa dòng."

Ông Knaabe không chịu cho phim quay tại nhà tù, vì nội dung phim. Nhưng ông đồng ý rằng bộ phim đánh dấu chuyển biến quan trọng trong cách thức mô tả về Đông Đức.

"Bộ phim tiết lộ rất rõ công việc của Stasi, và tôi nghĩ đó là phim đầu tiên mô tả chế độ độc tài ở Đông Đức rõ như vậy."

Theo BBC



 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC